1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

500 học sinh tham gia "Mô hình phiên tòa giả định" về giao thông

Hạnh Linh

(Dân trí) - Thông qua bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định", người dân có thể nhận thức rõ hơn về nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm về việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển.

Sáng 9/11, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức sự kiện truyền thông: "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông" thông qua bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định".

Tham gia sự kiện có 500 học sinh, sinh viên cùng phụ huynh và các thầy, cô giáo thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

500 học sinh tham gia Mô hình phiên tòa giả định về giao thông - 1

Tình huống theo vụ án được dựng lại trong "Mô hình phiên tòa giả định" (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ban tổ chức, chương trình nhằm đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nội dung sự kiện truyền thông chủ đề "Không giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông".

Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, khẳng định, chương trình truyền thông lần này là hoạt động thiết thực giúp mọi người hiểu rõ về tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật về trật tự ATGT nói riêng. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện lối sống văn minh, ý thức xã hội.

500 học sinh tham gia Mô hình phiên tòa giả định về giao thông - 2

Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Thành nhấn mạnh, trong 10 tháng qua, toàn quốc xảy ra hơn 19.700 vụ tai nạn giao thông, khoảng 9.000 người bị tước đi mạng sống, 15.000 trường hợp bị thương tật suốt đời, hơn 2.000 trẻ em bị thương tật. 

Hậu quả tai nạn giao thông để lại là nỗi đau dai dẳng cho nhiều gia đình, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, xã hội.

"Mô hình phiên tòa giả định là hình thức truyền thông trực quan, sinh động, có tính thực tiễn cao, khả năng lan tỏa sâu rộng, giúp người xem hiểu rõ được nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm", ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, thông qua "Mô hình phiên tòa giả định", nhiều người dân sẽ nhận ra việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là sự thiếu trách nhiệm với chính mình, gia đình và xã hội.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, truyền thông từ bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" là một bước tiến, một cách làm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.

Ông Thành đề nghị Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị sẽ nắm bắt và nghiên cứu áp dụng, triển khai mô hình này một cách hiệu quả và phù hợp, góp phần tạo nên một xã hội an toàn, văn minh.

500 học sinh tham gia Mô hình phiên tòa giả định về giao thông - 3

Học sinh tham gia giải đáp tình huống pháp lý từ "Mô hình phiên tòa giả định" (Ảnh: Thành Phan).

Tại chương trình, các đại biểu cùng học sinh, sinh viên theo dõi clip tình huống giao thông dẫn đến phiên tòa giả định xét xử vụ việc. Trong suốt quá trình tái hiện vụ việc, người dẫn chương trình đặt câu hỏi về pháp luật trật tự ATGT liên quan đến vụ việc để giao lưu, tương tác với các học sinh, sinh viên và các đối tượng tham gia chương trình.

Sau mỗi câu trả lời của các bạn học sinh, sinh viên, tổ chuyên gia về pháp luật (gồm Thẩm phán Tòa án nhân, Kiểm sát viên, lãnh đạo Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát giao thông, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa) đưa ra nhận xét, đánh giá, đồng thời định hướng, hướng dẫn các em trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT.

Theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản, hoặc làm chết người... có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.