1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị:

Ám ảnh “làng ung thư” Thanh Lê

(Dân trí) - Ở thôn Thanh Lê, xã Triều Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), từ trước năm 1980 đến nay có hơn 60 người chết vì ung thư và vô số người mắc các bệnh ngoài da, phụ khoa, đau mắt,… Từ hồi báo chí nói nhiều đến “làng ung thư”, người dân Thanh Lê mới giật mình lo lắng.

Những cái chết đau lòng

 

Cách thị xã Quảng Trị chưa đầy 5 km về phía đông nam, hỏi “làng ung thư” thôn Thanh Lê, không ai không biết. Ngôi làng nằm bình yên phía sau nghĩa trang liệt sĩ của xã, hơn 680 nhân khẩu sinh sống lâu đời chủ yếu bằng nghề nông.

 

Rồi căn bệnh ung thư xuất hiện, cướp đi mất mươi mạng người của thôn. Chưa hết, hơn 55% phụ nữ trong làng bị bệnh phụ khoa; phần lớn người dân đều mắc bệnh ngoài da bệnh về mắt.

 

Ông Nguyễn Văn Khứ, trưởng thôn Thanh Lê, là người nắm rất rõ tình hình ung thư của thôn. Ông Khứ cho biết, mấy chục người trong thôn đã chết vì ung thư nhưng cho đến nay, người dân vẫn không biết căn bệnh này bắt nguồn từ đâu. Cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra quyết định chính thức về nguyên nhân gây bệnh, khiến dân có những suy đoán mơ hồ, sai lệch.

 

“Chừ mà nghe nói đến bệnh ung thư thì dân ai cũng sợ, họ nghĩ bệnh này lây do tiếp xúc nên nhiều người đau chưa biết bệnh chi cũng bị mọi người né tránh, xa lánh. Đến lúc này có người ốm nhưng không dám đi khám. Để liều vậy chứ đi khám lỡ bệnh ung thư thì còn sợ hơn nữa”, ông Khứ nói.

 

Ông kể tiếp: “Ở thôn này có nhiều cái chết tội nghiệp lắm. Trong làng vì mắc bệnh này mà ai cũng ám ảnh và sợ nó. Có gia đình tới hai ba người chết, có nhà cả vợ lẫn chồng qua đời để lại những đứa con bơ vơ...”.

 

Ở Thanh Lê, chuyện bố mẹ chết vì ung thư, để lại mấy người con bơ vơ không phải chuyện hiếm. Như ông bà Nguyễn Văn Ngữ và Nguyễn Thị Đỉu mất đi, để lại các con cho người thân chăm sóc. Hay anh Phạm Chí Thành một nách 3 con nhỏ vì vợ đã mất cách đây 6 năm vì ung thư máu.

 

Khủng khiếp nhất là năm 1993, cả làng có 9 người qua đời, bị Bệnh viện TƯ Huế trả về sau khi kết luận là bị ung thư. Thời gian sau đó, có năm cả làng có tới 15 người mắc căn bệnh K quái ác và qua đời. Gần đây nhất, năm 2006, xã Triều Trung có 10 người bị căn bệnh nan y này cướp mất sinh mạng.

 

Lỗi tại nguồn nước?

 

Tất cả hơn 100 hộ dân ở thôn Thanh Lê đều sử dụng một nguồn nước sinh hoạt chính là giếng tự đào hoặc giếng khoan ngay trong vườn. Nước múc lên thường có màu tím sẫm. Dùng nước vo gạo, nấu ăn, nấu nước chè xanh; gạo chuyển màu đậm, nước chè ngả màu đỏ gạch. Dù có qua bể lọc thì chất lượng nước cũng không khá hơn là bao.

 

Chị Bé cho biết: “Nhiều năm rồi dân thôn tui sinh hoạt bằng thứ nước mà khi múc ở giếng lên, lọc qua 2 lần rồi, nhưng tất cả đồ dùng đựng nước vẫn đóng lớp cặn màu gạch dày, lau mãi không hết. Nhiều người nghi ngờ chính thứ cặn bã này là nguyên nhân gây bệnh ung thư cho mọi người”.

 

Theo khảo sát dự án nước sạch nông thôn Đông Tây hội ngộ (ĐTHN) ngày 18/11/2006, hiện trong thôn có đến 55% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, 53% bị bệnh về mắt và 51% bệnh ngoài da do tắm giặt nguồn nước bị ô nhiễm này. Căn bệnh da liễu tuy không gây chết người nhưng cũng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân trong thôn. Ông Cồn năm nay đã ngoài 60 tuổi và có đến gần 50 năm ông chấp nhận sống chung với căn bệnh lở loét ngoài da mà không cách nào chữa khỏi.

 

Ngành chức năng thờ ơ

 

Cuối năm 2006, nhiều đoàn về Thanh Lê khảo sát như Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Trị, khoa Địa Chất - Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang,… Thấy các ban ngành về, dân mừng lắm, nhưng họ về vài bữa họ lại đi. Mọi chuyện đâu vẫn đóng đấy.

 

Thậm chí, kết quả khảo sát thế nào cũng không đến được tay dân chứ chưa nói đến cách xử lý. Ngày 30/10/2006, phòng nghiên cứu thí nghiệm Kiểm soát Môi trường được giao thực hiện phân tích mẫu nước ở đây. Kết quả cho thấy nồng độ Phenol ở đây cao gấp… 60 lần mức độ cho phép.

 

Phenol là một chất rất độc hại, khi thâm nhập vào cơ thể sẽ tích tụ tại gan, thận, dạ dày và da. Việc sử dụng nước có nồng độ Phenol cao quá mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân.

 

Ngày 22/12/2006, Bộ quốc phòng lại về đây khảo sát rồi hứa sẽ cho dân bình lọc nước. Đến giờ vẫn chưa thấy bình lọc đâu.

 

Chủ tịch xã Triều Trung Nguyễn Quang Cử xót xa: “Cứ như ri thì biết khi nào dân làng tôi mới có được nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho bà con sử dụng để bớt mắc bệnh. Nếu sống mãi thế này, đến một lúc nào đó làng Thanh Lê chắc sẽ xóa sổ hết”.

 

Tấn Quỳnh - Hữu Phong