7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc: Chưa có hướng xử lý
(Dân trí) - 7.000 lít dầu trong máy biến thế đang nằm cách mực nước của vịnh Hạ Long chỉ chừng 200 mét suốt gần 7 năm qua, đến nay vẫn chưa có phương án khả thi để xử lý. Vịnh Hạ Long đang đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng.
Nhập về thì dễ, xuất lại bị từ chối
Xung quanh vấn đề này, giới chuyên gia về môi trường thể hiện bức xúc: Đây là lô hàng thải có chứa chất độc hại mà các nước phát triển phải mất nhiều tiền để xử lý, tránh nguy cơ tác động đến môi trường. Thế mà doanh nghiệp của ta lại bỏ cả đống tiền ra mua về, “bức hại” đất nước mình. Việc họ không chấp nhận cho doanh nghiệp Cửu Long tái xuất trở lại lô hàng nguy hại này là hoàn toàn dễ hiểu. Đây là câu chuyện đáng buồn cho nhận thức về môi trường của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Vịnh Hạ Long chờ “chết”?
Dư luận đang nóng lên bởi tình trạng 7.000 lít dầu chứa chất cực độc bị "vứt vạ vứt vật" ngay bên bờ Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới. Nhà chức trách địa phương bày tỏ sự lo sợ về nguy cơ dầu tràn xuống vịnh, bức tử môi trường của di sản thế giới.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Danh Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường Quảng Ninh - cho biết, do số lượng dầu nhiễm PCB tại Cảng Cái Lân quá lớn, lại đang được để ngay sát vịnh Hạ Long nên tiềm ần một nguy cơ đe dọa môi trường nghiêm trọng. Nếu không may một phần hoặc tất cả số lượng PCB này tràn xuống biển thì vịnh Hạ Long sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng.
7.000 lít dầu chứa chất cực độc đang được tỉnh Quảng Ninh bảo vệ nghiêm ngặt.
Về phương án vận chuyển và tiêu hủy số hóa chất độc hại này, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long lên phương án vận chuyển hai container nói trên về kho lưu giữ an toàn của Công ty tại Hải Phòng. Bên cạnh đó Sở cũng gửi công văn lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có hướng dẫn công ty này vận chuyển, xử lý lô hàng trên. Kiến nghị là vậy nhưng hiện này vẫn chưa có biện pháp xử lý cụ thể nào được ban hành.
Qua đó, số lượng dầu nhiễm PCB lấy ra từ máy biến thế chứa đầy 34 phuy, trong đó 33 phuy 200 lít và 1 phuy 100 lít. Thân máy biến thế, toàn bộ lượng gạch lát nền và cát xung quanh khu vực đã được đào lên để khoanh vùng nguy hại.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Ninh, việc lưu trữ, bảo quản các phuy dầu này cũng không theo một quy chuẩn nào vì không nhận được hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Việc bảo quản mới dừng ở mức đảm bảo kín, container có khung khỏe và có chuông báo cháy, báo nổ. Mùa mưa bão sắp đến, không ai dám chắc lô hàng độc hại này không bị tràn ra môi trường, chảy lan xuống Vịnh.
Quảng Ninh kêu cứu, Hải Phòng chưa biết gì!
Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long - chủ của lô hàng trên - là doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Hải Phòng. Vì thế tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất phương án yêu cầu doanh nghiệp chuyển lô hàng trên ra khỏi vị trí nhạy cảm để bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh cũng đã có ý kiến với Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng phối hợp xử lý.
Giải pháp chuyển lô hàng này về trụ sở doanh nghiệp tại Hải Phòng nhiều khả năng không được thành phố Hải Phòng chấp nhận.
Ông Hậu khẳng định: Quảng Ninh với trách nhiệm bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tuyệt đối không để xảy ra mất an toàn về vấn đề môi trường tại đây.
PV Dân trí liên hệ với ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng để tìm hiểu về sự phối hợp giải quyết với Quảng Ninh nhưng ông Sản khẳng định, ông chưa nắm được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc này.
Thu Hằng