1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An toàn thủy điện Sông Tranh 2: EVN đảm bảo, Quảng Nam "không tin được"

(Dân trí) - Chiều 12/9, sau khi nghe các nhà khoa học của các bộ ngành Trung ương báo cáo khảo sát các đợt rung chấn vừa qua tại thủy điện Sông Tranh 2, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị nếu chưa đủ an toàn 100% thì kiến nghị Chính phủ chưa cho phép tích nước.

Điều làm cho lãnh đạo cũng như người dân cảm thấy thất vọng nhất là các nhà khoa học nghiên cứu về động đất chưa đưa ra được kết luận nguyên nhân xảy ra những trận động đất mạnh từ đầu tháng 9 đến nay để người dân biết cách ứng phó.
 
Đây cũng chỉ là đợt báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát về động đất của các nhà khoa học trong đợt rung chấn mạnh vừa qua ở khu vực Bắc Trà My và vùng lân cận.
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nghe báo cáo về động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nghe báo cáo về động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
 
Theo kết quả khảo sát của TS Lê Huy Minh – Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - tại 5 huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn cho thấy các trận động đất lúc 20 giờ 47 ngày 3/9 vừa qua gây nên chấn động cực đại là cấp 6 (theo thang MSK64). Vùng chấn động cấp 6 kéo dài theo phương tây bắc – đông nam dài khoảng 20 km, chiều rộng khoảng 10 km bao cả khu vực đập. Vùng chấn động cấp 5 kéo dài khoảng 40km và rộng khoảng 20km, bao gồm một số xã thuộc địa phận Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Vùng chấn động cấp 4 bao gồm một số xã ở Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn.
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nghe báo cáo về động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Quảng Nam - ông Trần Xuân Thọ đề nghị chưa đủ điều kiện thì chưa cho tích nước thủy điện Sông Tranh 2
 
Trận động đất lớn nhất M=4,2 ngày 3/9 gây chấn động lớn nhất là cấp 6 theo thang MSK64, tương đương chấn động cực đại gây bởi trận động đất M=3,4 tháng 11/2011. Độ lớn động đất mạnh hơn, vùng chấn động rộng hơn. Gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái của đập là 88,3 cm/s2 chưa vượt qua ngưỡng gia tốc động đất thiết kế cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150 cm/s2. Các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng gì tới đập.
 
Tâm động đất vừa qua do Viện Vật lý địa cầu phác thảo
Tâm động đất vừa qua do Viện Vật lý địa cầu phác thảo

TS Lê Huy Minh cũng khẳng định, động đất khu vưc thủy điện Sông Tranh 2 chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn (tháng 11/2011 có 2 trận động đất M=3,4; tháng 3/2012 có 1 trận M=3,1, tháng 9/2012 có 2 trận M>4,0) cũng như về tần suất động đất. Diễn biến của động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 diễn ra là diễn biến bình thường như ở các khu vực thủy điện khác.

Theo giải thích của TS Minh, khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gẫy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gẫy dẫn tới việc xẩy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. Vì lý do này, động đất kích thích do hồ chứa thường xảy ra tại lân cận vùng hồ. Các động đất tại Bắc Trà My cũng xẩy ra quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2.
 
Tâm động đất vừa qua do Viện Vật lý địa cầu phác thảo
Trụ nhà và la phông của bà Hồ Thị Thổ (thôn 3A, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) bị nứt trong những trận động đất vừa qua

“Việc xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam đã từng quan sát được sự xuất hiện của động đất kích thích có độ lớn M=4.8 tại hồ thủy điện Hòa Bình sau khi tích nước 6-7 tháng”, TS Minh cho biết.

TS Minh cũng cho biết, Bộ KH-CN đã có quyết định phê duyệt việc triển khai đề tài “Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2”. Đề tài sẽ được triển khai trong thời gian tới với việc lắp đặt 5 trạm địa chấn để theo dõi tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, nghiên cứu chi tiết các điều kiện địa chất và địa động lực phục vụ việc đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

Tại buổi báo cáo, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Lưu Thế Biểu – Phó trưởng BQL xây dựng của EVN cho biết, đến thời điểm này công tác xử lý chống thấm đã đạt chỉ tiêu đề ra và công trình vẫn đảm bảo an toàn. Ông Biểu cho biết, EVN đã thuê các chuyên gia của nước ngoài sang đánh giá độc lập và khẳng định đến giờ này công trình đã an toàn để tích nước.
 
Tâm động đất vừa qua do Viện Vật lý địa cầu phác thảo
Cửa kính điểm trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai tại thôn 3A (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) bị vỡ vì động đất

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Lê Phước Thanh hỏi ông Biểu rằng Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước chưa thì ông Biểu nói chưa có và ông cho biết ngày 13/9, Bộ Xây dựng sẽ họp lần cuối trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin tích nước.

