Trường THPT Kim Liên (Hà Nội):
“Âm thầm” tuyển học sinh lớp 10 dưới điểm chuẩn
Năm học 2006 - 2007, trường THPT Kim Liên đã phải hạ điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 cả hệ A lẫn hệ B nhưng vẫn “lọt” hàng chục học sinh được đặc cách vào hệ B dưới điểm chuẩn. Tại sao chuyện “lạ” như vậy lại xảy ra ở một trường được coi là danh tiếng nhất nhì Hà Nội?
Thiếu 2 điểm cũng trúng tuyển
Liên tục nhiều năm gần đây điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 của Trường THPT Kim Liên luôn cao nhất, hoặc chí ít cũng nằm trong “top 3” của gần 50 trường THPT công lập trên toàn thành phố. Năm học 2006-2007, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của trường là 765 HS, trong đó có 675 HS hệ A và 90 HS hệ B.
Theo ông Phó hiệu trưởng Nguyễn Thiết Sơn, điểm chuẩn lúc đầu được trường thông báo là 50,5 đối với hệ A và 50 điểm đối với hệ B. Sau đó được hạ xuống mức 49 điểm đối với hệ A và 48,5 đối với hệ B. Nhưng trên thực tế, theo phản ánh của một số phụ huynh, đã có hàng chục trường hợp được học tại trường này với mức điểm thấp hơn điểm chuẩn (đã hạ) từ 1-2 điểm.
Sau ba ngày tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện có hơn 60 trường hợp trúng tuyển vào hệ B của trường với tổng điểm của HS chỉ đạt từ 46,5 đến 47,5. Những HS này được nằm trong một bản danh sách có ghi rõ “Danh sách HS đặc cách vào hệ B năm học 2006 và 2007” (ảnh), dưới có chữ ký phê duyệt của lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội. Tất cả các HS đều đã vào học được hai tháng, có tên, có điểm kiểm tra trong sổ điểm…
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi chiều ngày 17/10, ông Nguyễn Thiết Sơn một mực khẳng định: “Không có trường hợp nào dưới 48,5 điểm được học tại trường Kim Liên”.
Nhưng chỉ sau đó hơn một tiếng đồng hồ, ông Nguyễn Hữu Độ - Hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận có 65 trường hợp được đặc cách tuyển vào trường với mức điểm từ 46,5, ít hơn điểm chuẩn từ 1-2 điểm. Đây là những trường hợp đặc cách “có điều kiện”.
“Điều kiện”- theo ông Độ - là “vì một lý do nào đấy HS chưa trúng tuyển vào trường THPT nào”(?!). Ông Độ nêu ví dụ cụ thể: “Đó có thể là những trường hợp HS chưa nộp hồ sơ vào trường THPT nào do nộp chậm hoặc còn kiên nhẫn chờ Kim Liên hạ điểm”.
Trúng tuyển nhờ… quan hệ?
Theo đúng qui chế tuyển sinh lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội, “điều kiện” đặc cách xét tuyển những HS chậm nộp hồ sơ của trường PHPT Kim Liên là vi phạm qui chế tuyển sinh lớp 10.
Cách tuyển này cũng gây ra sự mất công bằng nghiêm trọng: nếu theo đúng thời hạn, nhiều TS đã đăng ký vào Kim Liên nhưng không đạt 49,5 điểm đã phải chuyển sang NV2 vào trường khác, trong khi những TS có điểm thấp hơn, vi phạm qui chế (quá hạn không đi nộp hồ sơ) cuối cùng lại được ưu ái vào trường tốt…?
Cũng phải đặt vấn đề: Vì sao những TS này có thể yên tâm giữ hồ sơ ở nhà chờ đến tháng 8 khi Kim Liên được phép hạ điểm và tuyển đặc cách trong khi mọi người đều biết rõ nếu theo đúng qui chế, quá thời hạn, sẽ chẳng được vào trường nào? Ông Nguyễn Hữu Độ lý giải: “Trường tuyển đặc cách vì cần HS, do năm nay trường tuyển thiếu chỉ tiêu. Vì vậy trường đã xin và được Sở GD&-T có văn bản chính thức chấp thuận cho tuyển đặc cách hạ điểm có điều kiện”.
Điều kiện để được lọt vào danh sách này là gì? Chúng tôi điểm qua mục ghi chú bên cạnh tên từng HS trong danh sách được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội phê duyệt thì thấy đây là những trường hợp rất “đặc biệt”. Đó là “cháu đồng chí N. giáo viên Văn trường THPT Kim Liên”, “cháu đồng chí H. giáo viên toán Kim Liên”, “cháu đồng chí P, phòng giáo dục quận”, “cháu đồng chí D, hiệu trưởng trường T.L”, “cháu đồng chí T, hiệu trưởng trường V.Đ”, “cháu đồng chí T, phó văn phòng Sở GD-ĐT”, “cháu đồng chí T, đồng chí S”…
Trong danh sách này còn có con (cháu) vị chủ tịch quận này, phó công an quận kia, một số sở ban ngành và có cả một số cán bộ của Bộ GD-ĐT.
Cũng phải nói thêm rằng, dù ông Nguyễn Hữu Độ một mực khẳng định việc hạ điểm được sở GD-ĐT Hà Nội ra văn bản chính thức, thực hiện công khai… nhưng trên thực tế việc xét HS trúng tuyển đặc cách không hề được thông báo và niêm yết công khai tại trường.
Rút cuộc, ông Độ cũng công nhận: “Đây là những suất có quan hệ trực tiếp với các giáo viên trong trường và quan hệ “ngoại giao”. Trường cũng phải cám ơn, đối ngoại với các cá nhân, đơn vị ủng hộ, giúp đỡ trường” (?!). Theo ông Độ, danh sách này được xây dựng trên cơ sở thông báo trong giáo viên của trường, đến những HS “có nhu cầu, nguyện vọng và đủ điều kiện”, do trường lập và được Sở GD-ĐT phê duyệt!
Đằng sau sự đặc cách và quan hệ này, có sự tiêu cực về tiền nong hay không - bản thân ông hiệu trưởng Nguyễn Hữu Độ (đồng thời là Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội) cũng chỉ dám nói: “Cách làm này có thể tạo ra kẽ hở để tiêu cực. Nhưng đã có tiêu cực hay chưa thì tôi không thể kiểm soát được ”.
Theo Nhóm PV Giáo dục
Tuổi Trẻ