Phú Yên:
“Âm thầm” công bố kết quả thanh tra các vụ phá rừng?
(Dân trí) - Theo nguồn tin của Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên, 14h ngày ngày 27/7, đoàn thanh tra của Bộ NN & PTNT công bố kết quả thanh tra các vụ phá rừng tại Phú Yên. Nhưng một số cán bộ chủ chốt ở đơn vị này lại “né” báo chí, trả lời câu hỏi kiểu “úp mở”.
Mặc dù tỉnh Phú Yên không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng các nội dung kết luận về thanh tra việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đã được Tổng cục Lâm nghiệp công bố riêng cho báo chí.
Kết luận do ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNN) ký ban hành đã nêu cụ thể những vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và trách nhiệm chỉ đạo, tham mưu của từng cơ quan, đơn vị.
Cố tình “né” báo chí?
13h30 ngày 27/7, PV Dân trí có mặt tại Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên để ghi nhận thông tin nhưng đến khoảng 15h cùng ngày, một cán bộ văn phòng Sở NN&PTNN cho biết: “Đây là một cuộc họp bình thường và báo chí không được phép dự…”.
Một nguồn tin khác cho biết, việc công bố kết quả thanh tra sẽ không được tổ chức ở Sở NN&PTNN mà được tổ chức tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên.
Khi phóng viên tới Chi cục thì một cán bộ kiểm lâm cho biết: “Công bố trong phòng ấy, lúc 2 giờ (14h)…”.
Nhưng ông Lê Văn Bé, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết: “Đoàn thanh tra mới vào chứ có công bố thanh tra gì đâu. Công bố thì chúng tôi đưa mấy anh chị kết quả liền…”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị trả lời phỏng vấn thì cán bộ này từ chối thẳng và nói muốn làm việc thì đăng ký đi đã…
Trái với những gì ông Bé nói, khi chúng tôi đến hội trường của Chi cục Kiểm Lâm thì thấy rất nhiều cán bộ đang họp. Trước phòng họp, một cán bộ được cắt cử để ngăn không cho báo chí vào tác nghiệp.
Thanh tra lộ ra nhiều dự án sai phạm
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng 41 dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích thu hồi là hơn 1.340 ha, trong đó đất có rừng là hơn 800 ha.
Đến nay, có 37/41 dự án đã và đang triển khai thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 725 ha rừng.
Tỉnh Phú Yên sử dụng cơ chế đặc thù dẫn đến nhiều sai phạm trong các vụ phá rừng.
Qua tổng thanh tra, nổi lên 28 dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích là hơn 170 ha; nhưng vẫn thực hiện thu hồi đất, cho thuê đất, giao đất và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Có 21/37 dự án không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường; 17/37 dự án đã tự ý thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích hơn 200 ha trái quy định.
Tại thời điểm thanh tra có 2 dự án: Dự án hầm đường bộ Đèo Cả và Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đặc dụng, rừng phòng hộ để thực hiện dự án. Nhưng tỉnh Phú Yên vẫn cho phép nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ rừng đặc dụng sang thực hiện dự án là chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch không thực hiện hoàn thổ đúng thời hạn để trồng lại rừng trên diện tích sau khai thác khoáng sản, chậm trồng rừng thay thế diện tích đã khai thác khoáng sản.
Dự án khu liên hợp cao cấp New City Việt Nam chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nhưng UBND tỉnh Phú Yên cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là trái quy định.
Đối với dự án chăn nuôi bò chất lượng cao, có nhiều sai phạm trong việc chấp hành trồng rừng thay thế.
Cụ thể: Ngày 18/01/2017, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Nhưng đến ngày 5/4/2017 UBND tỉnh Phú Yên mới ban hành quyết định về phê duyệt phương án đầu tư trồng rừng thay thế.
Như vậy, việc chuyển mục đích sử dụng rừng là trái với quy định của nhà nước.
Ngoài ra, dự án này còn sai phạm về tự ý phê duyệt hồ sơ thiết kế tận dụng gỗ củi khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.
Dừng 2 dự án
Theo kết luận thanh tra thì 2 dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” và “Khu du lịch cao cấp New City Việt Nam” ở Phú Yên sẽ dừng triển khai.
Cụ thể kết luận nêu: Đối với dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao”, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNN xem xét, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên dừng triển khai thực hiện dự án này tại Tiểu khu 310 và 311 thuộc địa bàn xã Sông Hinh (huyện miền núi Sông Hinh), đồng thời bổ sung ngay hai tiểu khu trên vào quy hoạch rừng phòng hộ.
Theo thanh tra, diện tích rừng của Tiểu khu 310 và 311 là khu vực tiếp giáp và trải dài hơn 20 km chạy dọc theo đập chính hồ thủy điện Sông Hinh; hiện trạng là rừng tự nhiên và diện tích liền vùng với diện tích rừng phòng hộ lưu vực Sông Hinh và rừng trồng thay thế từ dự án thủy điện Sông Ba Hạ.
Do đó, khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng hộ trực tiếp cho lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Việc thực hiện dự án sẽ có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn, an ninh hồ thủy điện Sông Hinh.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Phú Yên chưa thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện dự án theo quy định của Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ và chưa phù hợp với nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng....
Đối với dự án Khu du lịch cao cấp New City Việt Nam tại địa bàn xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH New City Việt Nam tạm dừng tất cả các hoạt động làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích rừng ven biển.
Yêu cầu Sở NN&PTNN chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ vi phạm đối với Công ty TNHH New City Việt Nam đã thực hiện khai thác khoảng 2,7 hecta rừng phòng hộ khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Kết luận thanh tra cũng đề nghị, tỉnh Phú Yên tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Tổng cục Lâm nghiệp trước ngày 30/9/2017.
Trung Thi