600 người ra nước ngoài học vận hành tuyến đường sắt trên cao
(Dân trí) - Để vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, cần khoảng 600 người. Do đây là công nghệ mới nên tất cả được gửi sang Trung Quốc đào tạo.
Ngày 9/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã thông tin tới báo chí kết quả thực hiện và tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Vì sao đội vốn 339 triệu USD
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, với 12 nhà ga. Đây là đường sắt đôi - khổ 1435mm, có tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, thời gian chạy 1 chuyến khoảng 23,6 phút, lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ tương đương hơn 1 triệu người/ngày.
Về mức tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 552,86 triệu USD song đến thời điểm hiện tại, tổng mức điều chỉnh dự án lên gần 892 triệu USD. Điều đó có nghĩa là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tăng thêm hơn 339 triệu USD. Đây được coi là dự án ODA phát sinh nhiều nhất từ trước cho tới nay.
“Ban đầu khi mới về, nhìn những con số phát sinh nâng mức tổng chi phí dự án tôi cũng băn khoăn. Tuy nhiên, khi đã nghiên cứu kỹ tình hình thì đều có thể lý giải được”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt chia sẻ về việc mới nhậm chức được 2 tháng.
Theo ông Hùng, con số hơn 339 triệu USD tăng thêm so với tổng mức đầu tư ban đầu là dành cho rất nhiều các hạng mục của dự án chứ không chỉ riêng phần xây lắp. Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội, đến ngày 17/4 vừa qua Thủ tướng đã chấp thuận về chủ trương, giao Bộ GTVT tổ chức thẩm định, quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền.
Không còn đường lùi
Thời gian thực hiện ban đầu của dự án được dự kiến sẽ hoàn vào cuối năm 2013 nhưng sau khi phát sinh những khó khăn, đặc biệt là việc đội tổng mức đầu tư cũng như những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, các đơn vị chức năng đã chốt hạn chót là cuối năm 2015 sẽ đưa tuyến đường sắt đầu tiên ở Hà Nội vào khai thác.
Liên quan đến vấn đề nhân lực, ông Hùng cho biết, triển khai dự án này chỉ có nhà quản lý là người Trung Quốc, còn toàn bộ lao động và nhà thầu phụ là của Việt Nam. Số người tham gia dự án từ Trung Quốc hiện nay vẫn làm việc bình thường, và thậm chí tiến độ còn đẩy nhanh hơn.
Cũng theo quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, tổng số lao động để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 600 người. Toàn bộ số lao động này sẽ được đi đào tạo nghiệp vụ ở Trung Quốc. Tổng mức chi phí đào tạo là 5 triệu USD.
Trước mắt trong tháng 9 này, đơn vị sẽ bắt đầu đưa 37 lái tàu sang Trung Quốc đào tạo, thời gian đào tạo nhiều nhất 315 ngày. “Toàn bộ kinh phí đào tạo đều nằm trong kinh phí dự án và đã tính toán đầy đủ”, ông Hùng cho biết.
Hiện Ban quản lý dự án đường sắt và Hà Nội đang thảo luận về việc trả lương những người được cử đi đào tạo như thế nào cho hợp lý. “Khi họ về nước và chờ việc thì có được trả lương không, nếu không trả lương mà họ đi làm việc khác thì cũng gay go”, ông Hùng bày tỏ băn khoăn.
Ông Hùng cho biết, khi các tuyến đường sắt đô thị khác của Hà Nội hoàn thành thì chỉ cần tuyển thêm một số lao động. Phần lớn số lao động được cử đi Trung Quốc học tập để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng sẽ được đưa vào vận hành những tuyến đường sắt trong tương lai của Hà Nội chứ không cần tuyển nhiều như đợt này.
Quang Phong