1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

6 tạ thóc và sự an toàn của gần 100 học sinh

(Dân trí) - Nhiều người vẫn còn băn khoăn, lạ lẫm về cái “nghề” dẫn hàng trăm học sinh qua đường mỗi lúc trẻ đi học hay tan lớp của ông Hồ Văn Điều ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Lạ một phần vì việc làm đáng quý ấy của ông Điều chỉ được trả “lương” 6 tạ thóc/năm.

Nhiều học sinh thiệt mạng khi sang đường

 

Trường tiểu học Quỳnh Văn B (huyện Quỳnh Lưu) nằm cách Quốc lộ 1A chừng 100m. Hằng ngày, để đến lớp, gần 100 học sinh ở xóm 9 và 10 của xã phải vượt qua quốc lộ. Do còn nhỏ, chưa đủ tuổi tự bảo vệ mình nên đã có nhiều em gặp tai nạn khi sang đường, trong số đó nhiều em đã thiệt mạng.

 

Tiếp chúng tôi tại trường, thầy hiệu phó Nguyễn Đình Dinh lặng người khi nhớ lại những vụ tai nạn mà các em học sinh là nạn nhân: “Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên vụ tại nạn đầu năm học 2006-2007...”.

 

Cho đến tận bây giờ, thầy Dinh vẫn cất giữ cuốn sổ học bạ của em học sinh xấu số ấy như là một kỷ vật quý giá. Đó là em Hồ Thị Nhung, sinh năm 1997, khi gặp tai nạn, em đang học lớp 4. Sáng hôm đó, Nhung đi xe đạp, phía sau đèo em nhỏ đến trường. Đến đoạn vượt qua Quốc lộ 1A để vào trường, đứa em nhảy xuống, Nhung tiếp tục đi. Chiếc xe ôtô chạy hướng Hà Nội - TPHCM ào tới, cuốn Nhung và chiếc xe đạp, kéo lê gần chục mét.

 

Hiện em trai của Nhung đang học lớp 2 ở trường. Mỗi ngày đến lớp, em lại đi qua nơi chị mình đã ra đi mãi mãi. Trước em Nhung, một học sinh lớp 3 của trường khi đi học về cũng bị xe cán thiệt mạng.

 

“Trường mới thành lập hơn 5 năm nhưng đã có hơn 6 em học sinh đã qua đời vì tai nạn giao thông khi sang đường để đến trường. Số học sinh bị thương còn nhiều hơn thế vì hàng ngày có xấp xỉ 100 em học sinh phải qua đây. Nay thì ổn rồi vì đã có người dẫn đường đưa các em qua lại…”.

 

“Chữ Tâm kia lớn hơn 6 tạ thóc”

 

Ông Hồ Văn Điều sinh năm 1959, năm 1976 làm công nhân mỏ than ở Quảng Ninh. Năm 1986, ông nghỉ việc. Hai vợ chồng có 5 sào ruộng, mỗi năm cũng chỉ được gần 5 tạ thóc.

 

Vợ chồng ông có 4 người con, con đầu hiện đang học Đại học Nha Trang (Khánh Hòa), người con thứ 2 đã đi làm, con thứ 3 đang học một trường cao đẳng và cháu út đang học lớp 10 trường làng.

10 giờ 30 phút một ngày nắng chói chang. Như thường lệ, ông Hồ Văn Điều lại ra đứng gần sát mép QL1A để đưa các em học sinh qua đường. Trong trang phục quân nhân, miệng thổi còi, tay cầm cờ phất lên ra hiệu mỗi lúc đưa học sinh qua đường, trông ông oai phong lắm. Mỗi tốp học sinh đến, ông lại thận trọng nắm tay các cháu, giữ đứng sát mép đường, chờ cho hết xe qua lại mới dắt các em qua. 

 

Cứ thế, ngày nào ông Điều cũng như con thuyền nhỏ đưa các em cập bến bình yên. Ông bảo: “Mỗi buổi đưa đón như thế này, không biết bao nhiêu lượt tôi phải qua lại vì học sinh không đến lớp theo đoàn mà đi lẻ tẻ. Mỗi sáng cứ qua lại như thế, đưa gần 100 em qua đường. Tuổi các cháu còn nhỏ nên rất hiếu động, chỉ lơ là là chúng lại vụt qua liền, rất nguy hiểm”. Câu chuyện đến đây thì bị ngắt quãng vì lại có tốp học sinh chuẩn bị qua đường.

 

Buổi sáng 7 giờ học sinh vào lớp thì ông đến lúc 6 giờ 30 phút, trưa 11 giờ học sinh tan lớp thì ông đến lúc 10 giờ 30 phút để kịp đưa các cháu qua lại. Ông Điều bảo: “Giờ giấc là thế nhưng nhiều đêm trằn trọc không sao ngủ được. Cứ lo các cháu lại đi học hoặc về sớm mà mình chưa ra kịp thì nguy”. Vì thế nên nhiều hôm trời vừa tảng sáng ông đã ăn mặc chỉnh tề và ra đứng chờ đón các em. Lại có hôm buổi trưa chưa kịp ăn thì đã đến giờ các em đi học buổi chiều. Lại có nhiều em mải chơi, tan học chưa chịu về, ông phải đi tìm giục sang đường, về nhà...

 

“Từ khi ông Điều làm thì không xảy ra tai nạn nữa. Các cháu cũng rất yên tâm khi đến lớp”, một phụ huynh học sinh tâm sự.

 

Quệt vội giọt mô hôi, ông Điều nhoẻn cười khi chúng tôi đề cập đến khoản tiền thù lao: “Được mấy đâu anh, cái tôi được nhiều nhất là hàng trăm học sinh được an toàn mỗi lúc đến lớp”.

 

Chúng tôi biết, bắt đầu từ năm 2006, ông Điều được UBND xã Quỳnh Văn ký hợp đồng làm công việc này. Tiền công là 6 tạ thóc/năm. Trả lời thắc mắc của tôi về chuyện “lương thấp”, ông Điều cười nhân hậu: “Chữ tâm kia còn lớn hơn 6 tạ thóc”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa