5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần sẽ tiếp tục lên bàn ăn?
(Dân trí) - Chẳng những chưa thể có biện pháp xử lý triệt để số heo bị tiêm thuốc an thần, cơ quan chức năng còn "để ngỏ" khả năng tiếp tục cấp phép để số heo trên lên bàn ăn của người dân. Trong khi trách nhiệm của những người liên quan còn bỏ ngỏ thì kẻ vi phạm chỉ bị phạt hành chính.
Vụ việc hơn 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á huyện Củ Chi chẳng những đang gây hoang mang mà còn tạo ra sự phẫn nộ trong dư luận. Người tiêu dùng cho rằng, họ không chỉ bị những kẻ gian thương đầu độc mà còn bị chính cơ quan chức năng – cụ thể là những người được dân đóng thuế để trả lương “phản bội” hoặc “thờ ơ, vô trách nhiệm”.
Sau vụ việc “động trời” được ngành Công an – Nông nghiệp phối hợp điều tra, phanh phui, ngày 30/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp báo tại Chi cục Thú Y, TPHCM thông tin sơ bộ về bê bối trong ngành chăn nuôi, buôn bán mặt hàng heo thịt.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, vụ việc khởi nguồn từ những phản ánh của quần chúng nhân dân về việc cơ sở giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi, TPHCM) có hành vi tiêm thuốc an thần đồng loạt cho heo trước khi giết mổ. Sau khi kiểm chứng sơ bộ về thông tin từ quần chúng, Bộ Nông nghiệp đã phối hợp với cơ quan công an tiến hành các bước thâm nhập thực tế, điều tra.
Sau hơn 1 tháng cử lực lượng trinh sát tinh nhuệ bám trụ địa bàn, tiếp cận và nắm bắt chi tiết những hoạt động tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, tối 28, rạng sáng ngày 29/9 lực lượng thanh tra liên ngành đã ập vào kiểm tra đột xuất đối với cơ sở trên. Tại hiện trường, nhiều vỏ hộp thuốc có chứa dung dịch màu vàng (ban đầu nghi là thuốc an thần) và bình truyền dịch sử dụng cho loại kim tiêm có khả năng chích hàng loạt heo trong thời gian ngắn...
Ông Tiến Dũng cho biết, thời điểm kiểm tra, nhiều hộ giết mổ không thừa nhận việc tiêm thuốc cho heo với những hành vi “chối tội”. Ngay lập tức, lực lượng thanh tra đã tiến hành lập biên bản lấy mẫu gửi kiểm nghiệm, đến lúc này phần lớn các hộ giết mổ đã thừa nhận hành vi tiêm thuốc an thần cho heo ngoài chỉ định của ngành thú y.
Ngày 30/9, kết quả kiểm nghiệm của cơ quan điều tra xác định trong nước tiểu, mẫu máu và thịt của heo dương tính với Acepromazine. Đây là loại thuốc có tác dụng chống co giật, an thần, giảm đau, chống stress, trị viêm da mẩn ngứa, dị ứng cho động vật. Các loại thuốc này được đăng ký sử dụng trong thú y để chữa bệnh cho động vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng không được phép sử dụng vào mục đích khác. Hoạt chất của Acepromazine có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, thường được sử dụng tiền gây mê trong phẫu thuật.
Ông Tiến Dũng khẳng định, Acepromazine không nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng trong thú y. Tuy nhiên, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ là trái chỉ định của nhà sản xuất thuốc, đây là hành động đáng lên án. Việc tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ ban đầu được xác định không nhằm mục đích tăng cân, gian lận thương mại nhưng sẽ làm cho con vật ngủ li bì, không đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng, làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật không kêu, không bị cắn lẫn nhau...
Nếu con người sử dụng thường xuyên thịt động vật có chứa chất Acepromazine sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, hội chứng thận hư, bệnh thần kinh, đãng trí, trầm uất, run chân tay... Những hậu quả trên sẽ gây ra gánh nặng về chi phí y tế, làm suy thoái chất lượng giống nòi, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thống kê của cơ quan điều tra cho thấy tại thời điểm kiểm tra đột xuất có 3.750 trong tổng số 5.231 con heo tại lò mổ Xuyên Á đã bị tiêm thuốc an thần. Đây là lò mổ lớn nhất thành phố, số heo tại thời điểm thanh tra chiếm hơn 50% trong tổng số heo sẽ cung ứng ra toàn thị trường mỗi ngày.
Hành vi sai phạm đã rõ nhưng để xảy ra vụ việc trên là trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý là Chi cục Thú Y, TPHCM. Tuy nhiên, đến nay trách nhiệm và hình thức xử lý đối với những người có liên quan vẫn chưa được nhắc tới. Có hay không sự cấu kết bảo kê cho sai phạm trên của cơ quan quản lý nhà nước còn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về hình thức xử lý đối với những kẻ sai phạm và lô heo bị chích thuốc an thần nêu trên, ông Tiến Dũng cho biết, những đối tượng sai phạm sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 30 đến 35 triệu đồng, hiện chưa có quy định về việc cấm lưu thông hoặc tiêu hủy đối với heo có chứa chất Acepromazine.
Toàn bộ số heo sai phạm đang được quản lý chặt chẽ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm lại nếu kết quả âm tính với loại chất trên thì số heo đang bị tạm ngưng lưu thông sẽ được cấp phép giết mổ để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, câu hỏi liệu heo đã bị chích thuốc an thần dù cho kết quả âm tính với Acepromazine có đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng hay không thì đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không đưa ra được câu trả lời.
Vân Sơn