1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

45.000 đại biểu dự hội nghị để xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Hội nghị do Ban Bí thư triệu tập, tổ chức. Ngoài điểm cầu trực tiếp tại tỉnh Nghệ An, hội nghị còn trực tuyến tới gần 45.000 đại biểu ở cấp huyện và xã.

Ngày 16/9, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ trì hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương...

45.000 đại biểu dự hội nghị để xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030 - 1

Bà Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Phê).

Hội nghị do Ban Bí thư triệu tập tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại tỉnh Nghệ An là điểm cầu trung tâm, kết hợp trực tuyến tới 30 điểm cầu cấp huyện, Đảng ủy trực thuộc, 625 điểm cầu cấp xã, chi bộ trực thuộc Đảng ủy trên địa bàn với gần 45.000 đại biểu tham dự.

Hội nghị nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 39 đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tỉnh Nghệ An; các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Hội nghị giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm, chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cơ quan, đơn vị, cá nhân để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39; gắn việc tổ chức, học tập Nghị quyết số 39 với xây dựng các chương trình hành động thực hiện phù hợp.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 là dịp quan trọng để đánh giá lại sự phát triển của tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua; quán triệt sâu sắc, toàn diện về vai trò vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An trong vùng và cả nước; về các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phát triển của tỉnh trong thời gian tới, để từ đó có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nhằm xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững hơn.

"Tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của con người xứ Nghệ; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong vùng và cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh để Nghệ An "bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An", như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", bà Trương Thị Mai chia sẻ.

45.000 đại biểu dự hội nghị để xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030 - 2

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Nguyễn Phê).

Trọng tâm của Nghị quyết 39 là xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, tập trung đầu tư và có cơ chế để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ; tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo hướng xanh, thông minh, hiện đại. Tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới.

Lấy con người làm trung tâm văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

45.000 đại biểu dự hội nghị để xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030 - 3

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An dự hội nghị (Ảnh: Nguyễn Phê).

Phấn đấu đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.

9 nhiệm vụ giải pháp

- Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ, trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.

-  Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển.

-  Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

-  Tập trung phát triển mạnh mạng lưới đô thị; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số. 

- Tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo.

- Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.

- Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.

- Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.