Điều làm các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương trong vùng ảnh hưởng của động đất là hiện nay tâm lý người dân vẫn bất an từ khi thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng và tích nước thì động đất liên tục xảy ra với mật độ dày đặt và cường độ ngày càng lớn.
 
Trường mẫu giáo Hoa Phượng tại thôn 1 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) bị nứt toát vì động đất
Trường mẫu giáo Hoa Phượng tại thôn 1 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) bị nứt toát vì động đất

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Đặng Phong bức xúc: Người dân chúng tôi đang hỏi sao chính quyền địa phương chưa có động thái nào để an dân trong thời gian sắp đến. Chúng tôi đang nợ họ một câu trả lời.

Ông Phong cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành trung ương hết sức cẩn thận khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tích nước lại ở thủy điện Sông Tranh 2. “Bây giờ mà cho tích nước lại thì không thể an dân được”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, nếu có động đất không thì chính quyền địa phương sẽ đủ sức để hướng dẫn người dân cách phòng tránh, còn đây là nỗi lo kép vì động đất ở đây gắn với thủy điện Sông Tranh 2. “Cần phải nghiên cứu mở rộng thêm động đất kích thích hay động đất do kiến tạo địa chất. Tuy nhiên, cho dù là động đất kiểu gì thì nguyên nhân cũng từ thủy điện Sông Tranh 2 mà ra”, ông Phong phát biểu.

Còn Chủ tịch huyện Hiệp Đức – ông Đào Bội Thuyên cũng lo lắng không kém vì khi có vấn đề xảy ra, “túi nước” từ Sông Tranh 2 sẽ quét qua địa bàn huyện này. Do đó ông đề nghị các cơ quan chức năng có cách hướng dẫn để tuyên truyền cho người dân phòng tránh khi sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, đại diện EVN – ông Biểu trấn an: “Các anh phải tin các nhà khoa học, tin những việc chúng tôi đã làm”.

Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Quảng Nam – ông Trần Văn Thọ - cũng rất lo lắng đối với công trình “tai tiếng” này: Bảo dân tin thì trăm nghe không bằng một thấy. Khi tích nước chưa được bao lâu thì sự cố rò rỉ. Bảo như thế dân yên sao được? Khi sự cố xảy ra thì không cho báo chí vào, lãnh đạo tỉnh cũng không được vào. Đặt mình vào vị trí của dân thì chúng ta có hoảng hốt không với những việc đã xảy ra?
 
Mực nước thủy điện Sông Tranh 2 hiện đang ở cao trình 140m. Đây là mực nước chết
Mực nước thủy điện Sông Tranh 2 hiện đang ở cao trình 140m. Đây là mực nước chết

“Ai chịu trách nhiệm về việc này? Phải nghiêm túc và dũng cảm thừa nhận sự việc đã xảy ra. Hỏi tôi tin không? Tôi không tin được”, ông Thọ bức xúc. Ông cũng đề nghị: Chúng ta kiên quyết đề nghị chưa đủ điều kiện thì chưa cho tích nước!

Sau khi nghe báo cáo, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – ông Nguyễn Đức Hải cho biết ngày nào ông cũng 3 lần gọi điện cho Chủ tịch huyện Bắc Trà My hỏi tình hình trên đó thế nào vì ông “rất không yên tâm” với những sự cố vừa qua. Theo ông đến thời điểm hiện tại mà kết luận thủy điện Sông Tranh 2 là an toàn thì không nên công bố vì sắp đến không biết có vấn đề gì xảy ra nữa không?
 
Những trận động đất xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 làm cho người dân rất bất an
Những trận động đất xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 làm cho người dân rất bất an

“Tôi là lãnh đạo cao nhất của tỉnh hỏi tôi yên tâm chưa thì tôi chưa yên tâm. Nếu còn 1% chưa an toàn thì đề nghị không cho tích nước thủy điện Sông Tranh 2”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho rằng yên dân thì phải an toàn và đề nghị sớm có kết luận về sự an toàn của thủy điện Sông Tranh 2. “Tốn kém thời gian và tiền bạc không quan trọng mà phải an toàn cho người dân là việc quan trọng nhất”, ông Hải nói.

Bí thư tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư giải quyết thiệt hại cho người dân sau những trận động đất làm hư hại nhà cửa, trường học. Ông cũng đề nghị chủ đầu tư phải có trách nhiệm và phải có thái độ cầu thị đối với dân sau những sự việc đã xảy ra.
 
Công Bính