“Ai cũng muốn dùng dao sắc nhưng đều sợ đứt tay”
(Dân trí) - "Trong đời mình, tôi mắc không ít sai lầm đâu. Nhất là nghề báo, tôi đã từng ba lần được giải thưởng báo chí quốc gia loại cao nhất thì trong đó có tới 2 lần giải thưởng sai".
21 đầu sách và hàng ngàn lần trả lời phỏng vấn của hàng trăm cơ quan báo chí đã nói lên một sự thật như chính ông thổ lộ: "Nói nhiều rồi, những điều cần nói đã nói hết cả rồi". Thế nhưng không hiểu sao mỗi lần nghĩ về nghề báo, người đầu tiên tôi nghĩ đến bao giờ cũng là ông, dù tôi cũng đã hơn một lần phỏng vấn và cả viết về ông. Vẫn biết làm nghề báo điều kỵ nhất là viết về cái người ta đã biết, đã viết nhưng tôi không thể không viết về ông vì với tôi, ông là một ám ảnh. Ông là nhà báo Hữu Thọ.
Tôi sợ nhất những câu hỏi... nhạt!
Thưa nhà báo Hữu Thọ, ông từng gắn bó với nghề báo gần 60 năm, đã viết hầu hết các thể loại báo chí, ông sợ thể loại nào nhất?
Tôi sợ nhất là làm phỏng vấn. Đó là thể loại ác liệt nhất vì nó là cuộc đấu trí, cân não của người hỏi và người trả lời buộc cả hai phải thể hiện quan điểm của mình. Khi người ta hỏi, anh phải trả lời và đó là lúc bộc lộ rõ nhất quan điểm của anh. Kể cả anh không trả lời thì đó cũng là một thông điệp. Nhiều khi với nhà báo, đưa ra câu hỏi cũng tức là chuyển tải một nội hàm thông tin.
Vậy khi phải trả lời phỏng vấn, ông sợ nhất điều gì?
Tôi sợ nhất là gặp những câu hỏi... nhạt. Những câu hỏi không có hoặc rất ít thông tin. Gặp những câu hỏi như thế, người trả lời phỏng vấn không có cơ hội để bộc lộ, để “thi thố” tài năng. Còn gì nhàm chán hơn là phải làm một công việc vô bổ, là nói những điều ai cũng biết hoặc biết cũng chẳng để làm gì.
Đã trả lời hàng ngàn cuộc phỏng vấn, câu hỏi nào ông cho là “ác liệt” nhất và khiến ông thú vị nhất?
Đó là tại SV 1996, trong cuộc truyền hình trực tiếp đầu tiên của Đài Truyền hình VN, khi ấy tôi vừa là TBT báo Nhân dân chuyển sang làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TW, một sinh viên đã hỏi tôi rằng hôm qua ông là nhà báo, hôm nay ông là Trưởng ban, tức là người cầm đèn xanh, đèn đỏ cho báo chí, văn chương... Một câu hỏi rất thú vị nhưng cũng khá hóc.
Và ông đã “xoay xở” như thế nào?
Tôi đã trả lời rằng nếu đúng chức Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TW là để cầm đèn xanh, đèn đỏ thì cũng tốt vì khi có đèn chỉ dẫn, giao thông sẽ thuận tiện hơn, thông suốt hơn, tránh được ách tắc và đặc biệt là sẽ hạn chế những tai nạn giao thông đáng tiếc.
Nói đi rồi lại nói lại là hèn
Nhiều người nói rằng họ sợ nhất là phải trả lời trực tiếp trên truyền hình vì “sảy chân thì đỡ được...”. Tại sao ông không có nỗi sợ này?
Đúng là không ít người sợ thể loại này nhưng với tôi thì đây là một thách thức mà mình phải vượt qua. Ở nơi đó không có thời gian cho anh chuẩn bị, không có chỗ cho anh sửa chữa, nghĩa là anh phải bộc lộ mình một cách thành thật nhất. Không phải vô lý khi các nền báo chí hiện đại luôn coi phỏng vấn trực tiếp, đối thoại trực tiếp là hình thái báo chí dân chủ nhất.
Nhưng theo quy định thì người phỏng vấn phải đưa cho người trả lời phỏng vấn “duyệt” lại trước khi đăng báo. Và không ít người khi “xem lại” đã sửa chữa câu trả lời, thậm chí thay đổi hẳn nội dung...?
Quy định này là để tạo cơ hội cho người trả lời có sự suy nghĩ chín chắn hơn và khi xem lại, người trả lời phỏng vấn có thể sửa hoặc không sửa. Với tôi thì dù có đọc lại nhưng tôi không sửa hoặc có sửa thì cũng rất ít.
Vì sao vậy?
Vì hai lẽ. Thứ nhất là nếu sửa chữa lại thì chứng tỏ tôi chưa tin người phỏng vấn mình và có gì đó như chưa thật tôn trọng anh em. Thứ hai, đã nói thì phải chịu trách nhiệm, nói đi rồi lại nói lại là hèn, là không trung thực.
Cổ vũ cho cái sai còn nguy hiểm hơn nhiều
Sai - đúng cũng là lẽ thường tình ở đời. Chẳng lẽ cuộc đời làm báo lúc nào ông cũng đúng mà không có sai lầm?
Trong đời mình, tôi mắc không ít sai lầm đâu. Nhất là nghề báo, tôi đã từng ba lần được giải thưởng báo chí quốc gia loại cao nhất thì trong đó có tới 2 lần giải thưởng sai.
Giải thưởng báo chí quốc gia cũng không chính xác?
Đúng thế đấy. Lần thứ nhất, tôi ca ngợi công cuộc phá rừng khai hoang ở Phú Thọ. Lần thứ hai, cũng ở đây, tôi ca ngợi việc đưa cây chuối lên đồi. Chỉ đến lần thứ ba, tôi cổ vũ cho việc giao đất, giao rừng thì tôi mới đúng. Và cả ba lần ấy, tôi đều đoạt giải nhất báo chí toàn quốc.
Không phải bao biện nhưng có nhiều động cơ để dẫn đến sai lầm...?
Đúng là có nhiều động cơ dẫn đến việc nói sai, làm sai, viết sai như vì miếng cơm manh áo, quyền lực, danh vọng... Còn cái sai của tôi khi đó là do thiếu hiểu biết và thiếu dũng khí, năng lực, tri thức để nhìn nhận, đánh giá đúng sự việc.
Nhưng nhà báo thì cũng chỉ tuyên truyền, cổ vũ chứ đâu có đề ra được chủ trương, chính sách. Vì vậy, có sai cũng chỉ là tuyên truyền, cổ vũ sai thôi?
Đấy, cái nguy hiểm là ở chỗ ấy. Anh trực tiếp làm sai có khi chỉ một mình anh sai, một đơn vị sai, một địa phương sai. Nhưng anh tuyên truyền cho cái sai, cổ vũ cho cái sai thì nguy hiểm hơn nhiều. Cái sai nào thì hậu quả cũng đều là hậu quả, chỉ có điều an ủi rằng mình thành thật tưởng như thế là đúng nên đỡ hơn thôi.
Tôi đã phải xin lỗi phóng viên
Ông có bao giờ viết bài mà gặp sự phản ứng từ phía độc giả không?
Một bài báo để vừa lòng tất cả là một bài báo hỏng. Tôi luôn tâm niệm một điều rằng tôi chưa biết viết thế nào cho thành công vì mỗi bài báo là một thử thách nhưng tôi chắc chắn bài báo thất bại nếu đưa ra câu trả lời làm vừa lòng tất cả mọi người.
Vâng, với nhà báo thì thế còn ở vị trí quản lý báo chí, là TBT có bao giờ ông phạm sai lầm?
Có chứ. Khi ông Phạm Sỹ Chiến còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh, chị Kim Anh (phóng viên của báo Nhân dân) đã phát hiện ra một số sai phạm của ông này. Có người ở VKS Quảng Ninh xin, song chúng tôi vẫn kiên quyết. Nhưng đến khi một vị lãnh đạo nói với tôi rằng anh ta (Phạm Sỹ Chiến) là công nhân, tự học hành rồi trở thành luật sư... Tôi động lòng nói với chị Kim Anh. Sau này Phạm Sỹ Chiến bị bắt, tôi rất ân hận và đã trực tiếp xin lỗi chị Kim Anh. Khi in sách, tôi cũng đưa cả lời xin lỗi “giấy trắng, mực đen” này vào.
Từng bị mang tiếng “ăn tiền”
Là người cầm “đèn xanh, đèn đỏ”, có khi nào ông dùng quyền lực của mình để đáng lý đèn đỏ lại bật đèn xanh và ngược lại?
Có chứ. Xin đơn cử hai vụ. Thứ nhất là vụ Ngân hàng Việt Hoa. Khi đó, anh em các báo đều nhận được thông tin ngân hàng này mất khả năng thanh khoản và sự thật cũng là như thế. Nếu đưa tin này, đương nhiên ngân hàng sẽ sụp đổ ngay lập tức. Và hậu quả sẽ rất lớn. Tôi yêu cầu các báo dừng lại, chưa đưa tin vội. Anh em tin cậy tôi nên cũng nghe lời. Và sau đó, đơn vị này phục hồi, hoạt động tốt đến tận bây giờ.
Vụ thứ hai là Công ty Huy Hoàng của ông Lê Văn Kiểm. Đúng là nó đang trên bờ vực phá sản nhưng nếu làm ầm ĩ lên, anh ta đi tù nhưng hậu quả thì ai chịu. Ngày ấy, có người còn bảo tôi ăn tiền. Khổ, cái cậu Kiểm ấy, bao thuốc nó chả mời thì làm gì có lấy chai rượu.
Quyền lực luôn hấp dẫn người ta như một ma lực. Là người nắm quyền lực cao nhất trong lĩnh vực lãnh đạo văn nghệ sĩ, báo chí nhưng lại có lần ông nói đại để quyền lực giống như cái áo vắt trên thành ghế. Tại sao ông có vẻ bi quan vậy?
Về chuyện quyền lực, mới đây ông Vương Mông, một nhà văn lớn của Trung Quốc, người từng bị đi đày trong Cách mạng văn hóa rồi về làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, đã viết rất hay trong hồi ký, đại ý rằng về hưu mới biết mình ít bạn, khi có quyền mới biết mình không đủ quyền. Cái cơ chế nhằng nhịt trong các mối quan hệ nên quyền lực nhiều khi rất mơ hồ.
Mất ngủ vì trăn trở đúng sai!
Đánh giá về nhà lãnh đạo công tác Tư tưởng Văn hoá Hữu Thọ, không ít văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo cho rằng ông là một Trưởng ban rất sáng giá. Ông nhận xét gì về đánh giá này?
Đó là ý kiến của anh em và tôi cảm ơn về những lời tốt đẹp đó. Chỉ xin kể câu chuyện lúc bàn giao cho anh Điềm (Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TW), tôi có tâm sự với ông Điềm rằng khi từ báo Nhân dân về Ban Tư tương - Văn hóa, tôi ngộ nhận là đang từ “chợ” lên “chùa”.
Thật ra khi làm TBT báo, chưa bao giờ tôi phải mất ngủ nhưng từ khi làm Trưởng ban, nhiều đêm thức trắng vì không biết cái quyết định của mình đưa ra ngày hôm đó đúng hay sai? Nói thế để thấy rằng mỗi khi phải đưa ra một quyết định, tôi đều suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ.
Ông được coi là nhà báo của những chiêm nghiệm. Nếu muốn nói một câu chiêm nghiệm về cuộc đời này, ông sẽ nói câu gì?
Chiêm nghiệm ư? Tôi cứ nghĩ nó đơn giản rằng: Người ta, ai cũng muốn dùng dao sắc nhưng ai cũng sợ đứt tay.
Xin cám ơn ông!
Đọc ông nhưng đôi khi lại quên đi cái “cảm giác đọc” vì ông viết thủ thỉ như một lời tâm sự. Một câu chuyện nhìn thấy, nghe thấy... dọc đường được ông khéo léo kể lại để người đọc tự tìm ra cho mình câu trả lời. Ông hay đặt ra những câu hỏi để rồi cùng giải đáp. Không máy móc, xúc xiểm. Không cạnh khoé, quy chụp. Không cường điệu nhưng cũng không dễ bỏ qua. Những lý lẽ thấu đáo cộng với cách viết chân tình nặng nghĩa tình đồng đội, đồng chí đã tạo cho ông cái vị thế chan hoà, chia sẻ. Không đao to, búa lớn. Không răn dạy đe nẹt. Nó là những lời thủ thỉ nhưng kiên quyết, có trách nhiệm và dám nhận trách nhiệm với cuộc đời của một nhà báo - nhà văn hoá.
Văn ông trong sáng, dễ hiểu. Các mệnh đề được sắp đặt đối xứng như cổ văn cộng với mạch văn khoẻ, chắc, nhịp văn ngắn, sắc sảo. Vui đấy, cười đấy mà đau đớn, mà xót xa đến tận tâm can. Cái cách viết sâu sắc mà dí dỏm đã tạo nên một phong cách riêng: phong cách tiểu phẩm Hữu Thọ.
(Rút trong tập Nhà báo Hữu Thọ - Tác phẩm chọn lọc - NXB Giáo dục 2003) |
Bùi Hoàng Tám