1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Án tử hình: Nên tiêm thuốc độc khi có đủ điều kiện

(Dân trí) - Việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn hay tiêm thuốc độc đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu đã tán thành hình thức tiêm thuốc độc nhưng cũng có nhiều đại biểu đề nghị phải nghiên cứu kĩ.

Theo dự thảo Luật Thi hành án hình sự, việc thi hành hình phạt tử hình được thực hiện theo hai hình thức là xử bắn hoặc tiêm thuốc độc.
 
Góp ý kiến với dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, thời gian qua hình thức xử bắn đã phát huy được tính răn đe. Tuy nhiên, vấn đề pháp trường xử bắn khá nan giải khi mới 7 tỉnh có pháp trường theo đúng nghĩa. Do quan niệm phương Đông, người dân và chính quyền đều không muốn xây pháp trường tại địa phương mình.
 
Đáng nói hơn, việc xử bắn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lí các chiến sĩ được phân công thi hành án. Chính vì yếu tố tâm lí, có chiến sĩ đã bắn trượt trong khoảng cách 5 - 7m… Theo bà Nga, đã đến lúc phải thay đổi bằng hình thức khác, đảm bảo tính nhân đạo, phù hợp với xu hướng hiện đại.
 
Tuy nhiên, về các hình thức đang được thực hiện tại các nước bà Nga cho rằng, hình thức treo cổ quá dã man, cần loại bỏ, trong khi hình thức ngồi ghế điện cũng tàn nhẫn, đáng sợ, gây tâm lí cho cả người bị xử và người thực hiện.
 
Án tử hình: Nên tiêm thuốc độc khi có đủ điều kiện  - 1
Đại biểu Lê Thị Nga: hình thức tiêm thuốc độc tạo ra cái chết nhân đạo đối với bị án.
 
Về hình thức tiêm thuốc độc, sẽ thực hiện tự động và cảnh sát chỉ thực hiện bấm nút. Ưu điểm của hình thức này là nơi thi hành án đơn giản, khắc phục yếu tố tâm lí ảnh hưởng của cả 2 bên, tạo ra cái chết nhân đạo, thi thể sau khi chết còn nguyên vẹn và hình thức này cũng phù hợp với xu thế quốc tế.
 
Từ những phân tích trên bà Nga nhìn nhận, tiêm thuốc độc là hình thức khá ưu điểm và đề nghị thay thế xử bắn bằng tiêm thuốc độc.
 
Cho rằng tính răn đe là bản án tử hình chứ không phải việc xử bắn nhưng đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) phân tích, dù bắn hay tiêm thuốc độc đều là tước đi mạng sống của con người nên nhiệm vụ này rất khó khăn.
 
“Trước khi ra pháp trường, những điều tốt đẹp đều bừng sáng, những người tiếp xúc đều day dứt không muốn làm”, ông Thiều nói.
 
Tán thành cả hai hình thức thi hành án tử hình nhưng ông Thiều cũng cho rằng, hình thức tiêm thuốc độc phải nghiên cứu thời gian dài và cũng nan giải không kém gì xử bắn, trong đó việc bấm nút, ai làm cũng là khó khăn.
 
Ông Thiều đưa ra hình thức thứ 3 cho thi hành án tử hình, đó là giam người bị án tử hình cho đến khi mất, không giảm án, không đặc xá. Việc làm này theo ông Thiều nhân đạo hơn xử bắn, tiêm thuốc độc và chi phí cũng không bằng xử bắn.
 
Đại biểu Võ Văn Đủ (Đắc Nông) lại cho rằng, việc xử bắn đã được tiến hành từ lâu, trong khi tiêm thuốc độc chúng ta chưa làm, chưa có kinh nghiệm, việc ai tiêm, tiêm như thế nào phải nghiên cứu kĩ.
 
Chưa kể, người thực hiện tiêm cũng bị tác động tâm lí… Từ đó, ông Đủ đề nghị, phải có điều kiện mới thực hiện hình thức tiêm thuốc độc.
 
Chỉ nên chọn một trong hai hình thức là quan điểm của đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM). Theo bà Hồng nên xác định hình thức xử bắn, khi có điều kiện sẽ tiêm thuốc độc và phải ghi rõ lộ trình.
 
Về vấn đề hiến xác, mô, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy của người bị án tử hình, đại biểu Trần Bá Thiều cho rằng, không nên đặt ra trong luật.
 
Theo ông Thiều, tâm lí của người có nhu cầu thường ngại nhận ở tình huống này, trong khi việc lấy các bộ phận cơ thể phải thực hiện khi tử tù còn sống nên cũng không đơn giản.
 
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cũng cho rằng, việc lấy các bộ phận của người bị án là việc rất khó khăn, vì vậy không nên đưa vấn đề này vào luật.
 
Cấn Cường