50 năm trước cùng vào sinh ra tử, nay gặp nhau nước mắt hòa nụ cười!
(Dân trí) - Trong lất phất mưa bay, trong tiết trời giá rét cuối năm, những người lính năm xưa hành quân trở lại chiến trường. Ký ức của một thời hoa lửa ùa về trên những mái đầu đã ngả màu gió sương. Ngày gặp lại, nước mắt hòa lẫn nụ cười...
Tháng Chạp lất phất mưa bay. Trước tượng đài Bác Hồ (TP Vinh, Nghệ An), hàng trăm cựu chiến binh quần áo chỉnh tề, ngực lấp lánh huy chương uy nghiêm làm lễ xuất quân. Họ, những chàng trai một thời vào sinh ra tử, hôm nay trở về thăm chiến trường xưa. Bước chân và tâm thế hôm nay vẫn rạo rực như 50 năm về trước.
Trị - Thiên Huế, mảnh đất đã gắn với cả tuổi thanh xuân phơi phới ra đi vì nghĩa lớn, mảnh đất đã nhuộm đỏ máu của những người lính, của đồng đội, đồng chí đã ngã xuống hôm nay rực rỡ cờ hoa đón đoàn quân trở về. Gần 500 cựu chiến binh, đại diện cho hàng vạn chàng trai Phù Đổng đã từng chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Trị - Thiên Huế trên cả nước đã tề tựu về đây, mái đầu nhuộm màu sương khói rung rung theo những nhịp quân hành.
Những người lính năm xưa, gặp nhau tay bắt mặt mừng, vẫn mày – tao như thủa trước. Họ choàng đến, ôm nhau, những cánh tay xiết thật chặt, cười mà nước mắt cứ rơi. “Còn sống, gặp nhau đây là quý rồi”!
Gặp lại người chiến sỹ thân thiết ngày xưa, giờ đã là một sỹ quan công an về hưu, Đại tá Nguyễn Văn Thực (TP Vinh, Nghệ An) còn được nhận tấm ảnh mình và con trai. Tấm ảnh đen trắng, nhỏ xíu trong lòng bàn tay. Người lính già cầm tấm ảnh thanh xuân của mình, nắm thật chặt đôi tay của người em, người đồng đội cũ, bất ngờ vì món quà nhận được. Chiến tranh, giữa lằn ranh giới mong manh của sống và chết, họ đã trao nhau những kỉ vật thiêng liêng nhất của mình!
Những cười nói rổn rảng bỗng lặng thinh trước nghĩa trang mênh mông bia mộ. Những ngôi mộ có tên và chưa có tên, ngay ngắn như đoàn quân ngày xưa ra trận. Đôi mắt ai cũng nhòe đi. Giọt nước mắt của những người từng vào sinh ra tử, từng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, mặn chát nỗi đau.
“Đồng đội tôi nhiều người không trở về, nhiều người chưa tìm được mộ. Không biết họ nằm đâu giữa đất trời mênh mông này. Sáu người bạn thân của tôi ngã xuống trên đường tấn công vào sân bay Tà Cơn (Khe Sanh, Quảng Trị). Thằng Quản (liệt sỹ Nguyễn Ngọc Quản, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị một viên bom bi trúng vào má, chảy có 1 chút máu mà nó chết. Nó yếu quá, đói quá…!”, cựu chiến binh Nguyễn Gia Tuệ (SN 1942, E217, Sư đoàn 473, Đoàn 159) bật khóc.
Chiến tranh, những người lính chỉ có thể chôn vội đồng đội của mình rồi cuốn theo trận chiến. Bom đạn, sự biến thiên của lịch sử khiến nhiều ngôi mộ bị thất lạc, không tìm thấy.
Những người lính năm xưa vẫn đau đáu nỗi đau về những người đã ngã xuống, đang nằm lại đâu đó giữa chiến trường hay quy tập về nghĩa trang liệt sĩ với dòng chữ buốt nhói “liệt sĩ chưa biết tên”.
Cựu chiến binh Nguyễn Gia Tuệ quay mặt giấu nước mắt khi nhắc tới đồng đội đã ngã xuống trên đất lửa Quảng Trị
“Nghe gia đình Quản thông báo hài cốt đã được tìm thấy, đưa vào nghĩa trang nhưng hôm nay, đi suốt Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa tôi vẫn chưa tìm thấy mộ nó. Tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất là vào đây thắp cho nó một nén hương mà tìm mãi không thấy…”, ông Tuệ đưa bàn tay lên gạt vội dòng nước mắt đã lăn dài trên gò má nhăn nheo.
Người lính quân y Nguyễn Hữu Thu (quê Hà Đông cũ), trước ở đơn vị K53 (sau chuyển sang Quân giải phóng quân khu Trị - Thiên Huế) bước vội giữa những hàng mộ chí. Ba người đồng đội cùng nhập ngũ một thời điểm với ông, quê ở Nam Định tên là Thống, Thái, Liên đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất Quảng Trị.
Người lính quân y năm xưa dõi mắt theo từng hàng mộ, mong muốn tìm được những cái tên quen thuộc. Bóng ông liêu xiêu trong khói sương mờ ảo. Đồng đội của ông còn nằm nơi nao?
Cựu chiến binh Lê Văn Tuấn (SN 1938, quê huyện Yên Thành, Nghệ An) ngồi lặng trước ngôi mộ mang tên Nguyễn Hữu Diên (hi sinh năm 1971). “Nó là em trai, con người cô ruột của tôi. Cha mẹ nó cũng mất rồi. Anh em họ tộc cũng tìm khắp các nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang ở Đông Hà rồi mà không thấy em. Hôm nay tìm được em đây, vừa mừng, vừa thương nó quá, 19 tuổi nó đi, đi mãi không về…”, chòm râu trắng như cước rung lên…
Bước chân những người lính năm xưa bước thật nhẹ trên những lối đi ở các nghĩa trang, ở khu di tích thành cổ Quảng Trị như thể sợ chỉ đặt bước chân mạnh tí thôi, những đồng đội, đồng chí của họ đang yên nghỉ ở đây có thể choàng thức giấc.
Tiếng chuông thỉnh vang lên giữa thinh không, đàn bồ câu trắng chao lượn một vòng trên trời xám tháng Chạp, bay đến đậu trên bức tượng đài giữa Nghĩa trang quốc gia đường 9, im lìm. Thiếu tướng Võ Văn Chót - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4 ngước nhìn đàn chim, thầm thì “Đồng đội ơi, về đó phải không?”. Đôi mắt vị tướng đã kinh qua bao trận mạc như mờ đi, loang loáng nước.
“Hôm nay, chúng ta về đây tôn vinh truyền thống anh hùng, nghĩa tình sâu nặng của đồng bào Trị - Thiên Huế, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, các đồng chí đồng đội đã chiến đấu trên mảnh đất này. Đây cũng là dịp để chúng ta – những người từng tham gia chiến đấu còn sống đến với đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hi sinh vì dân, vì nước, vì độc lập tự do của dân tộc đang nằm vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...”, giọng ông như lạc đi.
Hoàng Lam