5 năm, số trẻ vị thành niên nạo hút thai tăng sáu lần
Đây là thực tế đáng lo ngại tại TPHCM được nêu ra tại Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam 2001 - 2005 hôm 9/9.
Theo đó, mức độ giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chững lại ở mức 21,7% (2002), 21,5% (2003), 20,2% (2004).
Hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi vẫn tiếp diễn khiến tỷ số giới tính khi sinh giữa nam và nữ có dấu hiệu gia tăng từ 106/100 theo điều tra 1/4/1989 lên 107 theo điều tra 1/4/1999, và 108 theo điều tra 1/4/2000.
Như vậy, mục tiêu của Chiến lược DS “Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005” đã không thực hiện được.
Ông Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ và TE cho rằng, mục tiêu này chỉ có thể hi vọng đạt được vào 2010 nếu công tác DS– KHHGĐ được triển khai quyết liệt, nghiêm túc hơn.
Một trong những nguyên nhân của thất bại là mức đầu tư cho công tác dân số còn thấp. Thù lao bình quân 25.000đ/người/năm là quá ít ỏi để có thể duy trì mạng lưới CTV DS địa phương.
Tiếp đó, là do sự nghèo nàn, đơn điệu cả về hình thức lẫn thể loại của các sản phẩm truyền thông, thiếu các sản phẩm truyền thông cho đồng bào thiểu số và các đối tượng có trình độ văn hóa thấp.
Cũng tại Hội nghị, ông Ian Howie, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cung cấp một số liệu giật mình: Thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, số trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) nạo hút thai tăng từ 300 ca năm 2000 lên 1.800 ca năm 2004.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức tăng số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18 - 49) lên 25 triệu người vào 2010. 1,2 - 1,8 triệu phụ nữ Việt Nam sinh con hàng năm làm nảy sinh nhu cầu lớn sử dụng các biện pháp tránh thai.
Ông Howie nhấn mạnh: "Không có nguồn tài trợ nào của tổ chức quốc tế có thể cung ứng được. Chính vì vậy, Nhà nước cần có một chiến lược quốc gia lâu dài và phù hợp hơn”.
Theo Mỹ Hằng
Tiền phong