8 cái chết được báo trước và sự “bất lực” của người còn sống
(Dân trí) - Rõ ràng, ai cũng có thể thấy được mối hiểm họa từ những hồ nước sâu thẳm, rộng hàng chục héc-ta. Vậy mà, người lớn vẫn ngày ngày để cho hàng trăm trẻ nhỏ nô đùa trước miệng “hà bá”.
Tang tóc vùng quê nghèo
Làng Tào Khê một ngày sau cái chết thương tâm của 8 cháu học sinh dưới hồ nước, không khí tang tóc, u ám bao trùm khắp nơi. 8 sinh mạng bị “hà bá” lấy đi, làng Tảo Khê phải đưa tang tới 5 cháu. Đắng lòng hơn, 4 trong 5 cháu gái xấu số lại có họ hàng với nhau.
Giọng khản đặc, tay bám chặt quan tài con, chị Lê Thị Loan, mẹ cháu Mai Lê Hồng Phúc, dường như vẫn chưa tin vào sự thật đau lòng này. Cơm trưa xong, Phúc cùng cô em sinh đôi là Mai Lê Hồng Phượng (may mắn còn sống sau vụ việc - PV) xin phép mẹ đi chơi. “Cứ nghĩ 2 đứa đi quanh xóm thôi, nào ngờ…” - chị Loan nói trong nước mắt.
Nhớ về đứa con đầu ngoan ngoãn, anh Bùi Văn Giang, bố cháu Bùi Thị Thu, nghẹn ngào: “Dù còn nhỏ nhưng mọi việc trong nhà nó đều gánh vác và làm giúp bố mẹ. Thương con lắm! Mất con dường như tôi mất tất cả, sao nó lại bỏ tôi mà đi thế này không biết. Giờ về nhà nhìn những đứa em của nó mà lòng tôi quặn lại”.
Ngồi trên giường với vẻ mặt thất thần, Chinh dần nhớ lại ký ức kinh hoàng về những gì đã xảy ra với mình và các bạn. Chiều 12/9, Chinh cùng 10 bạn gái khác cùng học trường THCS An Mỹ (huyện Mỹ Đức) rủ nhau đi tắm ở khu vực đập tràn của hồ Tuy Lai, như những lần trước các cháu vẫn đi.
“Tắm được một lúc thì chúng cháu lên bờ ngồi chơi. Sau đó, bạn Phúc bị trượt chân ngã và kêu cứu. Chúng cháu vội chạy đến cứu bạn, cả nhóm cùng nhảy xuống nước, người này ôm vào người kia và kéo nhau xuống. Khi cháu tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở trên bờ.”
Hai cháu còn lại là Mai Lê Hồng Phượng và Nguyễn Thị Thanh Tâm lúc đó quá hoảng loạn, chỉ biết đứng đó kêu khóc cho đến khi có người tới cứu.
“Em đang đi chơi thì nghe thấy tiếng mọi người hô hoán có mấy học sinh đang bị đuối nước ở hồ Tuy Lai. Thấy vậy, em vội chạy vào xem tình hình thế nào. Khi vào đến nơi thì có một anh đã vớt được một người. Thấy mọi người hoảng hốt bảo còn cả chục người dưới kia. Em vội cởi giày nhảy xuống lặn tìm các bạn. Khi em lặn xuống, quờ quạng thấy mấy người túm tụm vào nhau, lơ lửng dưới nước sâu gần 3m. Em tìm cách kéo từng người một vào bờ rồi nhờ những người ở trên bờ kéo các em đó lên bờ.”
Dân vớt được bốn người lên thì có thêm mấy thanh niên vừa tới nhảy xuống hỗ trợ, vớt những nạn nhân còn lại. Người nhà của các em sau đó đã có mặt để nhận diện và đưa thi thể các em về mai táng.
Chính quyền cảnh báo nguy hiểm bằng… văn bản
Bên mép hồ, những chiếc dép của các nạn nhân xấu số nổi lềnh bềnh. Xa tít giữa hồ, nơi có mô đất nhô lên, một tấm biển bé xíu được cắm bên cạnh hai chữ cũng thuộc dạng bé: “Cấm tắm”. Góc hồ gần nơi 8 cháu học sinh tử nạn, một tấm biển tương tự cũng vừa được cắm xuống. Một sự chiếu lệ trơ trẽn, nhẫn tâm!
Không phải lần đầu tiên nhưng đây là vụ chết đuối thương tâm nhất từng xảy ra ở đây. Nhiều người dân phản ánh, chính quyền cũng thừa nhận, gần như năm nào tại khu vực hồ này đều xảy ra những cái chết tương tự.
Nói về trách nhiệm dẫn đến những cái chết tại đây, ông Long “nại” rằng, về địa giới hành chính, hồ Tuy Lai thuộc xã Tuy Lai, nhưng về quản lý, khai thác lại không thuộc về xã.
“Đê, nước thuộc công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý. Còn trong lòng hồ, việc tận thu tôm cá thuộc Công ty du lịch thủy sản Quan Sơn. Hiện công ty Quan Sơn đang khoán thầu cho các hộ công nhân của cơ quan này.” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, hàng năm, công an xã vẫn giao các hộ quản lý hồ cắm các biển thông báo hồ sâu, nguy hiểm, cấm tắm dưới hồ; thông báo trên loa đài. Khi được hỏi, ông Long nói sẵn sàng cung cấp các… văn bản được phát trên loa đài, thông báo tới các trường học để tuyên truyền.
Về những việc làm thực tế hơn, ông Long nói, các buổi chiều, công an xã vẫn đi tuần tra, nếu phát hiện các cháu nhỏ vào khu vực hồ sẽ nhắc nhở, không cho các cháu xuống hồ tắm. Chỉ ít phút sau, ông Long lại “than” rằng, diện tích hồ quá rộng, trong khi công an xã lại quá nhiều công việc để giải quyết nên không thể ngày nào cũng vào trông coi hồ được.