1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

An Giang:

An Giang: Vỡ đê bao bảo vệ lúa

(Dân trí) - Ngày 14/10, ngành chức năng tỉnh An Giang cho biết vừa có một tuyến đê bị vỡ trên địa bàn thị xã Châu Đốc gây thiệt hại hàng trăm ha lúa của người dân.

Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Châu (TX.Châu Đốc) cho biết, tuyến đê bị vỡ dài  30m trên kênh 10. Thời điểm trước khi xảy ra vỡ đê, mực nước lũ bên ngoài kênh cao hơn bên trong ruộng lúa khoảng 2,5m. Do áp lực mực nước chênh lệch khá lớn nên đã làm vỡ đê gây ngập trên 250ha lúa 40 ngày tuổi của người dân.
 
                                                               
An Giang: Vỡ đê bao bảo vệ lúa - 1
                                                                    Tuyến đê bị vỡ nước lũ chảy vào rất mạnh gây khó khăn trong việc đắp vá lại
 
Theo một số người dân nhận định, tuyến đê ở kênh 10 trước đó được gia cố lại nhưng lúc gia cố chỉ lấy đất gần chân đê nên phần nào đó đã làm cho mặt đê yếu đi và đây cũng là một phần nguyên nhân gây vỡ tuyến đê này. 

Ngay sau khi xảy ra vỡ đê, ngành chức năng đã cho huy động lực lượng đến “vá” lại. Theo ông Trần Văn Trơ- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, kênh 10 bảo vệ hơn 2.000ha lúa vụ 3 của xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế. Chính vì thế bằng mọi cách phải đắp lại tuyến đê này để cứu lúa của người dân.

Tính đến ngày 13/10, tỉnh An Giang đã có 12 người chết (có 9 trẻ em) và 2 người bị thương do lũ; có 22 căn nhà bị sập, trên 17.750 căn nhà bị ngập; có 4.248 ha lúa bị mất trắng, 700 ao cá bị ngập; 6 bè cá, gần 80 bể nuôi lươn bị hư hại nặng; ước thiệt hại trên 71 tấn cá thịt và 3 triệu con cá giống… Hàng trăm km đường nông thôn, tỉnh lộ, tuyến đê bị ngập; nhiều tuyến đường bị sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân tại các huyện Châu Thành, An Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, TX.Tân Châu, TP.Long Xuyên. Số trường học bị ảnh hưởng có 74 điểm với trên 7.000 học sinh; trong đó có 20 điểm với 1.300 học sinh phải tạm nghỉ học.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, số người chết là 17 người (có 14 trẻ em và 3 người lớn). Tính đến ngày 13/10, thiệt hại về tài sản là hơn 854 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 7 tỷ đồng so với ngày hôm qua). Một số tuyến đê bao các vườn cây ăn trái hiện đang bị nước lũ đe dọa có nguy cơ bị bể bất cứ lúc nào. Các địa phương đang tích cực gia cố để bảo vệ tốt nhất diện tích cây ăn trái, hoa màu của người dân.

                                                               
An Giang: Vỡ đê bao bảo vệ lúa - 2
                                                                         Nước lũ vẫn ở mức cao nên vẫn còn đe dọa nhiều tuyến đê bao khác
 
Tại Cần Thơ đã có 6 người chết (hầu hết là trẻ em). Lũ gây ngập trên 2.000 ha lúa Thu Đông (trên 90 ha bị mất trắng), 78 ha màu, trên 880 ha cây ăn trái, trên 132 ha thủy sản, trên 129.000m đường giao thông nông thôn, 1.270 căn nhà, 5 phòng học; lũ gây sạt lở trên 400m đường nông thôn, 11.190m đê bao, 40.000m3 đất đắp đê.
 
Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, đến cuối tháng 10/2011, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên còn tiếp tục duy trì ở mức báo động 3 và trên báo động 3, tình trạng ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.
 
 
 Huỳnh Hải
   

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm