1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ấm đun nước cũng gây ung thư

Không chỉ với ấm điện hàng chất lượng cao của Trung Quốc, ngay cả nước đun sôi trong một số nồi nhôm, nồi inox... được sản xuất trong nước cũng có chứa hàm lượng chất arsenic (thạch tín) cao gấp 3 lần mức độ cho phép.

Đó là kết quả kiểm tra mà các nhà khoa học Phòng Phân tích hoá quang phổ, Viện Địa chất, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam vừa công bố.

 

Thạch tín trong đồ gia dụng

 

Có không ít những mặt hàng hiện đang trôi nổi trên thị trường còn thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, cả về nguồn gốc xuất xứ lẫn chất lượng.

 

Gần đây, kết quả kiểm tra mẫu nước đun sôi trong một số đồ gia dụng của Phòng Phân tích hoá quang phổ thuộc Viện Địa chất cho thấy sự kém chất lượng của các sản phẩm có nguy cơ đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Phòng Phân tích hoá quang phổ, cho biết: “Cũng chỉ là tình cờ khi kiểm tra mẫu nước được đun sôi từ ấm điện hàng Trung Quốc chất lượng cao mà phòng mua về, cho thấy có hàm lượng arsenic cao gấp 3 lần mức độ cho phép, mặc dù trước đó, mẫu nước dùng tại cơ quan được thử nghiệm đảm bảo độ an toàn, đáp ứng đầy đủ các thành phần khoáng chất...”.

 

Sau khi được cảnh báo, hầu hết các phòng, ban trong Viện Địa chất cùng khá nhiều bạn bè đều mang mẫu nước được đun sôi trong các đồ gia dụng như: nồi, ấm nhôm, bình inox... đến để kiểm tra. Thật bất ngờ khi hơn 70% mẫu nước cho kết quả có hàm lượng chất arsenic cao gấp 3 lần mức độ cho phép.

 

Bà Nhung cho biết thêm: “Nguồn nước đầu vào không bị ô nhiễm, nhưng sau một thời gian lưu trữ hoặc đun sôi thì bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính là do các thành phần hoá học có trong kim loại, nguyên liệu chế xuất các sản phẩm như: bồn chứa, ấm nước điện, nồi xoong đun nấu... dưới sự tác động của nhiệt, hay môi trường kiềm bị hoà tan... Nếu kéo dài thời gian sử dụng từ 5-10 năm, vấn đề ung thư da hay nội tạng cơ thể bị huỷ hoại... là điều khó tránh khỏi”.

 

Tiến sĩ Võ Công Nghiệp, Hội Địa chất Việt Nam, chỉ rõ: “Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, hàm lượng kim loại (trong vật chứa hoặc đun nấu) khi không hoà tan hết sẽ bị lắng đọng...”.

 

Bỏ trống thị trường đồ gia dụng?

 

Tại chợ Đồng Xuân, một trong những chợ đầu mối lớn nhất khu vực phía Bắc, các sản phẩm đồ gia dụng được bày bán khá nhiều, đặc biệt các loại ấm sục điện Trung Quốc, được làm bằng hợp kim nhôm với đủ kiểu dáng, kích cỡ và mẫu mã. Giá cả thường dao động từ 120-500 ngàn đồng/chiếc.

 

Qua tìm hiểu, đa số các chủ cửa hàng không biết gì về chất lượng thực tế của sản phẩm. Họ đều cho rằng đó là mặt hàng tốt bởi “vẫn bán chạy và khách hàng từ các tỉnh vẫn về đây lấy hàng”.

 

Trao đổi với Trưởng phòng Quản lý Công ty Cổ phần chợ Đồng Xuân, ông Nguyễn Song Tùng, được biết những hộ kinh doanh mặt hàng này chủ yếu ở bên ngoài chợ, thuộc quyền quản lý của chính quyền phường, Ban quản lý chợ không chịu trách nhiệm theo dõi. Cũng theo ông Tùng, Ban quản lý chợ chỉ quản lý về con người, còn số lượng và chất lượng sản phẩm thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên trách khác.

 

Thực tế cho thấy tất cả những khâu giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng (quản lý thị trường, công an...) thực hiện thì mới dừng ở khâu hợp pháp hay không (về mặt thủ tục hành chính), còn về chất lượng thì vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Điều này có thể minh chứng bằng sự việc “nóng hổi”: Nước tương chứa chất 3-MCPD vượt ngưỡng, có thể gây ung thư cho người tiêu dùng.

 

Trước kết quả kiểm tra của Phòng Phân tích hoá quang phổ, chất lượng một số đồ gia dụng đang được bày bán rộng rãi trên thị trường là rất đáng quan ngại. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung khuyến cáo, người tiêu dùng có thể sử dụng bộ kiểm tra hàm lượng arsenic để loại trừ những sản phẩm nồi, ấm… không đảm bảo an toàn.

 

Bên cạnh đó, ngoài việc các cơ quan chức năng thắt chặt công tác quản lý, Trung tâm Y tế cộng đồng cũng cần gấp rút kiểm tra, khảo sát trên diện rộng để có được số liệu chính xác, trên cơ sở xây dựng biện pháp xử lý, nhằm ngăn chặn đối với mặt hàng gia dụng thiết yếu kém chất lượng này.

 

Theo Kim Lung

VnMedia