1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6.200 ca nhập viện do đánh nhau dịp Tết: Lỗ hổng trong giáo dục văn hóa?

(Dân trí) - “Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là do văn hóa ứng xử của bộ phận không nhỏ con người Việt Nam hiện đại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tôi tin rằng số ca nhập viện trên là do nhiều người đã sử dụng men rượu…” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Trong dịp nghỉ Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu ngành y tế báo cáo kết quả về số ca nhập viện do đánh nhau, ẩu đả trên phạm vi cả nước. Và con số mà ngành y tế đưa ra lên đến 6.200 ca nhập viện, trong đó có 15 trường hợp đã tử vong do đánh nhau, ẩu đả trong mấy ngày nghỉ Tết.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này và liệu có giải pháp nào ngăn chặn được tình trạng này? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

6.200 ca nhập viện do đánh nhau dịp Tết: Lỗ hổng trong giáo dục văn hóa?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: "Nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ ẩu đả trong dịp Tết vừa qua là do văn hóa ứng xử đang bị xuống cấp"

Con số 6.200 ca nhập viện, trong đó có 15 trường hợp đã tử vong, do liên quan đến hành vi đánh nhau, ẩu đả diễn ra trên phạm vi toàn quốc chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đây là con số lần đầu tiên ngành y tế công bố theo yêu cầu của Chính phủ. PGS có đánh giá gì về con số này?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Do đây là lần đầu tiên ngành y tế công bố theo yêu cầu của Chính phủ, nên những năm trước đó chúng ta không biết. Vì vậy ta không có dữ liệu để so sánh với những năm trước đó. Nhưng với con số 6.200 ca nhập viện, 15 trường hợp đã tử vong do liên quan đến hành vi đánh nhau, ẩu đả mà chỉ diễn ra trong mấy ngành nghỉ Tết thì thực sự là con số báo động. Ta làm một phép toán đơn giản, lấy con số trên chia cho 9 ngày nghỉ Tết, thì trung bình mỗi ngày có tới gần 700 ca nhập viện do đánh nhau, gần 2 người đã tử vong liên quan đến hành vi này. Thực trạng này đang vẽ lên một “bức tranh” rất đáng buồn cho không gian xã hội, không gian văn hóa, không gian giao tiếp của con người Việt Nam hiện đại.

Vậy theo PGS đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này?

Có rất nhiều nguyên nhân cộng lại dẫn đến những hành vi này, nhưng theo tôi nguyên nhân sâu xa là do văn hóa trong cách ứng xử của bộ phận không nhỏ con người Việt Nam hiện đại đang bị lệch chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng. Lẽ ra những ngày nghỉ Tết là thời điểm con người ta được nghỉ ngơi, tổng kết lại 1 năm, rồi ăn uống sum vầy; họ phải ở trong trạng thái thăng hoa rạng rỡ, giao tiếp với nhau bằng nụ cười thay vì nắm đấm, hung khí…

Nhưng chúng ta có thể nhìn thấy thực trạng là trong mỗi dịp Tết đến, rất nhiều người đã sử dụng rượu bia. Trong trạng thái mất kiểm soát, mượn rượu để làm càn, có những vấn đề người ta tích cóp từ lâu đến lúc mượn chén rượu để nói ra, không nhịn được, không có sự kiểm soát mình, không có văn hóa kiểm soát bản năng, tức khí, ích kỷ của bản thân là dễ dẫn đến ẩu đả ngay.

Thời gian vừa qua, theo số liệu thống kê của ngành công an, tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tôi tin chắc rằng, trong số 6.200 trường hợp nhập viện nêu trên thì giới trẻ sẽ chiếm 1 tỷ lệ đáng kể.

Giáo dục văn hóa cho giới trẻ hiện nay đang rất phiến diện, một số chức năng giáo dục con trẻ của gia đình đang bị suy giảm như: chức năng giáo dục, chức năng chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Trước kia gia đình người Việt thường rất cầu kỳ, chỉn chu, nắn nót trong giáo dục con trẻ. Nhưng ngày nay, các thành viên trong gia đình đang bị “giằng xé” bởi 1 loạt các mối quan hệ xã hội, họ ít quan tâm tới nhau hơn, người ta mải lo làm ăn tăng trưởng, phó mặc giáo dục con em họ cho nhà trường, cho xã hội nhiều hơn.

Ngày nay nhà trường lại chỉ lo dạy “chữ”, ít quan tâm đến dạy người hơn. Người ta đang trở nên chuyên nghiệp hơn đối với bài giảng của họ, chuyên nghiệp hơn đối với hoạt động tìm cách bán cái năng lực dạy học, dạy chữ của họ để có thu nhập nhiều hơn là chăm lo đến con người học sinh.

Giới trẻ thì thường thích thể hiện mình, khi chưa được giáo dục đầy đủ, bị đứt gãy trong hệ giá trị xã hội, tôn thờ xu hướng chủ nghĩa cá nhân, chạy theo đồng tiền,… cùng với sự lơ là trong giáo dục trong gia đình như nói trên. Giới trẻ họ đang thiếu sự sâu sắc, thực ra nếu muốn được sâu sắc người ta phải trải nghiệm, nhưng trải nghiệm buộc lòng phải đi qua những kinh nghiệm của những thế hệ đi trước; hoặc các thiết chế xã hội như đoàn đội giúp giới trẻ trang bị. Nhưng tất cả các lĩnh vực đều đang có sự hời hợt, bởi ta đang trải ra rất nhiều mối quan tâm. Thế thì cộng tất cả chúng ta có được “bức tranh” chung của giới trẻ hiện nay khá phức tạp. “Lỗ hổng” trong giáo dục văn hóa cho giới trẻ là nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn thiếu văn hóa của họ.

Theo quan điểm của PGS thì liệu có giải pháp nào “điều trị” được thực trạng này?

Chúng ta thường nói vui là “chữa bệnh” cho xã hội. Thế thì trong trường hợp này với con số 6.200 ca nhập viện nêu trên thì tôi nghĩ “bệnh” cũng tương đối nặng rồi (cười). Trong y tế, bệnh nặng thì phải dùng thuốc tây, thậm chí nếu thuốc không được phải tiến hành nhiều biện pháp khác mạnh hơn để cứu chữa. Trong trường hợp này, chúng ta phải tăng cường các hình phạt nghiêm minh hơn, đủ sức răn đe mạnh hơn đối với các hành vi ẩu đả, đánh nhau; để thói côn đồ, hung hãn trong cách giải quyết mâu thuẫn bị đẩy lùi. Ngoài ra, phải “đông – tây y kết hợp”, chúng ta phải nhìn nhận đúng và khắc phục những chỗ chưa được trong giáo dục văn hóa đạo đức cho giới trẻ như đã nêu trên.

Đồng thời, xã hội cần tích cực chung tay đẩy lùi những tiêu cực, nạn tham nhũng. Để tạo ra môi trường sống thực sự công bằng, dân chủ, văn minh cho con người. Khi đã có công bằng, dân chủ thì sẽ không còn chỗ cho bực dọc, ấm ức trong mỗi con người và sẽ hạn chế rất nhiều những vụ ẩu đả như trên.

Xin cảm ơn PGS!

Nguyễn Dương (thực hiện)