1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Án kinh tế giá trị thi hành lớn nhưng tài sản phát hiện lại rất nhỏ

(Dân trí) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, các vụ án tham nhũng, án kinh tế có giá trị thi hành lớn trong khi tài sản phát hiện để xử lý chỉ có giá trị rất thấp; tài sản phân tán ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý không rõ ràng đang gây nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng (phải) và ông Mai Lương Khôi - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng (phải) và ông Mai Lương Khôi - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị tổng kết công tác những tháng đầu năm và triển khi nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2018 hôm qua (20/4), ông Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - cho biết, 6 tháng qua Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn hệ thống thi hành án dân sự triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, kịp thời các mặt công tác. Chính vì thế đến nay đã thi hành xong số việc cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, tổng số phải thi hành gần 630.000 việc, trong đó số có điều kiện thi hành trên 459.500 việc; thi hành xong 241.770 việc (tăng 16.654 việc). Tổng số tiền phải thi hành trên 158.522 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 92.522 tỷ đồng; đã thi hành xong trên 12.000 tỷ đồng.

Ngoài ra có 247 bản án, quyết định thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan thi hành án dân sự và đã thi hành xong 145 việc, còn 102 việc chưa thi hành xong…

Ông Nguyễn Văn Lực thẳng thắn chỉ rõ kết quả thi hành án về tiền đạt thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017; lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ. Số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật vẫn còn tương đối nhiều, trong khi công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao...

Mặc dù hai bản án tuyên ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải bồi thường 630 tỷ đồng chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng cơ quan thi hành án dân sự lo lắng sẽ khó thu hồi khoản tiền rất lớn này khi quá trình tố tụng không kê biên, phong toả tài sản của ông Thăng.
Mặc dù hai bản án tuyên ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải bồi thường 630 tỷ đồng chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng cơ quan thi hành án dân sự lo lắng sẽ khó thu hồi khoản tiền rất lớn này khi quá trình tố tụng không kê biên, phong toả tài sản của ông Thăng.

Lý giải các khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Văn Lực cho rằng các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị thi hành lớn trong khi tài sản phát hiện để xử lý chỉ có giá trị rất thấp, tài sản phân tán ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý không rõ ràng.

Trong giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án…

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng bày tỏ băn khoăn vì kết quả thi hành án về tiền thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017, kết quả thu hồi tiền các khoản nợ của tổ chức tín dụng còn thấp và bồi thường nhà nước theo quy định mới có dấu hiệu tăng.

Từ nay tới cuối năm, ông Dũng yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự cần phải nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Trong đó, tập trung giải quyết các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa kê biên được; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong vụ án kinh tế lớn, siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Thế Kha