An Giang xử phạt karaoke di động như thế nào?
(Dân trí) - Để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt hơn, lãnh đạo tỉnh An Giang đã chỉ đạo các huyện thị tạm dừng hoạt động karaoke di động, loa kẹo kéo trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước lệnh dừng hoạt động karaoke di động này, nhiều người dân ủng hộ, tuy nhiên nhiều người cũng băn khoăn về cơ sở pháp lý xử phạt loại hình đang phổ biến từ phố về quê, làm nhiều người vui nhưng cũng lắm người thấy phiền, thậm chí dẫn đến ẩu đả.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang cho biết, loại hình karaoke di động bị cấm hoạt động trong thời gian chống dịch là loại hình có âm thanh, màn hình chạy chữ được một số tổ chức, cá nhân cho thuê, phục vụ tại các đám tiệc mà người dân hay gọi là karaoke di động.
Căn cứ theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, hoạt động này phải được đăng ký và ngành chức năng cấp phép.
Nhưng thực tế, ngành chức năng rà soát sơ bộ, karaoke di động lâu nay không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký. Do đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang đã gửi văn bản đến các huyện, thị, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo nghiêm cấm các trường hợp hoạt động kinh doanh karaoke không đủ điều kiện kinh doanh theo nghị định nói trên.
Sở đề nghị các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt loại hình karaoke di động theo quy định hiện hành và có thể áp dụng Điều 16, Điều 17, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Đối với loại hình loa kẹo kéo (các gia đình hay sử dụng), ông Hiệp cho biết thêm, khi phát hiện thì lực lượng chức năng đến vận động người dân giải tán để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và đảm bản an ninh trật tự tại địa phương.
Tuy nhiên, một số người dân cho rằng, loại hình karaoke di động thường xuất hiện tại các đám tiệc nên việc xử lý cũng nhạy cảm. Hoặc trong trường hợp, người dân chỉ thuê âm thanh rồi dùng điện thoại hát thì cũng khó xử phạt.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang - chia sẻ: "Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ cần có bản lĩnh và cần có sự hiểu biết tỏ tường về lĩnh vực mình thi hành. Ngoài ra, vấn đề quan trọng hơn là các cấp ngành địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu ý nghĩa của việc tạm dừng loại hình karaoke di động để phòng, chống dịch. Vì khi bà con thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh, thấy thiệt hại khi làng xóm bị phong tỏa vì dịch… bà con sẽ nghiêm chỉnh chấp hành".
Theo ông Hiệp, hiện Sở đã giao ngành chức năng thống kê số lượng loại hình karaoke di động trên toàn tỉnh để khi hết dịch bệnh có những hướng dẫn, tuyên truyền để cá nhân tổ chức thấy rõ hoạt động này là chưa đúng quy định pháp luật, cần chuyển sang loại hình kinh doanh khác.