ĐBSCL:
Ẩn hoạ từ việc phơi lúa trên quốc lộ
(Dân trí) - Mưa nhiều, bà con thu hoạch lúa khó khăn. Đến khi thu hoạch xong, lúa bị ngả màu, thương lái chê không mua, một số người dân gặp cảnh này đành mang lúa về nhà. Một số người không có sân phơi nên đành mang lúa ra quốc lộ.
Mấy ngày qua, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua các xã Thuận An (thị xã Bình Minh), Song Phú (huyện Tam Bình),… chứng kiến nhiều nông dân “làm lều” mang lúa đổ trên quốc lộ phơi.
Anh N. T. B than thở: “Biết phơi lúa như thế này là không đúng nhưng nhà không có sân phơi, nếu chậm 1 ngày là lúa lên mầm hết, lúc đó chỉ có nước bán cho vịt ăn. Bởi vậy, tui làm liều mang lúa ra phơi đại, chứ biết làm sao bây giờ.”
Chị T. T. L (xã Song Phú) cho biết: “Xui rủi thu hoạch lúa đúng lúc gặp cảnh mưa dầm nên kéo dài gần cả tuần mới thu hoạch được lúa. Bởi vậy, thất thoát đáng kể, nào lớp lúa đổ, nào công cắt cao (gặt tay),… khi mang lúa về nhà lại bị thương lái chê, ép giá,… Đành bấm bụng mang lúa ra quốc lộ phơi, chứ bà con ở đây ai cũng biết phơi như thế này là vi phạm giao thông, nguy hiểm.”
Ngoài tình trạng phơi lúa trên quốc lộ, tỉnh lộ… nông dân một số tỉnh, như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long…, nhiều bà con còn mang lúa gié (lúa còn bông) ra quốc lộ để tuốt lúa, nhưng tình trạng phổ biến là việc bà con tập kết lúa ra quốc lộ để bán cho thương lái. Việc này ít nhiều tìm ẩn nhiều tai nạn khi việc thương lái đổ xe tải trên lộ để chờ cân lúa cho nông dân.
Riêng tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua các xã Song Phú, Thuận An của Vĩnh Long, cứ đến vụ hè thu và vụ thu đông hàng năm trên tuyến quốc lộ này xuất hiện cảnh bà con mang lúa ra quốc lộ phơi tấp nập. Ngành chức năng nhiều lần “ra quân” nhưng chủ yếu là tuyên truyền nhắc nhở người dân, nhưng đâu cũng vào đấy.