1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

“Ăn” cơm công nhân

Không phải là tất cả, nhưng ở đâu đó, chuyện “cắt xén”, “ăn bớt” bữa cơm của công nhân vẫn đang diễn ra. Giá trị những bữa cơm bị “xén” mất 1/3, có khi một nửa, bởi những người trúng thầu nấu ăn bị buộc phải “chi” lại nhiều khoản để mong tồn tại.

Câu chuyện sau đây được viết từ bàn ăn công nhân của một công ty ở TPHCM

 

“Ăn” cơm công nhân - 1

Giờ ăn trưa tại một công ty.

 

Vị tổng giám đốc vung tay đập xuống mặt bàn ăn, cú đập chứa đầy tức tối làm mấy cái muỗng nhôm bắn xuống đất. Hai trợ lý của ông lẳng lặng nhặt muỗng lên, họ lắp bắp phiên dịch và tránh nhìn vào bàn ăn, nơi có khay cơm là thủ phạm.

 

Bật nắp khay đựng một phần ăn trưa trên bàn, bằng một giọng tiếng Anh khá chuẩn, vị tổng giám đốc đến từ một nước Đông Á chỉ thẳng vào phần cơm và hỏi ba người có trách nhiệm đứng xung quanh: “Công nhân của tôi ngày làm việc ngoài 10 tiếng, họ ăn thế này sao mà làm việc? Ngày mai, các người thử ra ngoài xưởng làm như họ, rồi vào ăn những miếng cơm này, các người có sống được không?...” Tất cả lặng thinh. Hôm ấy, ông tình cờ đi xuống kiểm tra bếp ăn.

 

Công nhân… chê cơm

 

Trong cái khay nhựa đựng thức ăn đã mở bung nắp, góc đựng thức ăn mặn chỉ vỏn vẹn được hai lát trứng chiên mỏng, dài rộng chừng hai ngón tay. Góc bên có vài lát rau cải xào không. Bật nắp một khay khác, hai lát trứng được thay bằng ba con tép kho cỡ ngón tay út. Cơm và canh được bới chung cho từng bàn, đựng trong các thau nhựa lớn. Thau canh, chỉ lõng bõng vài cọng rau nổi lên trên. Một phần ăn như vậy, theo như người lãnh nấu, giá 7.000 đồng.

 

Cơn thịnh nộ của vị tổng giám đốc bị ngắt quãng khi công nhân toả ào ạt vào phòng ăn. Như mọi người, ông với lấy một suất, ăn vội vàng như để nén lại nỗi bực dọc. Năm phút sau, ông dằn cái khay trống trơn sang bàn ăn không có người và bỏ đi.

 

Hơn một ngàn con người làm thuê, đại đa số là nữ, ngồi ăn trong yên lặng. Nhiều người không hề nhìn vào cái muỗng cơm đang đưa lên miệng, mắt họ đang bận nghĩ tới điều gì đó. Một cô gái thổ lộ, bữa trưa là lúc tranh thủ nghỉ ngơi (chứ không phải là lúc nạp năng lượng). Họ cũng kết thúc bữa ăn nhanh không kém gì vị tổng giám đốc, người quản lý họ.

 

Ăn quáng quàng xong, họ lục đục đứng lên và chui ra khỏi cái cửa 10 phút trước họ mới bước vào, chẳng mấy người cao được mét sáu. Một số ít ghé vào quầy căntin nhỏ mua thêm ly chè, bịch xoài xanh 2.000 đồng. Số ngồi lại thêm dăm mười phút hầu hết là người làm quản lý hoặc văn phòng. Họ mua đồ và ăn uống thêm ở căntin.

 

Phòng ăn lại trống trơn, những người phục vụ chia nhau dọn dẹp, trên nhiều bàn ăn, thau cơm vẫn còn gần một nửa, thau canh chỉ còn nước. Cơm thừa được đổ vào thùng và chuyển cho người chăn nuôi.

