1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ăn rừng, ngủ thác tìm diệt “hoa giết người”

Hàng năm, cứ đến tháng 11 cho đến nửa đầu năm sau, lực lượng liên ngành lại tổ chức nhiều đợt “đột nhập” vào khu vực “tam giác vàng” (Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa Phù Bắc Yên, vùng giáp ranh giữa Sơn La và Yên Bái) để triệt phá loài “hoa ăn thịt người”.

Cây anh túc rất dễ sống, chỉ cần gieo hạt là tốt bời bời. Càng giá lạnh, sương muối, nước đóng băng chúng càng lên nhanh. Tuy nhiên, chỉ cần dùng gậy vụt ngang thân, khiến cây đổ gục là nó chết.
 
Ăn rừng, ngủ thác tìm diệt “hoa giết người”  - 1
Chỉ cần vụt ngang thân là cây anh túc chết.

Mỗi khi phát hiện nương anh túc, lực lượng triệt phá dàn hàng ngang, mỗi người một gậy nhằm thân cây mà vụt, chết không sót cây nào. Tuy nhiên, để phát hiện được nương thuốc phiện ẩn trong đại ngàn mênh mông của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa Phù Bắc Yên, hàng trăm cán bộ của 3 huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) và Trạm Tấu (Yên Bái) phải mất hàng năm trời chuẩn bị, rồi mấy tháng trời tổ chức luồn rừng truy tìm diệt loài cây giết người này.

Theo ông Lường Văn Tăm, Phó trưởng Công an huyện Bắc Yên, sau nhiều năm tích cực truy quét, triệt phá, những vùng từng bạt ngàn thuốc phiện như Tà Xùa, Làng Sáng, Háng Đồng của Bắc Yên đã cơ bản vắng bóng cây thuốc phiện. Tuy nhiên, lực lượng chức năng của huyện lại vất vả hơn gấp bội, khi cây thuốc phiện được những kẻ xấu mang vào tận vùng giáp ranh với Trạm Tấu và Phù Yên để trồng.

Những địa điểm phát hiện trồng nhiều thuộc phiện gồm khu vực Kang Tráng Tria, Káng Dế, Tà Chí Ra, Trông Sủa Giàng, Háng Chí, Cay Đằng, Cang Chua Dê… đều nằm ở khu vực giáp ranh 3 huyện, tận ngọn núi U Bò.
 
Ăn rừng, ngủ thác tìm diệt “hoa giết người”  - 2
Nấu nướng và ăn uống giữa rừng.
Để vào được những khu vực này phải mất 4-5 ngày đi bộ cật lực. Tuy nhiên, tìm được nương thuốc phiện ở những địa điểm này cũng không phải dễ dàng. Những đối tượng trồng thuốc phiện thường chọn những khe núi cao, sâu trong rừng già, không có đường đi lối lại để phát nương, gieo hạt, nhằm tránh bị triệt phá. Do đó, những người triệt phá ngoài kinh nghiệm phán đoán, phải có đủ sức khỏe để đu cây, bám đá mới tiếp cận được.

Để việc triệt phá có hiệu quả, phải có một lực lượng lớn cán bộ địa phương quanh năm suốt tháng luồn rừng, lập bản đồ, đánh dấu những khu vực nghi sẽ được trồng thuốc phiện.

Đến mùa gieo hạt, từ tháng 11, công an huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập lực lượng liên ngành với nòng cốt là công an, quân đội, dân quân, kiểm lâm, vào rừng triệt phá cây anh túc.

Lực lượng liên ngành gồm vài chục đến cả trăm người, chuẩn bị súng ống, thức ăn, đồ uống rồi dựa vào bản đồ và sự dẫn đường của những cán bộ trinh sát trước đó để tiến hành triệt phá có hiệu quả.

Mỗi mùa thuốc phiện thường có 4-6 đợt triệt phá, mỗi đợt diễn ra chừng 10-20 ngày, vào thời điểm cây thuốc phiện mọc cao chừng 20cm, cho đến khi nở hoa, bắt đầu cho thu hoạch. Như vậy, các cuộc triệt phá sẽ diễn ra liên tục từ tháng 11 năm trước đến tận tháng 4 năm sau.

Thượng úy Đinh Hồng Sơn, Đội phó Đội điều tra Tội phạm về Ma túy, Công an huyện Bắc Yên kể: “Cây thuốc phiện chỉ mọc vào mùa đông, ở những nơi cao, rất lạnh, mà cái lạnh ở vùng này thì khủng khiếp lắm, chỉ qua một đêm, những chai nước mang theo đã đóng thành đá. Để có nước uống, phải đập chai để nấu đá”.

Những cuộc tìm diệt cây thuốc phiện không khác gì các cuộc hành quân thần tốc. Mỗi nhóm có một người dùng ống nhòm tìm đường, vài đồng chí có kinh nghiệm đi rừng dò tìm bẫy (kẻ trồng thuốc phiện đặt bẫy hại cán bộ), mấy đồng chí vác súng AK cảnh giới.

Họ cứ đi như vậy từ sáng đến đêm, người nào người nấy lại phải cõng theo 20-30kg thức ăn, nước uống, xoong nồi, súng ống, dao phát… Ngày thì đi liên tục, đêm dừng chân dựng lều nấu nướng, nghỉ ngơi. Đồ ăn thì chỉ là cá khô, mì tôm, rau rừng có sẵn. Những đồ ăn tươi không thể mang theo vì rất nặng và không để lâu ngày được.

Theo Thượng tá Lường Văn Tăm, cuộc chiến với những kẻ trồng thuốc phiện cũng vất vả, nguy hiểm không kém gì cuộc chiến với bọn buôn bán “cái chết trắng”. Thậm chí, công tác triệt phá có phần vất vả, nguy hiểm hơn, bởi tai họa chết người có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Những kẻ trồng thuốc phiện thường là để hút hoặc bán kiếm tiền, nên chúng tìm đủ mọi cách để gây khó khăn, thậm chí tìm cách sát hại các cán bộ.

Nguy hiểm nhất là những cái bẫy súng kíp được đặt trong rừng sâu. Bọn chúng cài súng kíp đã lên đạn ở cạnh những con đường mòn dẫn vào nương thuốc phiện. Cò súng được nối với một sợi dây mảnh giăng ngang đường. Chỉ cần chạm nhẹ vào sợi dây, lập tức súng nổ, bắn ra hàng trăm viên đạn chì.

Trong cuộc triệt phá thuốc phiện năm 2002, hai đồng chí cán bộ kiểm lâm đã bị trọng thương khi dính bẫy súng kíp. Một đồng chí bị đạn găm vào đầu, phải nằm viện nửa năm trời ở Hà Nội mới tạm hồi phục sức khỏe.  

Những chiếc bẫy mà đoàn liên ngành thường gặp nhất là bẫy vòng. Bản chất những chiếc bẫy này dùng để bẫy thú, tuy nhiên, nó đã được sáng chế thêm để phù hợp với việc… bẫy người.
 
Ăn rừng, ngủ thác tìm diệt “hoa giết người”  - 3
Những chiếc bẫy người
 
Những chiếc bẫy này được đặt giữa đường, phủ lá khô nên rất khó phát hiện. Nếu dẫm phải bẫy, chiếc khung thép cứng như gọng kìm với những răng cưa lởm chởm sẽ cắm chặt vào thịt, bẻ gãy cả ống chân. Đã có không ít trường hợp cán bộ bị trúng bẫy vòng của chúng. Thậm chí, có đồng chí dẫm vào bẫy, bị kéo vọt lên ngọn cây.   
 
Để đe dọa lực lượng chức năng, những kẻ trồng thuốc phiện thường lẩn khuất trong rừng, thi nhau nổ súng đùng đoàng để hăm dọa, làm chùn bước lực lượng này. Tuy nhiên, nếu vì những tiếng súng dọa nạt mà quay về thì sẽ không bao giờ loại bỏ được cây anh túc ra khỏi đại ngàn Tà Xùa - Phù Bắc Yên.

Các cán bộ vẫn cứ phải tiếp tục dấn thân vào nguy hiểm, dù những bẫy đá có thể đổ xuống ầm ầm, rung chuyển cả cánh rừng, dù kẻ xấu có thể phóng hỏa đốt rừng thiêu cán bộ.

Với quyết tâm xóa bỏ bằng được cây thuốc phiện, nên hàng năm, lực lượng liên ngành đều vào rừng triệt phá. Niên vụ 2007-2008, đoàn cán bộ liên ngành đã triệt phá được diện tích anh túc lớn nhất, với 150 điểm, tương đương 25,6ha.

Do quyết liệt trong công tác triệt phá, nên số diện tích tái trồng giảm đáng kể. Từ vụ 2008-2009, đến niên vụ 2009-2010 sau 4 cuộc “tìm diệt”, song số lượng cây anh túc tìm được chỉ là vài chục điểm với 5-6ha. Theo thông tin trinh sát, niên vụ 2011-2012, diện tích cây anh túc bị triệt phá có thể còn thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Lường Văn Tăm, không thể xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện, nếu không có biện pháp giải quyết từ gốc. Theo đó, việc đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn bản, hộ dân.

Những đối tượng nghiện ở khu vực này cần phải được vận động hoặc đưa đi cai bắt buộc, bởi những đối tượng nghiện cũng chính là những người tích cực trồng thuốc phiện nhất.

Hôm tôi vào xã Tà Xùa, gặp Trưởng Công an Giàng A Sê, người tham gia tất cả các cuộc tìm diệt cây thuốc phiện, anh Sê kể vui: “Hôm đoàn cán bộ ra khỏi rừng, tập trung ở UBND xã Tà Xùa, hàng trăm em học sinh và giáo viên kéo nhau vây kín để xem… người rừng. 40 đồng chí nửa tháng trời không tắm rửa, mặt mũi nhem nhuốc, râu tóc xác xơ, quần áo bị gai rừng cào rách tả tơi, trông chả khác gì người rừng”.

Thượng tá Lường Văn Tăm xác định cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện ở vùng “tam giác vàng” sẽ còn rất nhiều gian khổ, chông gai. Nhưng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, việc này sẽ làm được.
Theo Quân Lê
VTC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm