9 thủ tục hành chính người dân có thể thao tác trên mạng từ tháng 11
(Dân trí) - Dự kiến cuối tháng 11/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ khai trương, cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện 9 thủ tục trực tuyến. Đây là những dịch vụ cơ bản, thiết yếu đối với người dân trong số các thủ tục hành chính hiện hành.
Thông tin nêu trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng nay (1/11).
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc ra mắt Cổng dịch vụ quốc gia vào cuối tháng 11 mới chỉ là khởi đầu của quá trình cải cách phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương lựa chọn và từng bước đưa những dịch vụ công thiết yếu đã được cải cách thực chất để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Đây là công việc thường xuyên, liên tục với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất www.dichvucong.gov.vn là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo lộ trình, vào cuối tháng 11 này, Cổng dịch vụ công quốc gia cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện 9 thủ tục hành chính thiết yếu gồm: Đổi giấy phép lái xe (mức độ 3); Cấp giấy phép lái xe quốc tế; Cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Đăng ký khuyến mại; Nộp thuế điện tử với doanh nghiệp; Cấp mới điện hạ áp (cho người dân) và trung áp (cho doanh nghiệp); Thanh toán tiền điện; Thông báo thực hiện khuyến mại (tại các địa phương).
Trong tháng 12/2019, sẽ có thêm một số dịch vụ công được tích hợp, đó là thủ tục nộp thuế điện tử đối với cá nhân (thuế thu nhập cá nhân, cá nhân kinh doanh); cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.
Những dịch vụ công dự kiến được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý I/2020 gồm có: Thu phạt vi phạm giao thông đường bộ; đổi giấy phép lái xe (mức độ 4), Cấp mới giấy phép lái xe, đăng ký kinh doanh, dịch vụ công về trang thiết bị y tế, nộp thuế điện tử với cá nhân; Thu phí, lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; giao dịch bảo đảm; Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; Khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp; Cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; nhóm thủ tục về trang thiết bị.
Trong đó, Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh sẽ triển khai tích hợp, triển khai thí điểm thêm một số dịch vụ công.
Hội nghị trực tuyến sáng nay (1/11) có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước (Ảnh: Nguyễn Truòng).
Sau khi lắng nghe các hàng chục ý kiến đóng góp của lãnh đạo các địa phương, tỉnh thành trên toàn quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng góp ý sẽ thống nhất toàn quốc về giao diện truy cập của Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Theo quan điểm của chúng tôi, để người dân thuận tiện, dễ thao tác, sử dụng thì giao diện phải thân thiện, gần gũi và đơn giản… Người ta nhìn vào là biết ngay đây là dịch vụ công. Thiết kế trên tinh thần từ ngữ gọn gàng, dễ hiểu. Trước mắt để người dân thực hiện tốt còn quá trình tiếp theo khó hơn thì ta bổ sung, làm giàu dữ liệu sau” - ông Dũng nói.
Chia sẻ thêm về khó khăn kinh phí, nguồn lực để kết nối, vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Dũng cho hay, hiện nay Văn phòng Chính phủ thực hiện theo toàn hệ thống dịch vụ do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư. Các địa phương có thể thuê lại dịch vụ từ tập đoàn này.
Về khó khăn, vướng mắc đối với các văn bản pháp luật hiện hành, đại diện Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm sẽ sớm ban hành Nghị định có liên quan.
“Không có đầy đủ các văn bản sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng chưa có chúng ta vẫn sẽ làm vì đã có nhiều văn bản quy định... Dù căn cứ pháp lý chưa có nhưng cái gì có lợi cho dân thì cứ làm” - người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Nguyễn Trường