1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

8/17 tội danh đề nghị được xét bỏ án tử hình

(Dân trí) - Bộ luật hình sự sửa đổi đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu trong phiên họp vừa qua đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở 17/29 tội danh có quy định. Đến nay, các đại biểu chỉ “gật đầu” với 8 tội.

8/17 tội danh đề nghị được xét bỏ án tử hình  - 1
Đưa hối lộ sẽ không bị tử hình (ảnh minh họa).
 
Theo báo cáo của UBTVQH, 8 tội danh được nhất trí xét bỏ hình phạt tử hình là: hiếp dâm (Đ111); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Đ139); buôn lậu (Đ153); tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Đ197); chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Đ221); làm tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả (Đ180) và hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Đ334) và đưa hối lộ (Đ289).
 
Thường vụ QH đề nghị cho giữ hình phạt tử hình đối với các tội: Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Đ157); tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Đ231); tội tham ô tài sản (Đ278); tội nhận hối lộ (Đ279); tội chống mệnh lệnh (Đ316); tội đầu hàng địch (Đ322); tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược (Đ341); tội chống loài người (Đ342); tội phạm chiến tranh (Đ343).
 
Phiên thảo luận ở thường trực Hội đồng dân tộc và các UB chiều 10/3, ngay ở những tội được thống nhất bỏ phạt tử hình vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Ở tội hiếp dâm (Đ111), thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang là người đầu tiên nêu ý kiến “can gián”.
 
Thứ trưởng Quang khái quát, hiện tại dù các cơ quan chức năng rất cố gắng để phòng chống nhưng tội phạm hiếp dâm ngày càng phức tạp. Những vụ hiếp dâm xảy ra gần đây có những biểu hiện nghiêm trọng hơn, dã man, vô đạo đức hơn.
 
Cùng quan điểm này, phó chủ nhiệm UB văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết đưa lý lẽ “bác” lại quan điểm bỏ hình phạt tử hình.
 
Ông Thuyết cho rằng không thể lý luận, trong những trường hợp người phạm tội vừa hiếp dâm và giết người hoặc cướp tài sản, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với nạn nhân thì có thể áp dụng phạt tử hình với 2 tội này.
 
Ông Thuyết đặt trường hợp ngược lại, không thể kết tội thủ phạm ở những hành vi này, những người bị hiếp dâm chịu tổn thương, sống mà như chết hoặc dẫn tới hành động tử tự thì… bí đường xử lý tương xứng.
 
Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng nếu người phạm tội hiếp dâm nhưng không phạm vào các tội như giết người, cướp tài sản mà tử hình cũng là điều cần cân nhắc. Ông Thuận khuyến cáo, sửa luật để thay đổi dần quan niệm về “hình án” xưa nay kiểu “nợ máu phải trả máu”.
 
Chủ nhiệm UB pháp luật cho rằng, giữ án phạt tù chung thân là đủ nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung với nhiều tội danh. “Vấn đề là áp án chung thân cho ra… chung thân, làm nghiêm khắc chứ không thể có chuyện ngồi tù mươi năm rồi ra. Như vậy thì hình phạt này còn nghiêm khắc, ám ảnh hơn án tử hình” - ông Thuận nêu quan điểm.
 
Với nhóm tội phạm về môi trường, thường vụ QH đề nghị bỏ dấu hiệu bắt buộc người gây ô nhiễm “đã bị xử phạt hành chính” mà vẫn cố tình vi phạm để có thể áp dụng khả thi trong cuộc sống.
 
Tuy nhiên, chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, sửa luật như vậy lại “làm khó” cơ quan thực thi vì không thể trường hợp vi phạm nào cũng xử lý hình sự được. Theo ông Thuận, cần thiết kế luật theo hướng để vẫn phạt hành chính, đồng thời vẫn chuyển sang xử lý hình sự được để không “tự chói” tay mình.
 
Một số tội danh mới trong lĩnh vực chứng khoán cũng đã được thống nhất bổ sung. Đa số các đại biểu QH chung nhận định, đây là loại tội phạm mới nên trước mắt chỉ xử lý trách nhiệm hình sự với một số hành vi đã phổ biến.
 
Thường vụ QH đề nghị bổ sung thêm tội thao túng giá chứng khoán (dự kiến sẽ là điều 181c); cố ý thông bố sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (điều 181 a); và tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (181b).
 
P.Thảo