40 ngày ở tòa thị chính “trái bắp”
Mặc dù tòa thị chính Đà Nẵng, nơi tập trung 24 đơn vị trung tâm đầu não của thành phố mới khánh thành hôm 8/9, nhưng với hàng trăm cán bộ công chức, cho đến hôm nay, họ đã có chẵn 40 ngày trải nghiệm tuyệt vời ở tòa nhà có hình dáng “trái bắp” này.
“Thèm thuốc chết bỏ!”
Chuyển sang chính thức từ đầu tháng 8, mới đầu la oai oái: “Bí lắm, cả ngày ngồi máy lạnh, thèm thuốc đến chết mất”. Nhưng mấy ngày gần đây, giọng chùng hẳn: Có lẽ anh phải bỏ thuốc thôi chú ạ!
Anh T. năm nay ngoài 50, Sở KH&ĐT có dạo phải chuyển sang tòa nhà ở công viên phầm mềm. Tất nhiên ở đâu thì công sở vẫn cấm tiệt chuyện khói thuốc. Nhưng dẫu sao, ở đó, người ta vẫn chừa cho những ô nhỏ ở hành lang, có vài cái gạt tàn lớn. Tầng nào cũng có. Bởi thế, làm việc độ vài tiếng, thấy nhạt mồm, anh T. có thể phi ngay ra, châm điếu cho đỡ ghiền.
“Nhưng khi dọn về “trái bắp” thì chịu cứng chú ạ. Quy chế rồi. Với lại thấy khung cảnh khép kín, bịt bùng thế này. Bảng cảnh báo dày đặc chi chít. Nghe nói chỉ cần bật lửa, còi báo cháy rú inh ỏi, rồi nước ở hàng trăm vòi tự động trên trần nhà xối xả. Nghĩ đến đó đã ớn rồi, chưa nói đến chuyện bị kỷ luật”.
Mấy chục năm làm công chức, sáng đi trưa về, trưa đi tối về, anh T. nói thẳng, cái ngày làm ở trụ sở cũ, tự do tự tại hơn nhiều. Công việc có khi làm cật lực, nhưng đôi khi cả ngày cũng rỗi. Có thể chạy ngay ra quán, làm cốc nước điếu thuốc.
Giờ thì bó tay. Không quen. Anh cười: “Thôi ráng mươi năm nữa về hưu, con cháu, em út nó trụ được thì mình trụ được”.
Cái “trụ được” của anh T. nói thực ra cũng chẳng phải to tát gì, bởi tất cả đều nằm ở ý thức và thói quen. Ví như cầu thang máy, lên những mấy chục tầng.
Thang máy bố trí 2 phần, tầng 1 đến 18 một phần, 19 đến 34 một phần. Thế là thời gian đầu loạn xị cả lên. Mà anh T. thêm cái huyết áp cao, cứ lên tầng cao là chóng mặt. “Phải mất tuần mới quen được, giờ thì ổn rồi”.
Còn Hưng làm ở Sở TT&TT, tâm sự: Hồi đầu đúng là còn bỡ ngỡ, nhưng với giới trẻ, làm quen nhanh. Giờ thì thấy trên cả tuyệt vời. “Thích nhất là khung cảnh Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Mỗi lúc làm việc thấy mệt mỏi, hoặc giải quyết xong một việc gì đó, tựa lưng vào ghế, phóng tầm mắt xuống sông Hàn “thưởng” phong cảnh thành phố, thấy… hết mệt!”.
Hưng kể, dạo làm việc ở nơi cũ, mỗi ngày có thể đốt cả gói thuốc vì làm việc tầng trệt, rảnh cái là ra ngoài, châm điếu thuốc. Nhưng 40 ngày qua, trừ thứ Bảy hoặc Chủ nhật, anh đều đặn chỉ mỗi ngày 4-6 điếu. Sáng cà phê 2 điếu, vào làm việc tới 11h30, ra khỏi tòa nhà làm một phát 2 điếu cho… đỡ thèm.
Chiều tan sở 2 điếu. Hưng khoe chuyển về “nhà” mới, tự nhiên thấy khỏe hẳn ra, chắc chắn có một phần nhờ giảm hút thuốc. “Quy định rõ ràng rồi, với lại không ai hút mình cũng tập được thói quen nhịn thuốc, cà phê. Có lẽ sắp tới bỏ hẳn”. Anh Lê Phú Nguyện (Sở Nội vụ), cũng đồng tình: Không thể nào chạy từ tầng 30 hay tầng 10 gì đó xuống tận sảnh, rồi ra tận phía ngoài để hút thuốc. Mất thời gian lắm. Cả cà phê, trà nữa. Cứ từ từ rồi bỏ hẳn luôn. Chỉ uống cà phê một buổi đầu sáng trước giờ làm”.
Tôi gọi điện cho chị H. Sở Nội vụ hỏi thăm tình hình. Chị kể tất cả đều tốt, chỉ có điều thời gian “bớt xén” giờ công sở không còn. Trước còn tranh thủ và ba chục phút giữa buổi, phóng nhanh ra chợ gần cơ quan, mua mớ rau, con cá tươi về để tủ lạnh cơ quan. Điều đó bây giờ không thể.
Chuyên nghiệp nhưng liệu có… xa dân?
