7 người chạy thận tử vong: Sốc phản vệ với thuốc sử dụng chung cho bệnh nhân?
(Dân trí) - PGS.TS. Nguyễn Anh Trí - Giám đốc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - cho biết, khi sự cố xảy ra, ông đã được các đồng nghiệp ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình điện thoại xin tư vấn. Với những thông tin có được, ông nhận định, các bệnh nhân có thể bị sốc, liên quan đến một tác nhân cụ thể như nước, thuốc được sử dụng chung cho người chạy thận tại đây…
Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, bác sĩ Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội Hà Nội) trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến sự cố y khoa hết sức nghiêm trọng tại Trung tâm Thận nhân tạo khiến 6 người chạy thận tử vong tại chỗ, 1 người tử vong sau đó, hơn 10 người đang được cấp cứu.
- Từ góc độ chuyên môn, ông có thể đánh giá sơ bộ về sự cố?
- Là người làm chuyên môn và có sự gắn bó với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, hôm qua, tôi đã được các đồng nghiệp ở tỉnh Hoà Bình gọi điện xin tư vấn về mặt chuyên môn khi sự cố xảy ra. Qua đó, tôi được nghe phản ánh và nhận thêm một số thông tin.
Đầu tiên, là một cán bộ y tế, tôi phải khẳng định, việc xảy ra là một nỗi đau, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng và rất đáng phải được rút kinh nghiệm. Tôi xin được chia sẻ với nỗi mất mát của người dân, sự đau đớn của cán bộ y tế bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Đi sâu hơn về mặt chuyên môn, để kết luận chính thức chúng ta cần có điều tra khảo sát kỹ lưỡng hơn vì nếu nói sớm quá có thể không đúng, thậm chí còn gây ra sự xáo trộn trong dư luận. Nhưng qua trao đổi điện thoại với cơ sở, tôi nghĩ khả năng lớn là các bệnh nhân bị sốc, liên quan đến một tác nhân nào đó, có thể là nước, thuốc mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải một loại được sử dụng đơn lẻ.
- Bác sĩ có thể phân tích cụ thể hơn về quy trình, phương pháp chạy thận nhân tạo với những rủi ro có thể xảy ra?
- Đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam. Sốc phản vệ là một phản ứng không ai nói trước được, thậm chí đơn giản nhất như việc tiêm vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong. Trong sự cố này, đáng chú ý là cả 18 người đều có biểu hiện giống nhau, 6 người tử phong tức khắc.
Trước mắt, chúng ta nên tập trung cứu chữa những người còn lại để các bệnh nhân vượt qua sự cố sốc và tiếp tục giải quyết, điều trị cho những người bị suy thận cần chạy thận nhân tạo. Việc này cần sự chia sẻ của bệnh viện lân cận cũng như bệnh viện tuyến trung ương.
Mặt khác, tôi mong và biết Bộ Y tế sẽ tiến hành rút kinh nghiệm phổ biến cho cả nước sau sự việc này. Trung tâm Thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình thực tế đã được dừng hoạt động để thực hiện việc điều tra, xác định nguyên nhân sự cố. Các cơ quan sẽ rà soát lại toàn bộ hoạt động, trang thiết bị, đường dẫn, việc sử dụng nước, thuốc men… tại đây để từ đó có những bằng chứng để việc rút kinh nghiệm tốt hơn.
- Sự việc xảy ra buổi sáng hôm qua, đến cuối giờ chiều các biện pháp xử lý tích cực mới được quyết định liên tiếp như đưa chuyên gia, bác sĩ lên Hoà Bình, chuyển bệnh nhân về Hà Nội… Ông đánh giá thế nào về phản ứng của cơ quan chức năng khi có sự cố?
- Trước sự cố này, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, y tế tỉnh Hoà Bình và Bộ Y tế đều rất quan tâm xử lý. Từ tối qua, các cơ quan đã làm tất cả mọi việc để cứu sống những người còn lại trong số 18 người, kịp thời mời những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sốc phản vệ, chống độc tại trung tâm lớn nhất ở Bệnh viện Bạch Mai lên để cùng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân. Cơ bản, những biện pháp đưa ra đang giúp hạn chế tối đa thiệt hại của tai biến y khoa này.
Tôi được biết Bộ Y tế cũng vào cuộc. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh và đoàn công tác đã lên Hoà Bình. Tối qua, Phó Thủ tướng phụ trách công tác y tế cũng đã tới nơi.
Nhìn chung, với con mắt y khoa, tôi cảm thấy hướng xử lý rất hợp lý.
- Việc công bố nguyên nhân sự cố nên được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Rất nên công bố sớm nguyên nhân sự cố và tôi đã nói điều này với Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bệnh nhân thực tế đã tử vong rồi và tôi cam đoan không có bác sĩ, nhóm bác sĩ nào trong quá trình hành nghề lại mong muốn bệnh nhân tử vong nên các cơ quan cần sớm phải công bố để rút kinh nghiệm, xử lý. Chắc chắn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế cũng sẽ hành động như vậy.
- Được biết, Trung tâm Thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình mới đi vào hoạt động không lâu thì xảy ra sự cố này. Đã có ý kiến đặt vấn đề, sự cố trong phương thức điều trị này chưa từng xảy ra ở các bệnh viện lớn, tuyến trung ương. Có cần thiết cảnh báo người dân về mức độ an toàn của những cơ sở điều trị như ở bệnh viện Hoà Bình?
- Phải nói, những năm gần đây, nhóm bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo càng ngày càng nhiều, tỉnh Hòa Bình mới thành lập trung tâm Thận nhân tạo này mà đến nay đã có đến hàng trăm bệnh nhân được điều trị thường xuyên. Điều đó giúp phục vụ bệnh nhân tốt hơn và đáng mừng cho địa phương khi đã tổ chức được trung tâm như vậy.
Còn sự cố xảy ra là rất đau lòng và cũng là một nỗi lo nhưng phải thấy, đây cũng là việc thường xuyên xảy ra trong lúc hành nghề y, ở bất cứ quốc gia nào cũng thế. Vấn đề của chúng ta là làm sao cho hậu quả sau sự cố này thấp nhất, ít nhất.
Nhân đây, tôi muốn nói sự cố y khoa ở Hòa Bình là có thật nhưng chúng ta không nên hoang mang, các cán bộ y tế càng không nên, không được phép hoang mang, bởi nếu như vậy sẽ không thể làm việc.
Tôi cũng mong dư luận, cộng đồng hiểu về vấn đề đó, hết sức bình tĩnh.
- Một vấn đề khiến nhiều người cũng lo lắng là 100 bệnh nhân đang điều trị thường xuyên tại trung tâm Thận nhân tạo này được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai có thể gây áp lực quá tải, làm phát sinh các vấn đề khác trong lúc cần tập trung để giải quyết sự cố tại Hoà Bình?
- Nỗi lo thì có nhưng nói có sợ không thì tôi cho là không nên sợ. Ngoài viện Bạch Mai, cả nước có rất nhiều trung tâm khác hiện đại, có những bậc thầy của các bác sĩ ở Hòa Bình. 100 người bệnh từ Hòa Bình được chuyển Hà Nội, về số lượng thì nhiều nhưng xét về mặt chất lượng, việc thụ hưởng ưu thế về mặt chạy thận nhân tạo là có lợi cho bệnh nhân.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo