Những ngày qua, người dân miền Trung hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến 4 chàng thanh niên mặc áo xanh, quần sọc, vai đeo ba lô đi bộ dọc tuyến Quốc lộ 1A.
Đó là những chàng trai đất cảng Hải Phòng, cùng sinh hoạt trong nhóm tình nguyện Hải Đăng, gồm nhóm trưởng Trần Thắng, Phạm Thanh Vân, Nguyễn Hồng Thái - cùng học Trường ĐH Hàng hải và Trần Sơn Tùng, sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Trung ương 2 - Hải Phòng.
50.000 tờ rơi và 20.000 chữ ký
Đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế
Vừa đặt chân lên đường đèo Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhóm của Thắng gặp ông Nguyễn Khắc Tiệp đi đốn củi về. Thấy các chàng trai nhẫn nại lội bộ leo dốc, ông Tiệp há hốc miệng: “Chỉ cần lên xe đò 5 phút sau là có mặt tại Đà Nẵng, tội chi mà các cháu đi bộ cho mệt?”.
Tuy nhiên, sự ngạc nhiên của ông Tiệp dần dần tan biến khi trưởng nhóm Trần Thắng đưa ra những tờ rơi và giải thích về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường cũng như ý nghĩa chuyến đi bộ của các anh.
“Thông điệp của chúng cháu là thanh niên Việt Nam sẽ tiếp bước theo con đường mà Bác đã chọn cho dân tộc; kêu gọi mọi người hãy sử dụng một cách có hiệu quả tài nguyên môi trường” - Thắng hùng hồn.
Tuy hiểu ra mục đích chuyến đi bộ xuyên Việt của 4 chàng thanh niên nhưng ông Tiệp vẫn cứ tròn xoe mắt khi nghe họ nói về cách bảo vệ môi trường. “
Người dân chúng tôi trước nay chỉ nghe tuyên truyền chung chung chứ chẳng biết làm như răng mới là bảo vệ môi trường. Chừ thì tôi đã biết bảo vệ môi trường là làm sao rồi” - ông Tiệp gật gù.
Nói xong, ông cầm tờ rơi tuyên truyền về môi trường của nhóm rồi gùi bó củi bước xuống núi. Đi được vài bước, ông Tiệp ngoảnh mặt lại nói với theo: “Bác sẽ mang tờ giấy này về làng cho mọi người cùng đọc để cùng bảo vệ môi trường”.
Trưởng nhóm Trần Thắng cho biết một trong ba thông điệp của nhóm trong chuyến đi bộ từ Hải Phòng vào TPHCM là kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hãy khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả.
“Đất nước ta không thể giàu mạnh, dân tộc ta không thể hùng cường nếu ngày hôm nay môi trường bị hủy hoại. Ngày xưa, các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đã hòa bình thì thế hệ trẻ sẽ cùng nhau bảo vệ môi trường cho hiện tại và sự phát triển của tương lai” - Thắng thổ lộ.
Suốt hành trình của mình, 4 chàng thanh niên sẽ phát 50.000 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường, thu thập 20.000 chữ ký đồng hành và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường vào bản cam kết “hành động vì môi trường”.
Vui, buồn lẫn lộn
Hơn nửa chặng đường xuyên Việt đã qua, nhóm đi bộ gặp không biết bao chuyện vui buồn xung quanh việc bảo vệ môi trường.
Trần Thắng kể: “Hôm rồi mới đặt chân tới cố đô Huế, cả nhóm chúng em đã gặp ngay đống rác thải to tướng nằm ở khu đại nội. Bước thêm một đoạn nữa thì thấy ngay cảnh tờ rơi, áp phích quảng cáo dán chi chít trên tường thành nội, không thể làm ngơ, cả nhóm bắt tay xé bỏ. Gần một giờ sau, cả nhóm mới xé xong các tờ quảng cáo và mang tới bãi rác vứt. Làm xong ai cũng mệt nhưng vui vì mình đã góp tay làm sạch môi trường. Tuy nhiên, chúng em vẫn buồn vì có không ít người thiếu ý thức khiến môi trường sống của chúng ta thêm bẩn”.
Trần Sơn Tùng, chàng trai học khác trường với các thành viên còn lại trong nhóm, cho rằng mình không thể quên câu chuyện vui hôm rồi ở thành cổ Quảng Trị.
Hôm đó, nhóm giao lưu với một đơn vị bộ đội đang huấn luyện ở thao trường. Cả nhóm được cơ hội hỏi thăm sức khỏe các anh, trau dồi phẩm chất yêu nước và tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Tùng kể: “Khi cả nhóm nói về chủ đề môi trường, có một anh bộ đội đang hút thuốc đã quyết định dập tắt điếu thuốc ngay. Anh ấy nói mình sẽ phấn đấu bỏ thuốc lá để không làm tổn hại đến môi trường cũng như sức khỏe của những người xung quanh”.
Chúng tôi thắc mắc vì sao nhóm phải chọn cách đi bộ để tuyên truyền về những thông điệp của mình, Thắng giải thích: “Chúng em còn muốn xem khả năng chịu đựng của mình như thế nào và thể hiện mình là những thanh niên Việt Nam quyết tâm sẽ theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Hơn thế nữa, với việc đi bộ và được tiếp xúc với người dân, hình ảnh của mình sẽ làm cho mọi người nhớ để hưởng ứng việc bảo vệ môi trường”.
