1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Ai “xà xẻo” tiền bảo vệ rừng của dân?

(Dân trí) - Dù số tiền ghi trong danh sách và có chữ ký của chính mình, thế nhưng những người được thụ hưởng tiền bảo vệ rừng tại xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân) cho biết số tiền nhận được không khớp trên hồ sơ.

“Mỗi năm chỉ nhận được 1 triệu đồng”

Theo Nghị định 75/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, mỗi ha rừng nhận giao khoán bảo vệ, người dân sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/năm. Tuy nhiên nguồn ngân sách Trung ương chỉ bố trí cho tỉnh Thanh Hóa được 34,115 tỷ đồng cho 3 năm, sau khi trừ các khoản, các địa phương chỉ còn nhận 151.000 đồngđ/ha.

Ông Lê Văn Trường, cán bộ lâm nghiệp xã Lương Sơn xác nhận thông tin phản ánh nhận tiền bảo vệ rừng không khớp với số tiền đã ký trên danh sách là do trích lại để chi cho những người không có trong danh sách nhưng vẫn có công bảo vệ rừng.

“Chúng tôi thành lập 1 tổ bảo vệ rừng khoảng hơn chục người thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, có những người không nằm trong danh sách được hưởng tiền này nên có trích số trên để cho họ xăng xe’ – ông Trường nói.

Tuy nhiên, khi đề nghị được cung cấp danh sách những người này và kế hoạch tuần tra, kiểm tra trong năm cùng với số tiền cụ thể chi như thế nào, ông Trường không cung cấp được.

Dù đã bị nhận số tiền thấp hơn so với quy định của Nhà nước, thế nhưng tại xã Lương Sơn, người được thụ hưởng tiền bảo vệ rừng lại còn bị “xà xẻo” khiến mỗi năm họ chỉ nhận được không quá 1 triệu đồng. Thậm chí, có những hộ đứng tên trong danh sách có tới hàng chục ha rừng và số tiền nếu nhận đúng sẽ ở mức hơn 4 triệu đồng.

Theo ghi nhận của PV, hộ ông Vi Hùng Inh, thôn Trung Thành được bảo vệ hơn 20 ha rừng, số tiền trên danh sách ông ký nhận là hơn 3,3 triệu đồng nhưng mấy năm nay, mỗi năm ông chỉ được cán bộ trả cho 1 triệu đồng.

Ai “xà xẻo” tiền bảo vệ rừng của dân? - 1

Ông Inh cho biết mỗi năm mình chỉ nhận được 1 triệu đồng tiền bảo vệ rừng chứ không có hơn 3 triệu như trong danh sách đã ký.

“3 hay 4 triệu… nhưng thực tế mỗi người chỉ nhận được 1 triệu thôi, có thể người ta làm việc khác, chia nhau. Ban đầu nguồn họ giao cho xã bao nhiêu, thì xã chia đều hết cho anh em”- ông Inh nói.

Tương tự như ông Inh, một hộ khác (xin giấu tên) trong danh sách nhận là hơn 3 triệu đồng nhưng người này cho biết, năm nào cũng chỉ nhận 1 triệu đồng tiền bảo vệ rừng. Khi PV hỏi vì sao danh sách số tiền khác còn nhận thì người này cho hay, cái đó mình không rõ, Nhà nước cho bao nhiêu thì nhận thôi.

Ông Lương Văn Trường, Trưởng thôn Lương Thịnh cũng xác nhận mỗi năm được nhận 1 triệu đồng tiền bảo vệ rừng, dù số tiền trên danh sách anh ký nhận hơn 1,7 triệu đồng. “1 năm họ chỉ cho có thế, còn danh sách chia lần 1 lần 2 chắc là do làm thủ tục thế thôi” – ông Trường nói.

“Chúng tôi được gọi lên ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có cả việc ký vào danh sách nhận tiền trước nhưng không được nhận luôn mà một thời gian sau mới được nhận. Số tiền trên danh sách ký nhận và số tiền thực được trả không giống nhau” – một người (xin dấu tên) được thụ hưởng tiền bảo vệ rừng cho biết.

Ai “xà xẻo” tiền bảo vệ rừng của dân? - 2

Trong khi đó danh sách ông Inh ký nhận là hơn 3 triệu đồng năm 2019.

Cũng theo người đàn ông này tiền nhận tại xã do cán bộ của Ban dự án về phát trực tiếp. Năm 2019 hiện đã ký được mấy tháng rồi nhưng đến giờ chưa được nhận tiền.

Được biết, mỗi năm, xã Lương Sơn được cấp khoảng 70-80 triệu tiền bảo vệ rừng để chi trả cho dân.

Danh sách chỉ toàn cán bộ!

Theo quy định tại khoản 3, điều 4, Nghị định 75 của Chính phủ, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, thì được hỗ trợ tiền trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo… riêng mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm.

Ai “xà xẻo” tiền bảo vệ rừng của dân? - 3

Chủ tịch, Bí thư, Phó Chủ tịch... xã Lương Sơn đều nằm trong danh sách được thụ hưởng tiền bảo vệ rừng.

Nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Thế nhưng, thay vì ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn được thực hiện công tác bảo vệ rừng để có thêm thu nhập thì toàn bộ danh sách đều là tên cán bộ xã, thôn. Thậm chí, ông chủ tịch xã Lương Sơn- Lương Xuân Thiêm cũng có tên trong đó.

Ngoài ra, còn có tên Bí thư xã, Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch Hội nông dân, cán bộ hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc… hay Trưởng thôn, bí thư thôn.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Hữu, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cho biết: “Lâu nay việc chi trả tiền bảo vệ rừng do Ban xuống phối hợp với xã chi trả trực tiếp cho dân.

Tuy nhiên, có những hộ ở xa vì điều kiện không đến kịp thì Ban giao lại cho xã trả cho họ sau. Việc người có tên trong danh sách bảo vệ rừng mà nhận không đủ Ban không nắm được. Tới đây, chúng tôi sẽ cho kiểm tra”.

Khi được hỏi việc toàn cán bộ đứng trong danh sách nhận bảo vệ rừng liệu có hợp lý thì ông Hữu phân trần: “Chính sách dành cho người dân tôc thiểu số, người Kinh nghèo, không nằm trong hai đôi tượng thì không được. Đây cán bộ cũng là người dân tộc, danh sách không có dân chỉ có cán bộ là do dân thì ở xa, để lựa chọn cũng rất khó nên chúng tôi bàn với xã phối hợp".

"Đối tượng được chọn phải có đủ năng lực, hỗ trợ tốt được công tác bảo vệ rừng, đáp ứng được quy định của Nhà nước” - ông Hữu trao đổi thêm.

Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cũng khẳng định không có chuyện ký trước 1 thời gian mới trả tiền và tiền bảo vệ rừng của năm 2019 cũng đã được chi trả. Trong khi đó đối tượng được thụ hưởng chính sách tại xã Lương Sơn cho rằng tiền bảo vệ rừng của năm 2019 cho đến nay họ vẫn chưa nhận được.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Bình Minh