1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bạc Liêu:

Ám ảnh nỗi khổ của một gia đình “khổng lồ”

(Dân trí) - Miệt ven biển xứ Bạc Liêu có một gia đình quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nghèo đến nỗi... không còn mồng tơi để rớt. Ngoài “cái sự nghèo”, gia đình này còn nổi tiếng bởi có nhiều người “khổng lồ” khác thường.

 
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Láng (62 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) - người được mệnh danh là “người khổng lồ” xứ Bạc - khi cơn mưa giữa tháng 6 đã kéo dài đến mấy ngày. Những lúc thời tiết thê thảm thế này, gia đình “khổng lồ” của bà Láng chỉ biết ngồi nhà nhìn mưa mà thở dài vì đời sống cả gia đình phụ thuộc vào thời tiết và con nước lên xuống.

Dù đã được người chỉ đường miêu tả sơ sơ từ trước nhưng khi gặp bà Láng, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước vẻ bề ngoài của bà. Đó là một người phụ nữ to lớn, da ngăm, cao trên 2m, chân tay dài lêu khêu, có khuôn mặt khắc khổ và góc cạnh với đôi mắt xếch, mũi tẹt, miệng móm, giọng nói ồm ồm như đàn ông.

Bà Trần Thị Láng trong buổi trò chuyện với PV
Bà Trần Thị Láng trong buổi trò chuyện với PV Dân trí.

Tiếp xúc với PV Dân trí, bà Láng kể, bà không biết nhiều lắm về gốc gác của mình, chỉ biết mình sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển Bạc Liêu này. Gia đình bà nổi tiếng được nhiều người biết đến bởi có những người cao lớn khác thường. Bà nội rồi ba của bà đều cao hơn 2,2m nên con cháu sau này hầu hết đều rất cao. “Tui có 8 anh chị em, ai cũng cao lêu ngêu, tôi cao 2m là thấp nhất nhà rồi đó”, bà Láng nói.

Ngoài chiều cao đáng nể, cuộc sống của bà Láng không có gì đáng kể. Lận đận quanh năm. Đến tuổi đôi mươi, may mắn được người ta mai mối, bà Láng lấy một người đàn ông cao hơn 1,6m là ông Lê Văn Sụa (năm nay 65 tuổi) cũng nghèo “rớt mồng tơi”. Hai vợ chồng lấy nhau không có cục đất chọi chim, xin người này người kia được cái cây, miếng lá cất mái nhà nhỏ che mưa che nắng. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, 4 trai, 4 gái, cái nghèo lại nghèo thêm.

Bà Láng cao hơn chồng là ông Sụa đến 40- 50cm, mặc dù chân bà đã bị cong lại đôi chút.
Bà Láng cao hơn chồng là ông Sụa đến 40- 50cm, mặc dù chân bà đã bị cong lại đôi chút.

Sinh đứa con gái đầu lòng, bà đặt tên Lê Thị Ánh Vàng, cô bé Vàng có vóc dáng bình thường khiến vợ chồng bà hết sức mừng vui. Đến đứa con gái thứ hai, bà đặt tên Lê Thị Ánh Hồng lại có chiều cao giống mẹ. “Lúc đó, tui nghĩ rằng lớn lên chắc nó cũng sẽ khổ như tui, bây giờ đúng thiệt”, bà nhớ lại. Rồi bà sinh tiếp đứa con gái thứ ba, đặt tên Lê Thị Ánh Đại, cô gái này cũng có vóc dáng bình thường, bà khấp khởi mừng. Nói về những cái tên “sáng sủa” của các con, bà Láng cho biết, bà hy vọng cuộc sống của các con sau này sẽ tốt hơn mẹ. Vậy mà những đứa con gái lớn lên, “vàng hồng” đâu không thấy, vẫn chỉ thấy con ốc, con cua mỗi ngày.

