1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

800 tỉ đồng + quản lý kém = vỡ đê bao

Nhiều năm qua, để đối phó với triều cường, mưa lũ, TPHCM đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng làm đê bao, làm kè chống sạt lở. Vậy mà năm nào cũng vậy, cứ triều lên là người dân sống ven sông, kênh, rạch ở TP lại phải bì bõm trong chính ngôi nhà của mình...

800 tỉ đồng + quản lý kém = vỡ đê bao  - 1
Người dân sống gần các bờ đê bao thường xuyên phải sống trong cảnh bì bõm lội nước ngập
 
Dân trắng mắt vì bể đê bao

Ông Nguyễn Quốc Minh - KP2, P.Thạnh Lộc, một hộ dân bị ngập do bể bờ bao rạch Bá Hộ - tỏ ra rất bức xúc khi liên tiếp trong 3 ngày đều xảy ra bể bờ bao, khiến cả gia đình ông điêu đứng, nhiều đêm thức trắng cứu đồ đạc trong nhà, còn hoa màu thì đã bị nước ngập nhấn chìm. Không chỉ ông Minh mà hàng trăm hộ dân sống quanh các bờ bao xung yếu cũng đang phải sống trong tình cảnh tương tự mỗi khi nước triều đe dọa.

Các tuyến bờ bao, đê bao nội đồng, kể từ 2001 đến 2009 thành phố đã đầu tư và giao cho các quận, huyện thực hiện tổng cộng 479 hạng mục công trình với tổng chiều dài trên 430km, kinh phí 789,3 tỉ đồng để đầu tư tu bổ, nâng cấp các tuyến bờ bao xung yếu, nạo vét kênh mương và xây dựng các cống nhỏ phục vụ việc tiêu thoát nước và phòng, chống triều cường, mưa lũ, tập trung chủ yếu trên địa bàn Q.Thủ Đức, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, Q.12...; vậy mà năm nào, tới mùa triều cường đều liên tục xảy bể bờ bao.

TS Lê Phu -Hội Thủy lợi TPHCM - cho rằng, nguyên nhân khiến năm nào cũng xảy ra bể bờ bao ngay cả khi triều cường ở mức thấp là do thiếu đầu tư, quản lý kém của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng năm nào người dân cũng phải sống trong nỗi cảnh lóp ngóp “bơi” trong chính ngôi nhà của mình. Theo thống kê những tháng đầu năm 2010, TPHCM xảy ra 16 vụ bể bờ bao khiến hàng trăm hộ dân Q.12, Thủ Đức cùng nhiều tài sản, hoa màu bị nhấn chìm.

Trước mắt, Q.12 và Q.Thủ Đức đã thí điểm thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân gồm 61 người của 5 phường, có nhiệm vụ báo tin khẩn cấp cho chính quyền địa phương khi xảy ra sự cố bể bờ bao. Ông Nguyễn Toàn Thắng - PCT UBND Q.12 - cho biết: Nhiều tuyến đê bao đã được gia cố lại, các lực lượng xung kích cũng luôn chủ động sẵn sàng ứng phó mỗi khi triều cường dâng cao. Tuy nhiên, nếu điểm triều lớn thì vẫn có khả năng tiếp tục xảy ra bể bờ bao. Chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi Dự án bờ hữu sông Sài Gòn hoàn thành, khi đó mới yên tâm không còn xảy ra tình trạng bể bờ bao, tuy nhiên phải qua năm 2011 thì dự án này mới có thể phát huy tác dụng chống triều cường.
 
800 tỉ đồng + quản lý kém = vỡ đê bao  - 2
Người dân phải tự tìm cách chống ngập do bể bờ bao gây ra

Ngổn ngang dự án thi công “rùa”

Dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn kéo dài từ rạch Vàm Thuật (Q.12) đến tỉnh lộ 8 (H.Củ Chi), sau khi hoàn thành sẽ bảo vệ các quận 12, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn khỏi ảnh hưởng của triều cường. Tuy nhiên, sau 7 năm thi công, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang, mới xong giai đoạn 1, do đó người dân vẫn phải tiếp tục chịu cảnh “bì bõm” mỗi khi có triều cường. Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn - nam rạch Tra (Q.12, Q. Gò Vấp, H.Hóc Môn) có chiều dài 66,7km đê, 219 cống, 15 gói thầu xây lắp, nhưng hiện nay vẫn đang triển khai thi công chậm. Còn đoạn từ tỉnh lộ 8 đến bắc rạch Tra, xã Bình Mỹ, H.Hóc Môn có chiều dài 42,4km đê, 140 cống, 9 gói thầu xây lắp thì dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Trong khi đó, công trình thủy lợi bờ tả ven sông Sài Gòn và xây dựng các ngăn triều tại rạch Gò Dưa, rạch Thủ Đức, rạch Ông Dầu, rạch Đá và rạch Cầu Đúc Nhỏ nhằm chống triều cường cho 3 phường của Q.Thủ Đức, có chiều dài 11,344km đê bao và 5 cống ngăn triều đến nay vẫn chưa được triển khai.

Ông Phạm Việt Thắng - Phó Chánh văn phòng BCH PCLB TPHCM - cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng năm nào cũng bể bờ bao là do nhiều nhà thầu thi công chậm, trây ỳ trong việc triển khai các công trình ngăn triều đã làm chậm tiến độ các dự án. Nhiều nhà thi công cũng đã bị đình chỉ để mời nhà thầu khác, đồng thời công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên dự án bờ hữu sông Sài Gòn đến hết 2010 chưa thể hoàn thành.

Trong khi đó, do sự chủ quan của chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư và huy động nguồn nhân lực tại chỗ để thực hiện gia cố các điểm xung yếu trước thời điểm triều cường cũng như khi xảy ra sự cố bể bờ bao, nên mỗi khi có đợt triều cường, TPHCM lại đối mặt với nguy cơ bể bờ bao. Việc gia cố bờ bao bằng cọc cừ tràm chỉ là biện pháp tạm thời, mà phải làm theo thiết kế định hình tường chắn bêtông cốt thép, cừ bản nhựa uPVC mới đảm bảo kỹ thuật.
Đợt triều cường sáng 2.11 đã làm một đoạn bờ bao dài gần 4m ở rạch Miễu bị bể, làm nước tràn vào nhà hơn 50 hộ dân hai tổ 48, 49, KP4, P.Thạnh Xuân, gây ngập sâu hơn 0,5m khiến hàng ngàn gốc mai cảnh chuẩn bị phục vụ tết bị ngập nặng. Đến trưa cùng ngày, nước ngập vẫn chưa rút hết.
Theo người dân, từ khi công trình bờ hữu ven sông Sài Gòn thi công thì nước triều liên tục gây ngập úng, ảnh hưởng tới hàng chục hécta hoa màu, hàng ngàn gốc mai cảnh. Nhiều hộ nuôi cá cũng bị thiệt hại nặng nề do cá trong ao đã theo dòng nước trôi ra sông Sài Gòn. Hơn 1.500 gốc mai cảnh của hộ anh Nguyễn Phú Lộc chuẩn bị bán cũng bị nước ngập, 10% các chậu kiểng có nguy cơ bị úng rễ chết. Sau khi sự cố vỡ đê bao xảy ra, UBND phường Thạnh Xuân đã đôn đốc nhà thầu khắc phục ngay sự cố.
 
 
Theo Hà Anh Chiến
Báo Lao Động