DNews

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống

Hoài Sơn

(Dân trí) - Từ một thành phố hoang tàn vì chiến tranh, sau 50 năm giải phóng, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị hiện đại bậc nhất miền Trung.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống

Đà Nẵng giữ vị trí địa chiến lược vô cùng trọng yếu. Trong tiến trình lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, Đà Nẵng được ví như tuyến đầu, luôn đối mặt với những kẻ thù hung bạo nhất.

Tháng 3 năm 1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975 được ghi nhận là "kỳ tích" trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, từ đó, tạo thế và lực quan trọng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới cho Đà Nẵng.

Khởi đầu từ sự hoang tàn của chiến tranh

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bắt tay vào khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Theo cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng của Nhà xuất bản Đà Nẵng, cuối năm 1975 và trong năm 1976-1977, cùng với việc khai hoang, phục hóa, rà phá bom mìn, các cấp ủy đảng đã tích cực chỉ đạo vận động nhân dân di dời mồ mả, giải phóng đất đai cho sản xuất, gắn với việc quy hoạch lại ruộng đồng, làng xóm.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống - 1

Những khu nhà chồ mọc lên san sát trên sông Hàn (Ảnh: Ông Văn Sinh).

Đến năm 1976, toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khai phá được 2.000ha đất. Đến tháng 5/1977, cả tỉnh đã cơ bản hoàn thành các chiến dịch "rà phá bom mìn", tăng diện tích canh tác từ 57.000ha (năm 1975) lên hơn 122.700ha.

Còn theo tham luận của ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, tại Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống hào hùng - Đà Nẵng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới", trong giai đoạn 1975-2007, Đà Nẵng là một thành phố biển với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực phát triển kinh tế.

Thành phố giai đoạn này chỉ có một vài bãi tắm đơn sơ, bờ biển là những xóm chài nghèo. Sông Hàn chỉ được nhìn nhận là sự ngăn cách giữa đôi bờ với những xóm nhà chồ (lán trại trên sông) tạm bợ. Khu vực trung tâm đô thị chỉ nằm trong quận Nhất (nay là quận Hải Châu) và quận Nhì (nay là quận Thanh Khê).

Ngày đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém, đặc biệt là về giao thông. Trước năm 1975, Đà Nẵng chỉ có 2 cây cầu bắc qua sông Hàn là cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Phương tiện giao thông phổ biến qua sông Hàn là phà ngang.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống - 2

Cảnh quan đô thị hai bờ sông Hàn những năm 1980 (ảnh trên) và bây giờ (ảnh dưới) (Ảnh: Ông Văn Sinh).

Sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng (23-25/10/1997, thời điểm này Đà Nẵng đã tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam), Đà Nẵng đã bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đến năm 2003, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung….

Dựa trên cơ sở chiến lược đó, Đà Nẵng triển khai hàng loạt dự án, biến đô thị trở thành một "đại công trường". Hai dải ven biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn được giải tỏa, các cây cầu lần lượt được bắc qua sông Hàn.

Vươn mình với thương hiệu "thành phố đáng sống"

Tại lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố (29/3/1975 - 29/3/2025), ông Nguyễn Văn Quảng, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành một đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương.

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng để thành phố bước vào một giai đoạn phát triển mới nhưng cũng có nhiều thách thức.

Theo ông Quảng, trong mỗi ký ức của người dân thành phố chưa bao giờ phai mờ hình ảnh những năm tháng đầy gian khó, khi Đà Nẵng là đơn vị hành chính cấp 3 thuộc tỉnh, với xuất phát điểm thấp, quy hoạch rời rạc, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống - 3

Từ một đô thị nhỏ bé, đến nay Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2% (Ảnh: Hoài Sơn).

Trong điều kiện đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên bằng sự đổi mới tư duy với ý chí tự lực, tự cường và đạt được những thành tựu to lớn.

Kinh tế thành phố tăng trưởng khá qua các năm; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt hơn 9%/năm; so với năm 1997, quy mô nền kinh tế tăng khoảng hơn 45 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 25,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần.

Nét nổi bật nhất của thành phố là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; từ một đô thị nhỏ bé, đến nay Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước.

Đà Nẵng cũng đứng đầu cả nước về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; 5 năm liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành nên thương hiệu có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống - 4

Công viên APEC nằm bên bờ sông Hàn thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, khát vọng vươn xa của người dân Đà Nẵng (Ảnh: A Núi).

Cùng với sự phát triển về kinh tế, thành phố chú trọng phát triển đồng bộ, hài hòa lĩnh vực văn hóa, xã hội với những thành tựu quan trọng về văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể dục thể thao, văn học nghệ thuật...; nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng như Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, Liên hoan phim quốc tế.

Thành phố đã ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, vượt trội, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, trở thành thương hiệu của thành phố như: Chương trình "5 không", "3 có", "4 an"; thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi vượt trội đối với người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện miễn học phí cho tất cả các cấp học….

Thách thức về một thành phố mới sau 50 năm

Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố Đà Nẵng dự kiến sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, thành một thành phố trực thuộc Trung ương, có tên gọi thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng mới sẽ có quy mô rộng khoảng 12.000km2, dân số hơn 3 triệu người. Với diện tích mới này, dự kiến sau sáp nhập, Đà Nẵng sẽ có diện tích lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống - 5

Một góc của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hoài Sơn).

Sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng mới sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ và thuận tiện. Đường bộ có quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường ven biển xuyên suốt, kết nối qua 2 địa phương.

Ngoài ra, thành phố mới cũng có đường sắt Bắc - Nam chạy qua, sở hữu 3 ga đường sắt lớn (Chu Lai, Tam Kỳ, Đà Nẵng). Trong tương lai, thành phố Đà Nẵng mới cũng sẽ có 2 sân bay quốc tế (Đà Nẵng và Chu Lai), 3 cảng biển quốc tế (cảng Chu Lai, Tiên Sa và Liên Chiểu đang xây dựng); 2 di sản văn hóa thế giới, gồm đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng hiện hữu đang được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu. Đây là mô hình được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Khu thương mại tự do đóng góp trực tiếp 1-2% GRDP của Đà Nẵng, năm 2040 là 9,5% và năm 2050 là 17,9%. Số lượng lao động thu hút đến năm 2030 khoảng 21.000 người, năm 2040 khoảng 90.000 người và năm 2050 là 127.000 người.

50 năm từ căn cứ quân sự trở thành đô thị đáng sống - 6

Cảng biển Tiên Sa nằm tại thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Thành phố Đà Nẵng cũng được Bộ Chính trị giao chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực. Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp.

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 25/4, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, việc hợp nhất cũng mở ra cơ hội lớn để Đà Nẵng - Quảng Nam cùng tận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang có.

Ngoài yếu tố văn hóa và cơ chế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt lưu ý đến tinh thần đoàn kết giữa hai địa phương. Ông cho rằng đây là điều kiện tiên quyết để khai thác được tiềm năng, thực hiện thành công các chính sách sau hợp nhất.