Tôi đưa thẻ nhà báo, nói cần gặp vị này vị kia. Bấm đồng hồ, mất đúng 13 phút mới xong, có thẻ lên trên. Tất nhiên, vì có việc gấp nên nhà báo được ưu tiên. Mặc dù mới vận hành hoạt động, nhưng cảm giác đúng thật chuyên nghiệp ở một tòa thị chính.
Tầng 1, phòng “một cửa” của các Sở đông đúc người dân đến làm giấy tờ. Anh Hoàng Tùng - Trưởng BQL tòa nhà, cho biết: “Tất cả người dân có việc gì đều đã được giải quyết hết ở “một cửa”. Không cứ gì phải lên gặp lãnh đạo như trước kia. Mới đầu người dân có thể thấy bất cập, nhưng lâu dần sẽ quen với sự chuyên nghiệp”.
Chị S. - chủ một doanh nghiệp vận tải, than thở: Lần thứ 3 đi giải quyết mấy cái thủ tục xin đăng ký tuyến vận tải khách rồi. Mấy lần trước còn đánh liều gõ cửa vô năn nỉ cấp lãnh đạo, giờ thì bó tay. Làm ri không khéo cả năm chẳng biết mặt lãnh đạo cấp Sở.
Theo anh Hoàng Tùng, vì đây là tòa nhà thông minh, khép kín nên ngay lập tức sẽ tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, khác biệt hoàn toàn so với trước kia. BQL tòa nhà cùng với UBND thành phố cũng đã gửi cuốn sổ tay những quy định của cán bộ nhân viên làm việc tại đây. Trong đó ghi rõ những nội quy, cách vận hành, hướng dẫn, những điều cấm…
“Các sở, ban ngành, trung tâm… đều được gửi bản cứng và bản mềm cuốn sổ tay. Trong phạm vi tòa nhà, hút thuốc là điều không thể được. Chúng tôi đang khẩn trương đưa vào sử dụng tầng căntin dưới hầm, có phục vụ đồ ăn và phục vụ nước uống, giải khát ở tầng trên cùng. Tất nhiên là không bố trí phòng hút thuốc. Ngay từ khi thiết kế đã như thế rồi”.
Theo anh Hưng (Sở TT&TT), sự chuyên nghiệp nằm ở chỗ tập trung. Với những người thường xuyên phải giao dịch, trao đổi công việc và đưa công văn cho các đơn vị khác thì đây là một sự thuận tiện lớn. “Chỉ cần vài phút đã có thể vào văn phòng UBND thành phố để trao đổi, hoặc đưa giấy tờ sang sở khác. Gặp nhau nhiều thì tình cảm đồng nghiệp chắc chắn sẽ gắn bó hơn. Và khi tình cảm gắn bó thì hiệu quả công việc đương nhiên là cao hơn nhiều” - Hưng nói.
Khi tôi hỏi, làm ở đây, cách biệt, dân muốn vào cũng khó, liệu quan chức lãnh đạo có xa dân? Ông Đ. (giám đốc sở T.), nói thẳng: Gần dân phải ở chỗ năng đi thực tế, đi về tìm hiểu những vấn đề bức xúc chứ mỗi khi đã lên trụ sở làm việc, tránh được sự gặp gỡ lộn xộn chừng nào hay chừng đó. Có khi còn tránh được những điều tiếng không hay.
Anh Hoàng Tùng cho biết: Với người dân hoặc doanh nghiệp, khi cần liên hệ lãnh đạo cấp phó, giám đốc trở lên phải có hẹn, nhưng với những cấp chuyên viên hoặc phó trưởng phòng, nếu cần thiết, họ có thể nhờ lễ tân liên lạc để cán bộ xuống tiếp dân. Chúng tôi có bố trí một phòng tiếp khách cho những trường hợp này.
Tôi thắc mắc một vài ý kiến người dân cho rằng, lực lượng bảo vệ tòa nhà đôi khi quá cứng nhắc, lạnh lùng với khách, anh Hoàng Tùng đưa tôi xem tờ giấy ghi 16 quy định (rút gọn) của cuốn sổ tay nội quy làm việc ở tòa nhà. Thú thật, nếu thực hiện được cả 16 điều này, có lẽ, không còn nơi nào tuyệt vời hơn.
Tòa thị chính Đà Nẵng (còn gọi là Trung tâm hành chính) được xây dựng trên khu đất rộng 23.318m2 thiết kế hiện đại với chiều cao 166,8m, gồm 2 tầng hầm và 34 tầng nổi. Tòa nhà được tạo hình với chân nhỏ, phình to ở giữa và lại thu nhỏ ở trên. Tổng diện tích sàn 65.234m2, được chia làm 4 phần: phần ngầm, phần đế, phần thân khối tháp và phần đỉnh tháp. Trong đó, khối đế công trình được bao quanh bởi hệ vách kính khung nhôm kết hợp lam gỗ thông, phần khối tháp được bao bọc toàn bộ bởi hệ vách kính khung nhôm. Toàn bộ mái khu vực hội trường được sử dụng hệ kèo thép vượt nhịp, được lợp bằng tấm nhôm composite dày 4mm. Toàn bộ kính bao che tòa nhà có diện tích khoảng 21.011m2. BQL tòa nhà gồm 51 nhân viên (chưa kể bảo vệ) triển khai toàn bộ hoạt động của tòa nhà như: lễ tân, tiếp đón, phục vụ họp, vệ sinh, giám sát, giữ xe, bảo vệ, an ninh, thu gom rác, xử lý côn trùng… |
Theo Nam Cường
Tiền Phong