1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Ăn chặn” chế độ của người tâm thần: Truy tố làm gương nếu cần

(Dân trí) - Liên quan đến việc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An “ăn chặn” gần 800 triệu đồng của người tâm thần, đối tượng bảo trợ trong 5 năm (2011-2015), Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Nếu đến mức phải truy tố, cần làm để bêu gương cho những vi phạm trong lĩnh vực rất nhạy cảm, được cả xã hội quan tâm này”.

 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng- Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng- Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông cảm thấy thế nào trước thông tin Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An vừa làm rõ trong 5 năm qua, cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh này đã ăn bớt gần 800 triệu đồng của những người tâm thần, neo đơn?

Cách đây ít lâu, báo chí đã có thông tin phản ánh về bữa ăn rất đạm bạc của những đối tượng sống trong trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Nghệ An. Lãnh đạo trung tâm đã giải thích là do địa phương chưa điều chỉnh được mức phụ cấp đối với các đối tượng này theo Nghị định 136 của Chính phủ. Cho đến lúc này thì có thể thấy việc này không hẳn như vậy khi có các thông tin nói rằng có hiện tượng bớt xén, ăn chặn kinh phí ít ỏi trong chế độ chính sách đối với các đối tượng đang sống ở trung tâm này.

Đảng và Nhà nước ta coi những chính sách về an sinh xã hội là một chính sách nhất quán cần có sự quan tâm đặc biệt. Chúng tôi đi giám sát thì thấy chính sách này của Nhà nước được các cấp Đảng và chính quyền rất quan tâm và tổ chức thực hiện để đảm bảo 1 trong 4 nội dung trụ cột về chính sách an sinh xã hội là trợ cấp đối với các đối tượng khó khăn.

Hiện tượng như ở Trung tâm bảo trợ xã hội ở Nghệ An có thể nói là rất hiếm. Trong suy nghĩ, chúng tôi thấy những người ở trong trung tâm là những cá nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, rất nghèo khổ, nhẽ ra phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của họ. Nhưng cán bộ liên quan không làm được như vậy mà còn có hiện tượng bớt xén, vi phạm nghiêm trọng cả về mặt pháp lý cũng như về đạo lý.

Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm này.

Đầu tiên sự việc này được phát hiện bởi những người đi làm từ thiện. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã vào cuộc nhưng không phát hiện sai phạm. Phải sau đó, ở cuộc thanh tra thứ hai, cơ quan chức năng mới phát hiện ra việc ăn bớt này. Ông đánh giá thế nào về năng lực thanh tra của các cơ quan ở địa phương này?

Việc thanh tra mà không phát hiện ra vấn đề dù trong thực tế có vi phạm cho thấy hai khả năng. Một khả năng là do năng lực chuyên môn, trình độ của cơ quan chức năng hạn chế nên không phát hiện ra vi phạm. Thứ hai là có thể họ biết nhưng do những lý do khác mà vẫn cố tình nói là không phát hiện vi phạm.

Theo tôi, cả hai trường hợp này đều cần làm rõ và xử lý nghiêm.

Nếu phát hiện cá nhân nào đó làm sai thì theo ông có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được không ?

Phải xác minh làm rõ sự việc và căn cứ vào quy định của pháp luật để tuỳ theo vi phạm mà xử lý tương ứng. Nếu sự việc nghiêm trọng đến mức phải truy tố thì tôi nghĩ là cần thiết làm để làm gương cho những vi phạm trong một lĩnh vực rất nhạy cảm, được cả xã hội quan tâm này. Còn nếu vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự thì cũng phải có xử lý nghiêm.

Sự việc lần này như một hồi chuông cảnh báo và các cơ quan chức năng cần kiểm tra các trung tâm bảo trợ xã hội khác?

Chúng ta rất hoan nghênh những vòng tay thân ái và sự chia sẻ với những người khó khăn nhất trong xã hội -những người cao tuổi cô đơn, những người khuyết tật. Nhưng chúng ta cũng không chấp nhận thái độ vụ lợi, lợi dụng sự quyên góp và lòng hảo tâm của xã hội để có cách làm bớt xén, ăn chặn của các đối tượng này.

Vì thế tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta cũng phải khuyến khích để huy động tốt hơn những nguồn lực xã hội cho những hoạt động này, mặt khác cũng phải xử lý nghiêm để làm bài học cho những khả năng tiềm ẩn vi phạm.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha (ghi)