Hai đứa con trai ra đời, bà đặt tên Lắm, Lem, hai người con này đều "khổng lồ" giống bà Láng. Rồi bà sinh tiếp hai người con trai có chiều cao giống cha, đặt tên Bé Sáu, Bé Bảy. Và thêm đứa con gái út giống mẹ tên Tám.

Hai mẹ con khổng lồ- bà Láng và con gái út - đi trên đê trước nhà.
Hai mẹ con "khổng lồ"- bà Láng và con gái út - đi trên đê trước nhà.

Bà Láng cho biết, cuộc sống của gia đình quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên hầu như không ai được học hành gì. Trong các người con, có chị Ánh Hồng, hồi đó khi sinh ra thấy khác thường nên bà cho người ta nuôi, ai ngờ lớn lên được cho đi học đến lớp 3 thì chị này bỏ về nhà sống với cha mẹ ruột. Cũng được mai mối, Ánh Hồng lấy chồng, sinh con rồi cất mái nhà nhỏ sống bên cạnh nhà bà đến giờ. Một đứa con gái của chị này cũng “khổng lồ” giống mẹ và bà ngoại.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Láng cho biết 4 người con trai đã trưởng thành hết, con trai út cũng đã 26 tuổi nhưng chưa có ai lấy. Các con trai của bà cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện này bởi nhà quá nghèo. Từng có một câu chuyện cứ như cổ tích, bà Láng kể, hồi đó, anh Lê Văn Lem (con trai thứ năm) đi làm thuê làm mướn ở miệt Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) có yêu một cô gái. Thấy anh Lem to khỏe làm được nhiều việc nên nhà gái cũng muốn có anh làm rể. Thế mà, khi gia đình bà Láng mang lễ vật sang hỏi thì gia đình nhà gái lại từ chối bởi anh Lem quá nghèo.

Người con trai “khổng lồ” thứ tư của bà Láng cũng lận đận là anh Lê Văn Lắm. Bà Láng cho biết, lúc trước Lắm cũng rất siêng năng, làm được nhiều việc phụ giúp gia đình mưu sinh. Nhưng anh Lắm tính tình bất thường nên thường hay bỏ nhà đi. Một lần anh theo đoàn gánh hát lên tận Cần Thơ, tại đây, với thân hình khác thường, anh Lắm giúp chủ gánh hát kiếm bộn tiền bằng những cách pha trò. Anh Lắm làm chẳng bao lâu, bị người ra chế giễu nên giận dỗi lội bộ từ Cần Thơ về nhà mất cả tháng. Chủ gánh hát xuống tìm không gặp nên gửi cho gia đình 300.000 đồng gọi là trả công cho anh Lắm.

Do bị một cục bướu ở tai nên trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, anh Lắm được gia đình đưa đi mổ tai, sau đó về nhà thì tính tình càng bất thường, bỏ đi đến giờ vẫn chưa về. “Cách đây mấy ngày, tui có nghe nói nó vô tận xóm Đìa Chuối nào đó, người ta thấy nó đói bụng muốn xỉu nên pha nước trà đường cho uống, rồi nấu cơm cho ăn, giờ thì mất tin luôn”, bà Láng buồn bã nói, “Nó bỏ đi riết rồi gia đình cũng quen, vì đưa về thì lại bỏ đi nên giờ cũng đành phó mặc nó cho ông trời chứ biết làm sao hơn”.

Còn cô con gái út Lê Thị Tám (23 tuổi) giống bà Láng cao cũng trên 2m lại trầm tính, quanh quẩn chỉ ở nhà chứ ít khi đi ra ngoài. Khi chúng tôi hỏi thăm, chị Tám lẳng lặng bỏ ra nhà sau. Bà Láng tâm sự: “Con gái út nó hay bị mặc cảm nên ít nói chuyện với ai nhưng nó giỏi lắm, mọi công việc nội trợ từ nấu ăn, giặt giũ trong nhà đều một tay nó làm hết. Cứ đà này, tui sợ nó không lấy được chồng thì lại khổ vì biết sống với ai lỡ như không còn ba mẹ, anh em nữa”.

