1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

47 quốc gia thông qua Tuyên bố Hà Nội về bảo vệ động vật hoang dã

(Dân trí) - Đại diện 47 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang đã ra Tuyên bố Hà Nội. Trong bản tuyên bố, Việt Nam thể hiện những cam kết hết sức mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại tệ nạn này.

Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 17-18/11, thu hút sự tham dự của đại diện 47 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Đây là hội nghị cấp cao lần thứ 3 cùng chủ đề tiếp nối sự thành công của Hội nghị London (2014) và Hội nghị Kansane (2015). Đặc biệt trong ngày hôm qua, Hoàng tử Anh William đã tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Sau 2 ngày làm việc, hội nghị đã ra Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh cam kết bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã (Ảnh: ĐSQ Anh)
Sau 2 ngày làm việc, hội nghị đã ra Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh cam kết bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã (Ảnh: ĐSQ Anh)

Tuyên bố Hà Nội chỉ ra rằng nạn săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống loài quý hiếm và đang đối mặt với nguy cơ diệt vong cả ở trên cạn và dưới nước và tình trạng khai thác quá mức các loài khác.

“Điều này gây bất ổn cho việc quản lý và sử dụng bền vững các loài động vật hoang dã; ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và các cộng đồng nông thôn; dẫn tới việc chuyển đổi các hình thức sử dụng đất; tạo nguồn lợi bất chính cho các tổ chức tội phạm quốc tế có tổ chức; làm suy yếu công tác quản trị hiệu quả và thượng tôn pháp luật, đồng thời ủng hộ và tiếp tay cho nạn tham nhũng; và gia tăng nguy cơ truyền nhiễm của các bệnh dịch lây nhiễm”, bản tuyên bố viết.

Tuyên bố hoan nghênh những động thái quan trọng mà các chính phủ và các bên liên quan khác đã tiến hành trong việc thực thi các cam kết được đưa ra trong khuôn khổ hai hội nghị này.

Hội nghị đã thống nhất các chương trình hành động trong cuộc chiến bảo vệ động, thực vật hoang dã, tập trung vào 4 khía cạnh chính: xóa bỏ các thị trường buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã; đảm bảo khung pháp lý và các biện pháp răn đe hiệu quả; tăng cường thực thi pháp luật và phát triển sinh kế bền vững.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thức rằng để ngăn chặn nạn buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã một cách hiệu quả, cần đảm bảo các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia, đặc biệt là các thành viên và cá nhân quản lý các hoạt động buôn bán trái phép này phải bị truy tố và xử phạt nghiêm nhằm thể hiện tính răn đe của pháp luật”.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần đảm bảo rằng, các cơ quan trung ương phụ trách hợp tác phòng chống tội phạm quốc tế có đủ nguồn lực và quyền hạn để ứng phó và xử lý các yêu cầu dẫn độ và tương trợ tư pháp một cách hiệu quả.

Việt Nam và các cam kết mạnh mẽ

Trong bản tuyên bố, Việt Nam cam kết từ năm 2017 sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ động vật hoang dã, tập trung vào những loài bị đe dọa, đồng thời cũng phát triển và thực hiện những chương trình bảo tồn đối với các loài như voi, hổ, tê giác, tê tê và các loài động vật linh trưởng.

“Việt Nam sẽ tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vai trò của động thực vật hoang dã trong tự nhiên thông qua các hội thảo, các khóa huấn luyện và các chương trình nhằm giảm việc tiêu thụ sản phẩm này”, tuyên bố nêu rõ.

Ngoài ra, từ năm 2017, Việt Nam sẽ tăng cường bảo vệ động thực vật hoang dã ở cả các khu bảo tồn trên biển và trên đất liền, đi đôi với việc giám sát chặt chẽ để đi tới xóa bỏ các thị trường tiêu thụ loại sản phẩm này.

Theo Tuyên bố Hà Nội, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động thực vật hoang dã cũng như tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng, cảnh sát môi trường, hải quan, biên phòng và quản lý thị trường. Cùng với đó là tập trung vào việc xây dựng năng lực về kỹ năng phát hiện, điều tra, khởi tố và xét xử cho đội ngũ thi hành luật.

Việt Nam sẽ cân bằng sự phát triển kinh tế xã hội và những ưu tiên bảo tồn động vật hoang dã, thiết lập một cơ chế giám sát và quản lý trong lĩnh vực này một cách công bằng và đem lại lợi ích cho những người tham gia công tác bảo tồn, đặc biệt là ở những khu vực xa xôi và gần các khu bảo tồn thiên nhiên.

Bản tuyên bố cho hay, từ nay đến 2018, Cơ quan phát triển của Pháp sẽ ủng hộ việc thực hiện dự án trị giá 942.000 Euro do tổ chức WWF Việt Nam và Traffic triển khai nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam xuống còn 50% vào năm 2020.

Trong khi đó, thông qua tổ chức USAIDS, Mỹ sẽ phối hợp với phía Việt Nam thực hiện dự án nhằm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam cũng như giúp Việt Nam xây dựng và hoàn thiện luật trong lĩnh vực này.

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm