1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

80-90% nước thải đô thị xả thẳng ra môi trường, nguy cơ ô nhiễm cực lớn

Thế Kha

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, khoảng 80-90% nước thải ở đô thị đang xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ lớn.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị" tổ chức hôm qua (12/4), đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho biết khoảng 80-90% nước thải ở đô thị đang bị xả thẳng ra môi trường.

80-90% nước thải đô thị xả thẳng ra môi trường, nguy cơ ô nhiễm cực lớn - 1

Ông Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Khánh Toàn).

"Điều đó cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ lớn; quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực… đều đang có vấn đề. Nước ta là nước có thu nhập trung bình nhưng vấn đề xử lý nước thải lại tương đương với nước chậm phát triển"- ông Huân nói.

Đáng chú ý, theo ông Huân, Ngân hàng Thế giới dự báo 20 - 30 năm nữa chúng ta không có đủ nước sạch để dùng, nguy cơ rất đáng báo động.

Ông Nguyễn Thành Lam - Chuyên viên chính Vụ quản lý chất thải (Tổng Cục Môi trường) khẳng định, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã nỗ lực đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt. Hiện nay cả nước có 71 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải khu công nghiệp được các chủ đầu tư xử lý. Thế nhưng việc đầu tư cho hệ thống thu gom nước thải khá lớn, trong khi giá xử lý nước thải khá thấp, chỉ 10%, nên chưa thu hút khối đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Các chuyên gia cũng nhận định, tại các tỉnh, thành phố mới chỉ xử lý được 15-30% lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường. Số lượng nước còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước; là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng các đô thị ở Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nên việc học tập kinh nghiệm, hợp tác quốc tế rất quan trọng để có thể đẩy nhanh xử lý ô nhiễm.

Việt Nam có thể xem lại các hệ thống chính sách, cơ chế hiện hành để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Đồng thời thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, từ đó tạo ra nguồn thu.

"Trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng đề cập nhưng làm chưa được bao nhiêu, cần học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, như ở Đức, phí trả cho nước thải cao hơn phí mua nước. Luật Bảo vệ môi trường cũng đã nêu rõ, nên sắp tới Nhà nước sẽ làm mạnh mẽ hơn trách nhiệm của các nhà sản xuất"- ông Đồng cho hay.

Trước thực trạng trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm: "Chúng ta cần kêu gọi tư nhân đầu tư, theo hướng kinh tế thị trường, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi. Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm