5 nguyên nhân khiến giao thông Việt Nam… chưa văn hóa

(Dân trí) - Văn hóa giao thông không phải là vấn đề nóng mà là vấn đề đang "sôi sùng sục", trong đó có 5 vấn đề mấu chốt khiến cho thực trạng giao thông của Việt Nam hiện nay “chưa văn hóa”.

Tại Hội thảo “Văn hóa giao thông - Trách nhiệm thuộc về ai?” diễn ra sáng nay (28/12) tại Hà Nội, rất nhiều quan điểm về văn hóa giao thông được đưa ra để trả lời cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai.

“Không phải là vấn đề nóng mà đang sôi sùng sục”

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội - cho rằng, văn hóa giao thông ở Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống, trước hết là ở người quản lý sau đó đến người dân. Đây không phải là vấn đề nóng mà là đang sôi sùng sục, không phải chỉ là thái độ, không chỉ là cách ứng xử.

Dẫn giải về quan điểm của mình, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đưa ra 5 yếu tố mấu chốt của thực trạng “chưa văn hóa” của giao thông Việt Nam. Vị này nhắc tới yếu tố đầu tiên là thể chế, cơ chế chính sách chất lượng chưa cao, từ nội dung xây dựng, định hướng chưa bám sát thực tiễn, chưa giám sát việc thực thi luật đã đề ra.

Giao thông Việt Nam thiếu cơ sở hạ tầng, thông thường với một đô thị triệu dân thì phải có xe điện, tàu điện nhưng không có tiền để thực hiện? Theo ông Nghiêm, đơn cử như mạng đường ở Hà Nội mới chỉ có 9% đất dành cho giao thông, 0,28 % đất dành cho bãi đỗ xe, thế thì khó khăn là tất nhiên.

“Thiếu ở đây là tiền, thiếu tiền dẫn đến thiếu cơ sở hạ tầng, khi thiếu cơ sở hạ tầng thì sẽ chen lấn và tranh giành nhau, vì vậy tất yếu là thiếu văn hóa” - ông Nghiêm cho biết.

Giao thông Việt Nam đang ở độ tuổi vị thành niên? (ảnh minh họa: Nguyễn Dương)
Giao thông Việt Nam đang ở độ tuổi vị thành niên? (ảnh minh họa: Nguyễn Dương)

Vấn đề khác là cấu trúc cơ cấu phương tiện giao thông, với 84,8% là phương tiện giao thông cá nhân (gồm cả xe máy và ô tô) thì tỷ lệ trong cơ cấu này dành cho phương tiện công cộng là rất ít, trong khi đó đường không có, không đáp ứng được. Bởi thế, khi cấu trúc phương tiện không hợp lý thì khó mà có văn hóa giao thông hợp lý.

Xét về năng lực quản lý, ông Nghiêm nhắc đến việc cho phát triển phương tiện 2 bánh một cách ồ ạt, cùng đó năng lực xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa nghiêm, đáng nói là kiểu anh hùng “núp” xử lý vi phạm gây bức xúc dư luận thì không thể nâng cao được văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội đặt vấn đề về việc giáo dục ý thức, vai trò cộng đồng, vai trò của người dân và trách nhiệm của các nhà quản lý chưa có kết quả nên giao thông chưa có văn hóa. “Tôi hi vọng chúng ta đừng đánh trống bỏ dùi, chỉ tìm ra trách nhiệm thuộc về ai còn không có giải pháp để xử lý và nâng cao trách nhiệm” - ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Quản lý nhà nước yếu kém, đừng đổi lỗi cho người dân!

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải: Văn hóa giao thông, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà nước, sau đó mới đến người dân, tự nhiên đổ cho người dân có văn hóa tham gia giao thông kém là không được.

“Nếu như hạ tầng giao thông tốt, đường sá rộng thì văn hóa của người tham gia giao thông cũng tốt, thậm chí không thua kém gì các nước. Luật pháp do nhà nước soạn ra, nếu luật pháp chặt chẽ thì văn hóa của người dân cũng tốt lên, người đại diện cho nhà nước là lực lượng cảnh sát giao thông nếu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ cao hơn” - ông Thủy cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm về văn hóa giao thông trước hết thuộc về nhà nước, sau đó mới là người dân
Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm về văn hóa giao thông trước hết thuộc về nhà nước, sau đó mới là người dân

Ông Thủy cho rằng, đa phần cảnh sát giao thông là tốt (CSGT), nhưng một số CSGT chưa nhận thức hết vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, tính văn hóa còn thấp nên tự cho rằng mình có quyền và có thể áp đặt người khác, mình có thể thể hiện tác phong thiếu văn hóa đối với người khác mà họ không thể làm gì được mình cả nên gây bức xúc cho người dân.

Còn người dân, phải nêu cao ý thức và chấp hành quy định là đúng, khi tham gia giao thông không uống rượu, không chạy nhanh vượt ẩu, không đi ngược chiều… đó là văn hóa giao thông. Có những trường hợp ý thức không cao nên vi phạm quy định giao thông, lúc này CSGT phải là người hướng dẫn, tuyên truyền, giúp đỡ để họ thực hiện đúng luật.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Hồng Sơn - Chuyên gia tại Bộ Tư pháp, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - nhấn mạnh đến trách nhiệm của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ còn nhiều vấn đề phải thực hiện.

“Là người đại diện cho pháp luật nhưng trong khi thực thi công vụ một bộ phận lực lượng CSGT có những hành vi chưa tốt gây bức xúc, cần chấn chỉnh quyết liệt, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra trong nội bộ hệ thống CSGT để phát hiện cho được những hành vi vi phạm. Theo tôi, phát hiện CSGT có biểu hiện tiêu cực cần đuổi ngay ra khỏi ngành, không phải e dè, biện hộ và xử lý nhẹ, mình không thiếu người... CSGT phải làm sao cho người dân hiểu và nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật” - ông Sơn cho biết.

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - cho rằng, văn hóa giao thông ở Việt Nam đang ở "độ tuổi vị thành niên" và cần 5-10 năm nữa mới có thể trưởng thành được.

Ông Trường cũng đưa ra ý kiến về sự khác nhau trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông ở Việt Nam và Nhật Bản: “Ở Nhật, khi ra đường nếu không may dẫm vào chân nhau thì người bị dẫm sẽ xin lỗi trước, lí do là vì mình lớ ngớ cản bước của người khác nên xảy ra chuyện. Còn ở Việt Nam, bất luận vì lí do gì cũng có một câu chửi “đi kiểu gì thế hả?”.

Châu Như Quỳnh