Án treo cho 8 quan chức “xén” đất rừng Sóc Sơn
(Dân trí) - Vụ án xẻo bán đất rừng tại huyện Sóc Sơn hơn 4 năm qua, ngày 9/3 mới đến hồi kết khi bản án dành cho 8 “quan thôn”, “quan xã” được tuyên. Dùng tiền bán rừng xây đường thôn, cả 8 bị cáo được xét hưởng án treo.
8 “quan thôn”, “quan xã” đã hầu toà không chỉ một lần.
Sau những lần hoãn toà, điều tra bổ sung, 8 cán bộ các thôn trong xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội vẫn bị truy tố về tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai (Đ173-BLHS).
Theo cáo buộc của VKSND thành phố, các quan thôn, quan xã đã hô biến trên 260.000m2 đất rừng, đất nông nghiệp thành đất ở để bán chác, thu tiền sai trái.
Năm 2001, UBND huyện Sóc Sơn có đề án xây dựng đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Theo đó, nguồn vốn xây dựng đường được huy động theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cụ thể, huyện hỗ trợ các xã tiền xi măng còn lại do nhân dân đóng góp.
Viện vào chủ trương trên các cán bộ ở Minh Phú đã lập nhiều tờ trình, đưa ra nghị quyết đề nghị với HĐND, Đảng ủy cho phép “đấu thầu” chuyển mục đích sử dụng đất để bán lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Phú, Nguyễn Văn Phố trực tiếp ký tá, biến hơn 100.000m2 đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở bán cho các hộ dân, cá nhân. Nguyên bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Văn Hôm cũng “gật đầu” cho phép 7 thôn trong xã tổ chức chuyển mục đích sử dụng và bán 160.000m2 đất khác.
Nguyễn Văn Phố cũng chỉ đạo thủ quỹ xã Quách Văn Trọng thu tiền của hơn 300 hộ dân sử dụng đất với nội dung biến tấu thành tiền “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”, được hơn 3,8 tỷ đồng.
Tổng số tiền thu trái phép từ việc “bán tháo” đất rừng được xác định là trên 12 tỷ đồng. Số tiền đã được để ngoài sổ sách, chi tiêu sử dụng trái với quy định của nhà nước.
Trong phần thẩm vấn, tranh luận tại toà (ngày 5/3), các bị cáo viện dẫn lý do cần huy động kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn nên đã bán rừng. Số tiền thu được thực tế cũng đã triển khai làm nhiều đường xá, công trình… nhưng đều không có sổ sách chi tiêu tài chính.
Cơ quan công tố cũng cho rằng, những người có chức trách chỉ trích một phần số tiền thu về để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khoản còn lại, các “quan thôn”, “quan xã” cố tình để ngoài ngân sách nhằm chi tiêu, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cùng quan điểm với VKS, HĐXX nhận định đủ cơ sở để “khép tội” các bị cáo. Tuy nhiên, so với mức án đề nghị của cơ quan công tố (2 án giam, 6 án treo, mức cao nhất là 42 - 48 tháng tù), toà cho rằng cần áp dụng một số tình tiết thành khẩn khai báo, nhân thân tốt… để giảm nhẹ một phần hình phạt, cho tất cả các bị cáo được hưởng án treo.
Ngày 9/3, Toà đã quyết định mức án 36 tháng tù cho nguyên chủ tịch xã Nguyễn Văn Phố, 34 tháng tù cho nguyên bí thư Nguyễn Văn Hôm, 24 tháng tù cho nguyên thủ quỹ Quách Văn Trọng. Xã đội trưởng Dương Văn Huynh, Bí thư chi bộ Hoàng Văn Ứng và trưởng thôn Phú Ninh Nguyễn Văn Thực, trưởng thôn Thanh Sơn Phạm Thanh Ngọc cùng mức 30 tháng tù. Bí thư chi bộ thôn Thanh Sơn Nguyễn Xuân Miễn nhận 26 tháng tù.
P.Thảo - T.Hợp