Vượt qua nhiều rào cản
Sinh ra trong một gia đình có cha đang phục vụ trong quân ngũ, Thắng đã sớm được cha kể cho nghe những câu chuyện về tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam và sự kiên trì, quả cảm của bộ đội Cụ Hồ. Vốn là trưởng nhóm tình nguyện Hải Đăng, Thắng đã ấp ủ ý tưởng tổ chức cuộc đi bộ xuyên Việt từ cuối năm 2010.
Ý tưởng là vậy nhưng để có chuyến đi xuyên Việt, Thắng và các bạn đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn và nhiều lúc tưởng chừng không thể thực hiện được.
Thắng bộc bạch: “Lúc đầu mới đưa ra ý tưởng, có 10 bạn đăng ký tham gia. Trước khi khởi hành một tháng, ai cũng hăng hái tập đi bộ mỗi ngày 20 km. Tuy nhiên, mỗi người lại có một lý do khác nhau nên lần lượt quyết định không tham gia, cũng may cuối cùng còn lại 4 anh em”.
Từ trái qua: Tùng, Thái, Thắng và Vân thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Lộc Thủy ở Thừa Thiên - Huế
Ngày chuẩn bị lên đường, 4 thành viên của nhóm ai cũng bị mẹ rầy rà, ngăn cản vì sợ sức khỏe của con không bảo đảm, không an toàn trên cả lộ trình.
Nguyễn Hồng Thái tâm sự: “Hôm em nói về chuyến đi, mẹ phản đối dữ lắm. Mẹ bảo sức khỏe em vốn khá kém, không nên đi. Biết không ngăn cản được em, mẹ gọi cả cô, dì, chú, bác hai bên nội, ngoại đến nhà thuyết phục, can ngăn. Tuy nhiên, sau khi em trình bày rõ ràng mục đích của chuyến đi, mọi người đã đồng ý với điều kiện phải liên lạc thường xuyên với gia đình”.
Cũng như các thành viên khác, Thắng bị mẹ phản đối rất dữ nhưng cha thì lại rất đồng tình với ý định của con. “Ngày em lên đường, bố chỉ căn dặn: “Con đã lớn rồi, hãy làm những việc mà mình cho là đúng và đã làm việc gì thì hãy làm cho tới nơi tới chốn” - Thắng nhớ lại.
Để thực hiện chuyến đi, mỗi thành viên phải đóng góp 2,5 triệu đồng làm lộ phí. Đó là khoản tiền của mỗi người tự dành dụm được khi đi làm thêm. Khoản tiền quá ít ỏi nên nhóm đặt ra kế hoạch mỗi ngày chỉ tiêu không quá 250.000 đồng.
Thắng cho biết cũng có doanh nghiệp ngỏ ý tài trợ cho chuyến đi này nhưng kèm theo là hợp đồng quảng cáo, tuyên truyền cho họ nên nhóm từ chối ngay.
Thiếu thốn, ăn uống tạm bợ, ngủ vật vờ dọc đường là chuyện bình thường mà nhóm thường trải qua. Đêm 11/7 là một đêm khó khăn với bao cảm xúc lẫn lộn đối với nhóm khi đi qua tuyến đường từ Hải Lăng (Quảng Trị) đến Phong Điền (Thừa Thiên – Huế).
Lúc 18 giờ, nhóm ăn tạm đĩa cơm bình dân rồi tiếp tục đi. Lát sau, bụng lại đói, họ muốn nghỉ tạm một chút nhưng ven đường chẳng có nhà cửa của ai.
“Nằm cạnh quốc lộ sợ ô tô cán, tụi em đành ngồi cạnh trụ đèn tín hiệu đường sắt cho an toàn. Thế nhưng, chẳng nghỉ được tí nào vì muỗi quá nhiều, tàu lại chạy liên tục nên phải đứng dậy đi tiếp. Đi được 8 km nữa đã gần 21 giờ, tụi em vừa đói vừa khát, chân lại đau nhưng xung quanh chỉ toàn cát trắng. Chần chừ mãi, nhóm quyết định tiếp tục đi. Đến 2 giờ sáng, tụi em gặp một cây cầu đang sửa chữa bèn nằm ngủ luôn tại đây. Nhiều người đi đường nhìn thấy tụi em nằm ngủ la liệt nên sợ mà bỏ chạy như gặp ma!” - Thái kể.
Dọc đường, nhóm gặp đâu ngủ đó, khi thì vỉa hè quốc lộ, trong trạm ATM, hiên nhà dân, lúc ở trạm xăng dầu… Nhiều lúc đói khát, bệnh tật, chân đau… nhưng nhóm vẫn cứ đi, bởi theo họ, thanh niên Việt Nam phải là những người không sợ khó, sợ khổ.
Năm sau, sẽ tiếp tục hành trình xuyên Việt Trên suốt hành trình của mình, nhóm đi bộ xuyên Việt thường ghé qua các nghĩa trang liệt sĩ nằm ven đường. Từng thành viên kính cẩn thắp nén nhang cho các liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn họ đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hứa sẽ noi theo tấm gương của các anh. “Theo dự kiến lúc đầu, nhóm sẽ đến Bến Nhà Rồng - TPHCM vào ngày 12-8 và cứ đi 3 ngày thì nghỉ một ngày lấy sức nhưng vì lịch học sớm hơn nên tụi em phải tranh thủ đi nhanh để ngày 5-8 là tới đích” - Trần Thắng cho biết. Theo Thắng, sau chuyến đi xuyên Việt này, cả nhóm dự định sẽ tiếp tục tổ chức một chuyến đi từ Hải Phòng vào TPHCM bằng xe máy vào năm sau. |
Theo Quang Nhật
Người Lao động