Gia đình bà Láng
Gia đình bà Láng

Không có cái ăn, cái ở đối với gia đình bà Láng cũng không đơn giản. Căn chòi nhỏ của gia đình đang ở nằm phía dưới con đê quốc phòng, mấy năm nay chính quyền địa phương yêu cầu di dời nhưng cái nghèo đeo bám, bà Láng chưa biết đi đâu nên đành phải ở tạm đến đâu hay đến đó. Cái ăn phụ thuộc con nước cao thấp để mò cua bắt ốc, ai mướn gì làm đó nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Bản thân bà Láng thì bị bệnh đau nhức, ai thương cho tiền thì dành mua thuốc, không có thì nhịn uống, chịu đau. 

“Miếng ăn kiếm hàng ngày khó như lên trời, trong khi mấy đứa con nó ăn dữ lắm nên lúc đói, lúc no, cả nhà bị bệnh tật liên miên, có tiền thì chữa, không có tiền thì cắng răng chịu đựng”, bà Láng ngậm ngùi. Bà kể, cách đây ít năm, anh Lem bị đau ruột thừa phải đi mổ. Lúc đó, bà gói gém chỉ được 100.000 đồng trong túi, may nhờ bà con thương tình cho thêm nên mới cứu được con trai bà. "Rồi con gái út tui cũng bị đau ruột thừa nhưng không có tiền đi bệnh viện, chỉ đủ tiền chích thuốc ép cho bớt đau đến giờ, may mà nó không tái phát", bà nói. 

Bà Láng còn chia sẻ thêm: "Người cao lớn cũng có cái khổ của nó. Ngay như tui đây khi ngủ đâu thẳng chân ra được vì cái giường ngắn nên ngủ phải co chân lại, riết rồi chân bị cong luôn. Mấy đứa con cao lớn của tui cũng vậy nên trông lưng, chân đứa nào cũng cong, có được thẳng như người ta đâu".

Những đứa con của bá Láng đang ăn một bửa cơm đạm bạc chỉ với củ cải muối. 
Những đứa con của bá Láng đang ăn một bửa cơm đạm bạc chỉ với củ cải muối. 
 

Lúc chúng tôi đến, bà Láng cho biết: "Mới đây, địa phương cho một cái nền để di dời nhưng khổ nỗi cái nền thấp trũng nên tui phải huy động cả nhà ra đắp mà vẫn chưa đến đâu. Bà con họ nói muốn đắp nhanh thì mướn xáng múc nhưng biết kiếm đâu ra tiền để thuê". Rồi nói đến cất nhà mới, bà Láng ngao ngán: “Hồi cất cái nhà đang ở này, vợ chồng tui phải chạy vạy khắp nơi mới mượn được ít tiền để làm. Giờ còn thiếu tiền 19 miếng tôn mà vẫn chưa trả nổi cho người ta thì lấy đâu ra tiền để dời nhà mới”.

Bà Láng bộc bạch thêm, gia đình bà nghèo đến nỗi một chiếc chiếu lành để ngủ cũng chẳng có. Chỗ nằm gọi giường cho "sang" vậy thôi chứ đó chỉ  là mấy cây mắm, cây đước chắp lại, hên lắm là có mấy thanh tre đóng thành những tấm nẹp rồi... lót giấy lên ngủ. "Hồi Tết dành dụm được ít đỉnh chỉ mua được 2 chiếc chiếu để nằm, mà nhà tới 6- 7 người cũng chẳng chia ra cho đủ, giờ thì cũng rách tùm lum rồi, vá trước, nối sau nên nghỉ tới tiền để làm gì đó cho lớn chỉ là ước mơ xa vời", bà Láng bùi ngùi. 

Huỳnh Hải