Đồng Nai:
640 tỷ đồng để thay mới 500 "xe buýt sạch"
(Dân trí) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa làm việc với các sở, ngành và Công ty vận tải Sonadezi về dự án đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG), theo đó, dự án sẽ đầu tư thay mới hơn 500 xe buýt dùng khí CNG với kinh phí trên 640 tỷ đồng.
Theo tính toán của công ty vận tải Sonadezi, chủ đầu tư dự án, nếu sử dụng 500 xe buýt CNG thay cho xe buýt sử dụng dầu diesel trên 5 tuyến cố định và các tuyến đưa rước công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà công ty đang đảm nhận, mỗi năm, lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường giảm trên 227 tấn khí.
Ngoài ra, trung bình mỗi năm 1 xe buýt sử dụng nguồn nhiên liệu này có thể tiết kiệm được 14 triệu đồng so với sử dụng nhiên liệu diesel. Tính chung cho toàn mạng lưới khi sử dụng khí CNG, mỗi năm có thể tiết kiệm được gần 8 tỷ đồng tiền nhiên liệu.
Trong buổi làm việc với các sở, ngành và Công ty vận tải Sonadezi về dự án đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG vào ngày 20/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn về dự án sẽ đầu tư, thay mới hơn 500 xe buýt dùng khí CNG với kinh phí trên 640 tỷ đồng. Ngoài ra, trên nhiều tuyến xe buýt sẽ được xây dựng các trạm nhiên liệu khí CNG.
Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 tuyến xe buýt, trong có có 5 tuyến trợ giá, 20 tuyến không trợ giá. Tổng chiều dài các tuyến là hơn 1.339km; tổng số xe buýt đăng ký hoạt động là 442 xe với số chỗ ngồi trên 21.000 chỗ.
Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1.300 xe khách tham gia đưa rước trên 65.500 công nhân làm việc tại 30 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Con số này chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đưa rước của lực lượng công nhân. Các phương tiện xe buýt, xe đưa rước công nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng nhiên liệu dầu diesel. Theo quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, đến năm 2020 trên địa bàn sẽ 36 tuyến xe buýt nội tỉnh, 13 tuyến lân cận, tổng chiều dài trên 1.700km; số lượng phương tiện 716 xe.
Ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở giao thông Vận tải Đồng Nai cho rằng, việc sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu khí CNG nhằm giảm khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có biện pháp chế tài, chưa đề ra chính sách xử lý hay thu phí để xử lý khí thải do phương tiện giao thông phát thải. Do đó, chưa thể nói hiệu quả kinh tế mà việc sử dụng phương tiện vận tải dùng khí CNG mang lại cho doanh nghiệp đầu tư trong việc giảm lượng khí thải. Nhưng dự án này có ý nghĩ tích cực về mặt xã hội đó là nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, việc đầu tư hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí CNG có nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Vì vậy, chủ trương đầu tư hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG trong tương lai là chủ trương đúng đắn, cần được khuyến khích.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty vận tải Sonadezi và thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương (hai địa phương đang thực hiện dự án thay mới xe buýt sử dụng khí CNG) để thống nhất các phương án đầu tư đồng thời thống nhất đưa ra các kiến nghị về chính sách đối với Chính phủ về thực hiện thí điểm sử dụng xe buýt dùng nhiên liệu khí CNG.
Thủy Vĩnh