Ăn Tết ngoài khơi
(Dân trí) - Những ngày giáp Tết, khi ai ai cũng đang háo hức trở về quê nhà ăn cái tết ấm áp với gia đình thì nhiều ngư dân ở làng biển Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An lại có một chuyến đi đặc biệt nhất trong năm: đi biển qua Tết.
Chuyến đi biển này thường kéo dài từ 18 tháng Chạp năm này tới ngày 10 tháng Giêng năm sau, theo lịch âm. Họ sẽ ăn Tết, đón năm mới trên trập trùng sóng nước ngoài khơi xa. Chủ tàu Trần Văn Đắc ở xóm Đại Hải, xã Quỳnh Long và 8 thuyền viên của mình đã có gần 10 cái Tết xa nhà như thế trên con tàu 2 sào câu mực.
Anh Đắc cho biết vì ở nhà còn bố và anh em chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nên anh yên tâm đi biển qua Tết. Nghề biển phụ thuộc vào những đêm tối trời, theo âm lịch những đêm thích hợp nhất để đánh bắt hải sản kéo dài từ 10 ngày cuối tháng này sang 10 ngày đầu tháng sau, ngư dân gọi đó là "một tối trời".
Những tối trời nối giữa năm cũ và năm mới thường là thời gian đi biển lý tưởng nhất, trời yên biển lặng, cá mực dồi dào đem lại thu nhập cho mỗi thuyền viên ít nhất là 4-5 triệu đồng, có năm mỗi người được hơn 10 triệu đồng chỉ trong 20 ngày đánh bắt này. Vì vậy rất nhiều ngư dân đã chấp nhận ăn Tết ngoài khơi để tăng sản lượng đánh bắt, tiết kiệm chi phí. Tàu nào muốn ăn Tết trên đất liền thì phải tốn gấp đôi chi phí ra vào 2 lần trong một tối trời, công sức, sản lượng đánh bắt được lại rất thấp.
Chuẩn bị cho chuyến ra khơi đặc biệt này, các tàu thuyền được sắm thêm nhiều lương thực thực phẩm hơn ngày thường, đặc biệt là rượu bia, gà vịt, bánh kẹo, rau xanh. Những đồ lễ để cúng giao thừa trên biển được chuẩn bị cẩn thận. Trước ngày tàu chạy, chủ tàu dành thời gian tìm mua cho được con gà trống đẹp nhất, khỏe nhất, chú gà này sẽ được nuôi trên tàu để làm lễ cúng trong đêm giao thừa, những nguyên liệu để làm chè, làm bánh ngọt được chọn lựa kỹ lưỡng. Tuy ra khơi cách Tết cả chục ngày nhưng nhiều người đã sớm chuẩn bị được những cặp bánh chưng cúng Tết để đưa lên tàu.
Lão ngư Trần Văn Ngọc nói: “Ngày xưa phải chuẩn bị nhiều hơn, nay gần Tết sẽ có tàu thu mua hải sản chạy ra mang tặng rất nhiều thịt, bánh, rau, trà”. Cả xã có 2 chiếc tàu thu mua như thế, những chuyến ra khơi giáp Tết họ mang theo ít nhất 2 tạ thịt lợn, nhiều thịt bò, rau xanh, và không bao giờ quên những cặp bánh chưng được người trên đất liền gói luộc cẩn thận, tất cả đều để tặng những ngư dân lãnh nhiệm vụ đón Tết ngoài khơi. Ngư dân Vũ Văn Pháo kể, càng gần tới đêm giao thừa mọi người càng nhớ nhà, những hình ảnh Tết trên đất liền ào ạt trở về, lòng chộn rộn đón chờ năm mới, tinh thần đánh bắt càng hăng hái hơn. Ngày cuối năm, ai cũng tranh thủ lúc có sóng điện thoại gọi về nhà trước, đề phòng Tết sẽ ngẽn mạng. Trước giờ sang canh, tuy phải rất tiết kiệm nước ngọt nhưng ai cũng có cho mình một ít để vệ sinh cơ thể sạch sẽ đón chờ năm mới nhiều may mắn.
Giao thừa, mọi nghi thức cúng tế tổ tiên được thực hiện đầy đủ như trên đất liền, trong thời khắc thiêng liêng mọi người không quên dâng lễ vật, thắp hương cầu an cho những con tàu, ngư dân xấu số bị bão gió cướp đi. Những con cá con mực câu được đầu tiên trong năm mới bao giờ cũng được ngư dân trân trọng dâng lên cúng cảm tạ tổ tiên, cầu may mắn, trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt mới.