Thanh Hóa:

7 lao động bàng hoàng trở về từ Angola

(Dân trí) - Sau hơn ba tháng sống khổ cực ở Angola, lao động trong môi trường khắc nghiệt mà không được nhận một đồng lương, nhiều lúc phải nhịn đói, các lao động Thanh Hóa đã thở phào khi trở về quê nhà an toàn.

Những ngày khốn khổ bên xứ người

Được sự môi giới của ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, nhiều hộ dân tại xã Ngư Lộc đã tin tưởng đóng số tiền 136.500.000 đồng để được sang Angola làm việc với mức lương hứa hẹn là 800 USD/tháng trở lên.

Các lao động v
Các lao động vừa từ Angola trở về.

Sau khi đã nộp đủ tiền cho ông Hà, các lao động được đưa ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) làm thủ tục xuất cảnh sang Angola vào ngày 1/2/2013. Theo như ông Hà nói thì khi sang tới sân bay, các lao động sẽ được đón về công ty làm việc. Tuy nhiên thực tế khi các lao động sang tới sân bay nước bạn đã không được ai đến đón, cũng không có công ăn việc làm như lời ông Hà hứa hẹn.

Anh Tô Văn Cường, một lao động vừa "từ cõi chết trở về" cho biết: “Khi chúng tôi xuống sân bay không có người nào của công ty như ông Hà nói ra đón. Chỉ có một người đến và đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy nói ký vào, đây là giấy thông hành khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đưa ra. Tờ giấy toàn bằng tiếng nước ngoài nên chúng tôi không hiểu gì, nhưng vì sợ bị kiểm tra nên đã ký vào. Xong người đó bỏ đi để chúng tôi lại”.

Anh Tô Văn Cường đang trình bày sự việc.
Anh Tô Văn Cường đang trình bày sự việc.

Quá lo lắng, các lao động đã gọi điện về Việt Nam cho ông Hà, yêu cầu can thiệp. Sau đó, các lao động này được đưa về một công trường xây dựng làm việc với chế độ tiền lương, đãi ngộ hoàn toàn khác xa lời hứa hẹn. Họ đã phải sống “vật vờ” ở đây trong một thời gian dài.

Công việc vất vả, khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn nhưng các lao động không được nhận đồng lương nào. Anh Tô Văn Cường cho biết: “Mỗi tháng anh em mỗi người chỉ được nhận một khoản tiền nhỏ mà chủ lao động đưa cho làm tiền ăn và mua vật dụng sinh hoạt, ngoài ra chúng tôi không hề nhận được đồng lương nào nữa. Anh em phải làm việc cực nhọc mà không được ăn uống đầy đủ, làm từ sáng đến 3 giờ chiều mới được ăn cơm trưa. Cơm ăn thì không đủ no, gạo dùng để nấu cơm là loại gạo hư bị ẩm mốc, mối mọt. Có những ngày chúng tôi phải nhịn đói, chỗ ở thì chỉ là ngôi nhà hoang, anh em lại phải thường xuyên đối mặt với nạn cướp bóc trấn lột, bị cướp hết tiền cũng như đồ ăn, có khi bị đe dọa đến tính mạng…”.

Sau nhiều ngày chịu đựng, các lao động gọi điện về cho ông Hà yêu cầu ông này phải đưa họ về nước.

Tiền mất tật mang

Vào ngày 20/5/2013, trong số những lao động được ông Hà đưa qua Angola, có 7 người là anh Tô Văn Mãi, Tô Văn Cường, Tô Văn Phúc, Phạm Văn Hòa, Mai Văn Huần, Triệu Văn Tuấn và Nguyễn Văn Ngãi đã được ông Hà mua vé máy bay đưa về nước.

Anh Tô Văn Phúc do một thời gian sống vất vả nơi xứ người nên trong chuyến bay trở về, anh đã phải cấp cứu hai lần, xuống sân bay Nội Bài anh tiếp tục phải cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải (Hà Nội). Đến nay anh Phúc vẫn phải thường xuyên nhập bệnh viện do bị các cơn sốt rét hành hạ.

Anh Tô Văn Cường đang trình bày sự việc.
Các lao động cũng như các gia đình có con em sang Angola tại buổi hòa giải do của UBND xã Ngư Lộc tổ chức giữa hai bên liên quan.

Trường hợp của anh Phúc còn may mắn hơn anh Bùi Thanh Xuân, con ông Bùi Anh Tái. Được về nước sớm hơn so với các lao động trên nhưng gần một tháng qua anh Xuân phải thường xuyên nằm viện để cấp cứu do các cơn sốt rét liên tiếp hành hạ. Gặp chúng tôi ông Tái cho biết: “Từ hôm cháu về đến giờ gia đình tôi phải đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện, bị tiêm nhiều nên giờ cháu bị liệt mất một chân trái”.

Các lao động trên đã có đơn kêu cứu gửi đến UBND xã Ngư Lộc nhờ giải quyết. UBND xã Ngư Lộc đã mời các lao động cùng ông Hà lên viết bản tường trình sự việc và đứng ra hòa giải giữa hai bên, tuy nhiên không có kết quả. Ông Hà một mực cho rằng mình không hề liên quan đến việc các lao động không có việc làm tại Angola và cho rằng đây là hợp đồng người lao động ký với công ty, ông Hà chỉ là người tư vấn đưa lao động đi Angola và chịu trách nhiệm bồi thường 50 triệu đồng. Tuy nhiên các lao động không đồng ý mức bồi thường trên.

Thái Bá