1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Vụ “ăn đất” tại Hóc Môn:

Agribank Chợ Lớn từ chối nhận tiền bồi thường

(Dân trí) - Cho rằng không đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) vẫn “bảo lưu” quan điểm từ chối nhận tiền bồi thường.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1548/Vu-tham-nhung-dat-dai-tai-huyen-Hoc-Mon-TPHCM.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Vụ tham nhũng đất đai tại huyện Hóc Môn - TPHCM</b></a>

 
Agribank Chợ Lớn từ chối nhận tiền bồi thường - 1
Các bị cáo được giải về trại.
 
Trả lời HĐXX ngày 16/8, đại diện nguyên đơn trong vụ án tham nhũng đất đai tại huyện Hóc Môn, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Chợ Lớn bày tỏ quan điểm không chấp nhận bản luận tội của đại diện Viện KSND về khoản tiền 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng mà Viện KSND yêu cầu Công ty Thành Phát trả lại cho ngân hàng vì “không có đủ cơ sở để đòi bồi thường”.
 
Đây là một trong những trường hợp hiếm gặp tại các phiên tòa khi nguyên đơn từ chối “nhận tiền” bồi thường.
 
Cũng trong phiên tòa ngày 16/8, các luật sư đã tranh luận với đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa. Hai luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Khỏe là luật sư Phạm Công Út và luật sư Trần Văn Tạo đã thừa nhận về hành vi “nhận hối lộ” của thân chủ. Tuy nhiên, luật sư cũng đề nghị tòa xem xét về số tiền ông Khỏe nhận “bôi trơn” là ở mức nào để có các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
 
Viện kiểm sát cáo buộc ông Khỏe biết sai phạm mà không ngăn chặn để cho Công ty Thành Phát san lấp mặt bằng… phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
Cũng với hành vi này, Viện KSND truy tố thêm ông Khỏe tội danh “nhận hối lộ” 100 triệu đồng của Hà và Hòa để “bôi trơn” cho quá trình san lấp mặt bằng của Công ty Thành Phát”.
 
Tranh luận vấn đề này, luật sư Trần Văn Tạo cho rằng, một hành vi không thể truy tố về hai tội danh một lúc và đề nghị HĐXX xem xét lại tình tiết này trong quá trình đưa ra phán quyết sau cùng.
 
Cũng trong phiên tòa buổi chiều cùng ngày, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX tuyên án. Các bị cáo đã thay nhau kể lể công trạng và biện minh cho hành vi của mình là “vì nước, vì dân”.
 
“Cuộc sống người dân huyện Hóc Môn còn lắm khó khăn. Khi có dự án công nghiệp về địa phương, bị cáo mừng lắm và nghĩ đến cuộc sống ấm no của người dân khi kinh tế được đổi thay, khấm khá lên. Bị cáo không ngờ…”, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - Nguyễn Văn Khỏe “nghẹn ngào”.
 
Bị cáo Khỏe kể lể, ông luôn nghĩ kế để phát triển kinh tế, làm cho người dân Hóc Môn giàu mạnh. Trong dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp xã Đông Thạnh, ông Khỏe cho biết chính mình đã trực tiếp xem bản đồ đo đạc và chỉ đạo địa chính xem xét, đề xuất dự án dân sinh.
 
Bị cáo Khỏe cũng phủ nhận hành vi nhận “lại quả” của mình và cho biết, nhiều lần Đặng Công Danh mang tiền của Hà, Hòa tới nhưng Khỏe đều từ chối.
 
“Có lần, Danh bỏ một gói quà vào đằng sau tủ làm việc, bị cáo mở ra thấy có 100 triệu thôi. Lần khác Danh cũng lén bỏ món quà lại văn phòng nhưng bị cáo nói nhận quà cáp nhiều của doanh nghiệp là phiền lắm…”, Khỏe nói.
 
Khỏe thao thao bất tuyệt kể về những hành xử “đạo đức, chính trực” đến độ, nhiều lần chủ tọa phiên tòa phải ngắt lời để ông Khỏe nói lời sau cùng đúng trọng tâm.
 
Tương tự như “cấp trên”, bị cáo Trần Văn Tè, nguyên chủ tịch UBND xã Đông Thạnh và “thuộc cấp” Nguyễn Văn Dò, nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh trong lời nói sau cùng đều kể lể về những “trăn trở” với cuộc sống người dân và kinh tế địa phương.
 
Ông Dò tâm sự: “Từ khi có dự án Thành Phát về, do làm lần đầu, không am hiểu rõ luật pháp để dẫn tới sai phạm nghiêm trọng…”.
 
Các bị cáo Đặng Công Danh, Dương Minh Trung, Nguyễn Công Định cũng đều bày tỏ xin được nhận bản án khoan hồng của pháp luật để có cơ hội sớm trở về đoàn tụ với gia đình, xã hội.
 
Dự kiến, HĐXX nghị án đến sáng 20/8 sẽ tuyên án.
 
Công Quang