1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

7 công trình nước sạch mà vẫn… khát

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, người dân xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dù xã đã xây dựng tới 7 công trình nước sạch với tổng đầu tư 350 triệu đồng.

Do đặc điểm nguồn nước ngầm của xã Duy Vinh bị nhiễm phèn, mặn nặng, nên từ năm 1997 đến năm 2000, được sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, xã Duy Vinh đã xây dựng 7 công trình nước sạch. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ còn 5 cái hoạt động, đáp ứng cho khoảng gần 50% số hộ dân sử dụng cho việc giặt giũ, tắm rửa, còn trên 80% người dân thiếu nước uống và nấu ăn.
7 công trình nước sạch mà vẫn… khát - 1
Toàn bộ giếng nước trong xã đều bị nhiễm phèn, mặn nặng.

Chị Trần Thị Thu ở thôn 2, xã Duy Vinh cho hay: Công trình nước ấy bây giờ ít người dùng rồi, họ chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ thôi, còn nước để ăn uống vẫn phải mua từ một “tiệm nước” trong chợ Thạch Bàn.

Theo chị, mặc dù gọi là công trình nước sạch nhưng chỉ lọc nước cho trong thôi, chất phèn còn rất nặng mùi trong nước, hơn nữa, công trình đưa vào sử dụng lâu năm mà không cải tạo, nâng cấp nên hệ thống ống cũng bị hư hỏng, làm cho cát, đất cũng chui vào theo dòng nước đục về nhà dân.

Vì thế lâu nay, nhà chị Thu không dùng nguồn nước này mà tự bơm nước lên rồi mua một hệ thống lọc nước phèn cơ bản để phục vụ tắm giặt, còn nước uống, nấu ăn phải mua lại từ xã bên cạnh.

Chị Nguyễn Thị Ngữ ở thôn 2 cũng cho biết, do ít người nên nhà chị mỗi ngày dùng hết một thùng nước. Mỗi gánh nước (2 thùng) có giá 3.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng nhà chị dùng hết khoảng 45-50 ngàn tiền mua nước để uống và nấu ăn.
7 công trình nước sạch mà vẫn… khát - 2
Hàng ngày nhiều người dân vẫn phải sang xã bên mua từng bình nước như thế này về nấu ăn và uống.
 
Ngoài ra, nhà chị bình quân phải trả mỗi tháng 20.000 đồng tiền nước mua lại từ các công trình “nước sạch” của xã (mỗi khối nước có giá 2.500- 3.000 đồng) để đáp ứng nhu cầu tắm giặt. Tuy nhiên, nguồn nước từ các công trình nước sạch này cũng chỉ “trong hơn nước tự nhiên chứ chất phèn, mặn trong nước thì gần như nguyên vẹn”.
 
Anh Nguyễn Văn Hưng, xóm 2, cũng cho biết: “Trước đây nhà tôi dùng mỗi tháng hết 15m3 nước và phải qua 2 bể lọc thì mới giảm bớt độ phèn. Nhưng không hiểu mấy năm nay nước bị nhiễm phèn nặng và đục ngầu không thể dùng nấu ăn được nữa, miễn cưỡng lắm chỉ dùng để tắm giặt”.

Trao đổi với ông Nguyễn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã được biết: Duy Vinh là địa phương có nguồn nước bị nhiễm phèn nặng 100%, điều này không chỉ gây khó khăn lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt của bà con. Nếu 7 công trình nước sạch kia hoạt động có hiệu quả thì sẽ cung cấp đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho gần 2.400 hộ dân của xã.

7 công trình nước sạch mà vẫn… khát - 3
"Nước sạch" nhưng chỉ trong hơn chứ chất phèn, mặn trong nước thì gần như nguyên vẹn.
 
Cũng theo ông Sáu, về việc quản lý các công trình nước trên, xã đã giao khoán cho 7 chủ quản lý để kinh doanh. Theo đó, các hộ dân sử dụng nguồn nước từ các công trình này phải trả mỗi khối nước là 2.500-3.000 đồng. Tuy nhiên do chất lượng công trình kém, sau một thời gian hoạt động lại xuống cấp nghiêm trọng nên càng ngày lượng người mua nước từ các công trình này cũng đang giảm dần. Điều này đã và đang đẩy các ông chủ kinh doanh nước rơi vào cảnh lao đao vì liên tục phải bù lỗ.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam lại cho triển khai một dự án công trình nước sạch mới đặt tại xã Duy Nghĩa có tổng vốn đầu tư là 3 tỉ đồng. Khi đưa vào sử dụng,  công trình sẽ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 350 hộ dân tại thôn Đông Bình. Câu hỏi đặt ra là, hơn 2.000 hộ dân còn lại của Duy Vinh vẫn tiếp tục sống cảnh "khát" đến bao giờ?

Trọng Huy