1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

5 năm nữa, Hà Nội mới hết ngập?

(Dân trí) - Trong 10 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư nhiều tỉ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước nhưng Hà Nội hiện vẫn trong tình trạng hễ mưa là ngập. Trong buổi làm việc sáng qua (7/9), đoàn giám sát của HĐND thành phố và Sở GTCC đã cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này.

Đầu tư 200 triệu USD, vẫn ngập!

 

Trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2000 - 2010, thành phố phải cần tới 1,2 tỉ USD để đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước.

 

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 đã thực hiện theo quy hoạch này với kinh phí là 200 triệu USD. Dự án có các hạng mục chính như cải tạo 4 con sông thoát nước chính của thành phố là sông Lừ, Sét, Kim Ngưu và Tô Lịch, xây dựng 24 km cống thoát nước, xây dựng hồ điều hòa, trạm bơm Yên Sở, cải tạo các hồ nội thành để tăng khả năng thu nước…

 

Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, vẫn còn nhiều ý kiến nêu ra những tồn tại của dự án. Ông Lê Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - thắc mắc, trong giai đoạn 1 của dự án có gói thầu xây dựng kênh Linh Đàm nối từ hồ Linh Đàm ra hồ điều hòa Yên Sở, tại sao đến nay vẫn chưa được triển khai? Công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành xong 50% sao không làm đường ngay?

 

Ông Đặng Xuân Mùi - Bí thư Huyện uỷ Thanh Trì - lại cho rằng, muốn đánh giá được hiệu quả của dự án thì cần phải có báo cáo chi tiết của Công ty Thoát nước như lượng mưa hàng năm, các điểm úng ngập, thời gian ngập trước và sau khi dự án hoàn thành.

 

Ông Nguyễn Văn Nam, thành viên đoàn giám sát của HĐND thành phố, còn chỉ ra các điểm ngập nặng vẫn tồn tại sau khi dự án đã được đưa vào sử dụng như đoạn trước ga Hà Nội, trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng. Ông Nam còn cho biết, trong báo cáo năm 1997 có nói sẽ cải tạo 40 km cống, nhưng nay báo cáo chỉ có gần 24 km; xây dựng cải tạo 90 cầu qua sông, nay khi dự án hoàn thành chỉ có 10 chiếc. Phải chăng dự án chỉ tập trung giải quyết úng ngập các khu vực lớn, còn các khu vực nhỏ lẻ thì không quan tâm dẫn đến việc dự án triển khai xong thành phố vẫn ngập?

 

Có giải quyết hết các tồn tại?

 

Lý giải về những tồn tại trên, ông Lê Văn Dục - Phó Giám đốc Sở GTCC Hà Nội - cho biết, theo hiệp định ký với ngân hàng JIBIC (Nhật Bản) đến hết ngày 30/6/2005 là hết hạn giai đoạn 1 dự án thoát nước. Vì vậy một số gói thầu mà các đại biểu nêu trên như kênh Linh Đàm nối từ hồ linh Đàm ra hồ điều hòa Yên Sở, đường 2 bên sông Lừ, Sét... sẽ được triển khai vào giai đoạn 2 của dự án. Còn về việc thi công cống ít hơn so với báo cáo ban đầu là do 2 nguyên nhân: vướng giải phóng mặt bằng và nhiều đoạn cống chưa đủ điều kiện thi công.

 

Về việc hiện một số tuyến vẫn ngập sau khi hoàn thành giai đoạn 1, ông Dục cho biết: Do nút Ngã Tư  Sở đang thi công nên hướng thoát ra sông Tô Lịch của trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng bị ảnh hưởng. Việc cống hóa tuyến mương Cát linh - La Thành - Yên Lãng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thoát nước cho trục này. Trong thời gian tới, khi các công trình trên hoàn thành, việc thoát nước sẽ được cải thiện hơn.

 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 mới chỉ tập trung giải quyết việc thoát nước mưa chứ chưa giải quyết việc thoát nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước của Hà Nội vẫn còn thiếu rất nhiều. Bản quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hà Nội giai đoạn 2000 - 2010 đã lạc hậu, bởi lúc đó chỉ tính tới nước thải của 4 quận nội thành, nay thành phố đã phát triển thành 9 quận.

 

Sẽ triển khai giai đoạn 2 trong năm 2007

 

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 35,5 tỉ Yên Nhật (tương đương gần 5.000 tỉ đồng), sẽ thực hiện trong vòng 5 năm từ 2006 - 2010.

 

Mục tiêu của dự án là chống úng ngập cho thành phố và vùng lân cận do nước mưa với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông, mương và chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống. Đẩy nhanh quá trình xử lý nước thải cho khu vực trung tâm thành phố, nhất là lưu vực sông Tô Lịch.

 

Các hạng mục chủ yếu của dự án gồm: nâng công suất trạm bơm Yên Sở, cải tạo hơn 32 km kênh mương thoát nước, 11 hồ điều hòa, xây dựng trạm xử lý nước thải tại hồ Bảy Mẫu, 27 km cống thoát nước,…

 

Dự án có phạm vi chiếm đất là 197 ha trên địa bàn 8 quận (trừ quận Long Biên), có 4.460 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, trong đó có 760 hộ phải bố trí nhà tái định cư với kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 822 tỉ đồng.

 

Ông Lê Văn Dục cho biết, từ tháng 10 tới sẽ thực hiện các bước bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đồng thời đấu thầu tư vấn. Sang đầu năm 2007 sẽ đấu thầu đơn vị thi công và đến tháng 7 sẽ khởi công xây dựng dự án.

 

Mạnh Hùng