 

5.000 đồng, ăn gì?

 

Lúc này đã bớt việc, người nhận thầu nấu ăn gọi tôi qua một góc kể chuyện, như cố gạt đi tâm trạng nặng nề lúc trước. Anh đã nhận thầu nấu ăn ở đây từ một doanh nghiệp có chức năng cung cấp suất ăn công nghiệp. Mang tiếng là nhận thầu (vì phải quản toàn bộ các khâu) nhưng thực chất anh là người làm thuê với mức lương cao nhất: 2 triệu đồng/tháng (đầu bếp). “Cái giá 7.000 đồng/phần ăn đâu chỉ có gạo nước, cá thịt - anh nói - mà mỗi phần ăn bị hàng tá khoản cắt, xén”.

 

Anh liệt kê: ở công ty này, mỗi ngày có 2.000 phần ăn, tính tổng, mỗi tháng bếp anh nhận được gần 380 triệu đồng (doanh thu). Người thuê anh (công ty nọ) sẽ cắt 5% số tiền trên, họ nói đó là tiền thuế nộp Nhà nước. Ngoài ra, mỗi tháng bếp phải gửi thêm cho họ 5 - 7 triệu nữa. Để phục vụ 2.000 công nhân, bếp có tổng cộng 27 người (gồm cả đầu bếp). Mỗi tháng, phải trả gần 38 triệu tiền lương (bình quân 1,4 triệu đồng/người).

 

Tính đến đây, tôi có thể tự nhẩm, mỗi suất ăn 7.000 đồng đã phải cõng 1.660 đồng cho hai khoản đóng “thuế” và trả lương. Suất ăn thực chỉ còn hơn 5.300 đồng.

 

Người đầu bếp kể tiếp, anh không được quyền đi chợ, mọi thực phẩm (thịt cá, rau, gạo…) đều do các công ty có chức năng cung cấp (theo giới thiệu của chủ anh). Họ bán hàng và chịu luôn trách nhiệm về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Một hôm anh đi đọ giá cá nục ở một chợ đầu mối mới hay, giá họ bán cho mình cao hơn chợ đến 10.000 đồng/kg, biết mà đành chịu. Thịt là hàng đông lạnh nhập khẩu, rẻ hơn nhiều so với thịt tươi sống bán ở chợ.

 

Đến thứ bảy, bếp phải lên thực đơn cho cả tuần sau, chi tiết đến từng loại rau. Nhưng giá thị trường đâu có theo ý của thực đơn, thành thử mới có chuyện rau này đắt gấp đôi rau kia mà vẫn phải mua (dù cùng chất lượng). Biết vậy nhưng anh không thể đổi rau rẻ. Có những thứ tưởng không đáng là bao như ớt nhưng mỗi ngày công nhân ăn hết 3kg, phải lúc đắt đã mất 200 ngàn…

 

Anh kể chừng không dứt, từ chuyện xài gas đến chuyện nước mắm nhưng hình như tôi đã không nghe nữa. Mảnh trứng chiên hồi trưa còn nằm trên khay cơm đã sạm màu vì nóng. Đây là món công nhân không thích chút nào vì tối đi làm về, họ thường mua trứng về luộc hoặc chiên ăn cho nhanh và rẻ.

 

Cũng có những khi lỗ nhưng với chủ, anh phải giấu (bằng cách chia lỗ cho những tháng sau) vì nếu lỗ, chắc chắn chủ sẽ không để anh kinh doanh nữa. Nhưng còn may, anh mở thêm cái căntin (sau khi “biết điều” với một số bộ phận) bán thêm đồ sau bữa ăn. Nó tuy nhỏ nhưng kiếm được cho anh dăm triệu mỗi tháng. Chứ hai triệu bạc lương kia, làm sao anh nuôi nổi hai đứa con đang học ở quê.

 

Theo Vĩnh Hoà

 Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm