1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tham nhũng tiền cứu trợ lũ quét tại Hà Tĩnh:

Ai dung túng cho kẻ ăn chặn tiền cứu trợ?

(Dân trí) - Vụ “xà xẻo” hơn 24,4 tỷ đồng tiền cứu trợ lũ quét xảy ra tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã đủ căn cứ để khởi tố. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu cơ quan công an làm rõ và UBND tỉnh Hà Tĩnh phải báo cáo nguyên nhân xử lý chậm trễ. Tuy nhiên, Công an Hà Tĩnh vẫn viện đủ lý do để né tránh, không khởi tố vụ án.

Tiền trôi theo... lũ!

 

Những số liệu thất thoát hơn 24,4 tỉ đồng đã từng được xác định một cách rất rõ ràng trong báo cáo kết luận của cơ quan điều tra. Tổng số tiền được trợ cấp, tiền tiếp nhận quản lý, sử dụng trong trận lũ này là 24.439.230.000 đồng, trong đó tiền do Ngân sách Nhà nước cấp là hơn 24 tỉ đồng, số còn lại gần 4 tỉ đồng huy động bằng nguồn từ thiện các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

 

Về lương thực, huyện Hương Sơn tiếp nhận hơn 1.300 tấn, trong đó có 1.100 tấn do tỉnh cứu trợ, ngân sách huyện mua 130 tấn, các tổ chức ủng hộ hơn 70 tấn.

 

Tuy nhiên, khi có trong tay số tiền hơn 24,4 tỉ đồng - số tiền gấp nhiều lần tổng thu ngân sách hàng năm của huyện - việc chi tiêu, phân bổ về các xã cũng như chi khắc phục hậu quả lũ quét đã bị “tùng xẻo” và chi sai nguyên tắc, mục đích nghiêm trọng.

 

Sau trận lũ quét ở Hương Sơn, rộ lên chuyện một gia đình có 3 cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ nhưng chỉ được trợ cấp vài gói mì. Đói kém, nhiều nạn nhân lũ quét đi gõ cửa chính quyền xã để hỏi thì chỉ nhận được những cái lắc đầu “lên huyện mà hỏi”. Quá bức xúc, nhiều người đã làm đơn tố cáo.

 

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri năm 2002, 2003, 2004 của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, chuyện chia tiền lũ lụt trở thành điểm nóng thu hút hàng nghìn người lên tiếng. Cuối cùng, Trưởng phòng PC15, Công an Hà Tĩnh Nguyễn Hải Sơn cũng có kết luận số 78/CAT (PC15), ngày 7/6/2004, xác định rõ những sai phạm này.

 

Trong tổng số hơn 24,4 tỉ đồng, việc chi sai mục đích, thất thoát xảy ra ở nhiều hạng mục. Kết quả điều tra cho thấy, tại Phòng Tổ chức, LĐ-TB&XH và Phòng Kế hoạch & Tài chính, trong tổng số kinh phí quyết toán chi cho chính sách xã hội theo nguồn tài chính được cấp là gần 5,4 tỉ đồng thì 2 phòng này chỉ chi cho chính sách xã hội gần 1,6 tỉ đồng.

 

Còn lại số tiền hơn 3,8 tỉ đồng lại được những cán bộ của 2 phòng này mà trực tiếp là ông Phan Cao Oánh, Trưởng phòng Kế hoạch & Tài chính của huyện, “biến hóa” theo ý thích của mình. Ông Oánh gán ghép số tiền này vào những hạng mục không có trong quyết định phân bổ. Sau khi có đoàn kiểm tra, số tiền này nhanh chóng được “chi đẹp” vào cái gọi là: chi đầu tư xây dựng các công trình; chi trợ cấp ngân sách xã...

 

Qua kiểm tra hồ sơ thanh toán lụt tại Phòng Tổ chức LĐ-TB&XH, Phòng Kế hoạch & Tài chính, cơ quan điều tra thấy có hơn 2 tỉ đồng được các đơn vị này chuyển cho các xã nhưng giấy tờ chỉ “trao tay” (khi được hỏi, cán bộ ở đây trả lời là... chi thanh toán nội bộ). Chính vì kiểu cách “chi nội bộ” này nên đến nay không ai biết hơn 2 tỉ đồng nói trên “trôi theo lũ” đi đâu, về đâu?

 

“Phù thuỷ” Phan Cao Oánh

 

Qua kiểm tra nguồn vốn phân bổ 4,2 tỉ đồng cho 8 công trình cho thấy, sau khi đã được coi “hoàn thành”, ban quản lý các dự án công trình của huyện lại không làm thủ tục thẩm định quyết toán. Thậm chí, tiền cứu trợ bị bớt xén nhờ núp bóng danh nghĩa tu sửa đường sá, rồi công trình bị thiên tai tàn phá,…

 

Chẳng hạn, ngày 1/10/2002, UBND huyện Hương Sơn ra quyết định số 784 phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ với số tiền 1 tỉ đồng để xây dựng đường trung tâm thương mại Phố Châu và một cây cầu khác. Số tiền này được Ban A và phòng Kế hoạch & Tài chính do ông Phan Cao Oánh chịu trách nhiệm, quyết toán vốn ngân sách năm 2002. Thế nhưng, thực tế mới chỉ chuyển thanh toán số tiền có 400 triệu đồng cho 2 công trình là đường, mương nước, còn lại 600 triệu đồng đã được ông Phan Cao Oánh làm “ảo thuật”, hô “biến”!

 

Sau khi CQĐT kiểm tra, ông Oánh viện đủ cớ để giải trình cho số tiền bị “mất tích” này. Nào là dùng chi phí “tiếp khách”, chi liên lạc với Ban A mất 76 triệu đồng, “chi phí thiết kế” đê Tân Long mất 50 triệu đồng,…

 

Còn lại 474 triệu đồng thì ông không lý giải được ở đâu, vào túi ai? Ngày 6/11/2003, UBND huyện Hương Sơn ra quyết định thu hồi số tiền này nhưng sau khi Phòng PC15 lập biên bản làm việc về những nội dung sai phạm này thì Ban A mới thực hiện chuyển trả một cách chậm chạp! Rõ ràng, trong vấn đề này, có dấu hiệu hành vi tham ô 474 triệu đồng.

 

“Con đường mà biết nói năng”

 

Trận lũ quét đã làm sạt lở nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh. UBND huyện Hương Sơn “báo cáo” rằng đã trích 1 tỉ đồng từ nguồn cứu trợ để đền bù đường trục nội thị. Thế nhưng, kiểm tra tại Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho thấy, toàn bộ nguồn tiền đền bù 1 tỉ đồng này là do Bộ Giao thông Vận tải cấp, hoàn toàn không có liên quan gì đến tiền cứu trợ lũ quét.

 

Nhận thấy có dấu hiệu tham ô, biển thủ tiền cứu trợ lũ quét, CQĐT kiểm tra, sau một thời gian nhận thấy, hồ sơ đã được làm hợp lệ bằng những khoản “chi đẹp” cho 25 hộ dân ở xã Sơn Trung với số tiền hết 130 triệu đồng. Với 870 triệu đồng còn lại, ông Phan Cao Oánh lại không thể giải trình chi vào đâu. Như vậy, những người có trách nhiệm ở đây đã có hành vi tham ô số tiền 870 triệu đồng với danh nghĩa “khắc phục hậu quả sạt lở đường”.

 

Bài học Đồ Sơn

 

Vụ việc được cơ quan chức năng xác định đặc biệt nghiêm trọng, thế nhưng Công an Hà Tĩnh lại kiến nghị: “Tiến hành họp các phòng chức năng có liên quan để tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm” (văn bản số 78/CAT, ngày 7/6/2004).

 

Ngày 25/8/2006, khi Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc, nếu có căn cứ phải khởi tố ngay. Thật ngạc nhiên là ngay sau đó, Công an Hà Tĩnh lại giao chính Phòng PC15 do ông Nguyễn Hải Sơn, người đã “ém” án hơn 2 năm, trực tiếp chỉ đạo xác minh vụ việc (?!).

 

Ngày 31/8, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc đã khẳng định, tính chất vụ việc rất nghiêm trọng và hoàn toàn có căn cứ khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Để thực hiện nghiêm ý kiến Phó Thủ tướng, đề nghị Bộ Công an cần sớm vào cuộc, làm rõ những khuất tất xung quanh việc để “chìm xuồng”, bao che, lấp liếm, xoá tội... cho một số cán bộ có chức, có quyền. Vậy là vụ “quan ăn đất” ở Đồ Sơn (Hải Phòng) không phải là duy nhất.

 

Nhóm PV điều tra