1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

35 năm đổi mới trên mảnh đất thép

(Dân trí) - Sau 30 năm đấu tranh anh dũng, người dân Củ Chi đã góp công gây dựng nên mảnh đất vang danh “đất thép thành đồng”. Sau 35 năm xây dựng đẩy lùi quá khứ nghèo đói, giờ đây mảnh đất thay da đổi thịt đến bất ngờ.

35 năm đổi mới trên mảnh đất thép - 1

Người dân Củ Chi hăng hái tham gia kháng chiến (ảnh tư liệu)
 
Là người con của đất Củ Chi, ông Võ Văn Phần (77 tuổi), chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thông khán chiến, nguyên chánh văn phòng huyện ủy Củ Chi (1975 - 1990) nhìn lại và thêm tự hào chặng đường 35 năm quê hương này ngày một phát triển.

 

Cuộc kháng chiến mà người Củ Chi đã chiến đấu kiên trung đã được sử sách viết nhiều. Nhưng 35 năm gầy dựng từ con số 0 cho đến nay cũng không kém phần gian nan đối với chính quyền và nhân dân nơi này.

 

Đất thép anh hùng đầy thương tích

 

Suốt 30 năm kháng chiến, mảnh đất cửa ngõ phía Tây Bắc của TPHCM, là pháo đài thép của cách mạng, là cái gai mà bọn thực dân, đế quốc muốn nhổ bỏ. Đặc biệt đế quốc Mỹ đã trút xuống đây hơn 240.000 tấn bom đạn và hàng ngàn trận bố ráp, giày xéo. Không nơi nào trên mảnh đất này được lành lặn. Đánh đổi cả máu xương mình, quân, dân vẫn kiên cường bám trụ và chiến đấu.

 

Sau chiến tranh, Củ Chi có đến 23.000/32.000 hộ là gia đình thương binh liệt sĩ với gần 11.000 liệt sĩ và hơn 3.000 thương bệnh binh. Nếu tính trung bình cứ 11 người thì có 1 người là liệt sỹ. Trên 28.000 căn nhà bị phá hủy, đốt cháy.

 

Và không nơi nào trên đất nước có số bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều như ở đây. Đến 779 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu này, riêng trong đó đến gần 200 mẹ mất cả đứa con duy nhất của mình. 
 
35 năm đổi mới trên mảnh đất thép - 2
Nơi một thời là điểm đặt cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ ngụy giờ là nhà truyền thống

 

Củ Chi vẻ vang được phong danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” và huyện anh hùng. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn thì có đến 18 xã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh 2 Lực lượng vũ trang thì có gần 30 cá nhân phong danh hiệu anh hùng.

 

Đổ cả mồ hôi, máu và nước mắt, quân, dân Củ Chi trở thành bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Gượng dậy và đi lên

 

Đất thép sau ngày giải phóng, điều kiện sống vô cũng gian khó. Điều này được ông Võ Văn Phần nhắc lại.
 
35 năm đổi mới trên mảnh đất thép - 3
Củ Chi hôm nay

 

Củ Chi vốn rất nghèo, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến kéo dài 30 năm nên càng nghèo thêm. Cơ sở kinh tế chẳng có gì khi chỉ có 2 đồn điền cao su rộng khoảng 100ha và một vài tiểu thương người Hoa buôn bán. Còn lại thì người nông dân quanh năm chỉ quần quật với mảnh ruộng.

 

“Chính vì thế nên nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền cách mạng sau khi giải phóng là ra mắt ủy ban nhân dân cách mạng, sau đó là ổn định đời sống kinh tế cho nhân dân”, ông Phần cho biết.

 

Ngày giải phóng, người dân từ các ấp chiến lược trở về nhà khai hoang, phục hóa, phá gỡ bom mìn… Đặc biệt là mảnh đất thép này hứng chịu rất nhiều bom đạn, đến tận bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn sót lại. Giải phóng xong nhưng vẫn có đến 500 người là nạn nhân của bom mìn, khi tiến hành công cuộc khai hoang phục hóa, cải tạo đất đai sản xuất…

 

Người dân về cất lên những cái thum lá (nhỏ hơn chòi) đơn sơ để ở rồi gầy dựng đời sống, số hộ xây nhà kiên cố tường vôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Ngày hòa bình, Củ Chi hoàn toàn cạn kiệt và nghèo đói, không có lương thực, nhà cửa nhếch nhác với những căn chòi nhỏ tránh mưa nắng. Bên cạnh củng cố chính quyền cách mạng ở từng xã, các cán bộ cách mạng bắt đầu hướng dẫn nhân dân khai hoang phục hóa để chống đói, tạo điều kiện xây dựng nhà cửa.

 

Huyện ủy liên hệ với các địa phương lân cận xin gỗ về giúp nhân dân xây dựng nhà cửa. Thời đó không có xe, lấy chiến lợi phẩm của chính quyền ngụy quân để cho người dân mượn tạm vận chuyển nguyên vật liệu xây nhà. Lương thực thì thành phố phải chi viện cho gồm cao lương, gạo cứu đói dân Củ Chi.

 

Ông Phần chia sẻ: “Quá trình phát triển mảnh đất này như thay từng mảnh da trên thân thể để giờ đây Củ Chi được như ngày hôm nay”. Đến năm 1985, bắt đầu chương trình điện khí hóa thủy lợi hóa cho nhân dân.
 
35 năm đổi mới trên mảnh đất thép - 4
Người cựu cán bộ cách mạng Võ Văn Phần chia sẽ niềm tự hào trước chặng đường đổi mới của Củ Chi

 

Đặc biệt nhờ đào con kênh đông mới thay đổi bộ mặt sản xuất nông nghiệp cho người dân Củ Chi,phục vụ tới tiêu cho 13.500ha đất. Trước đó, mỗi năm chỉ sản xuất được một mùa vụ nhưng từ khi có hệ thống kênh người dân làm được 2-3 mùa. Cây cối, rừng nhờ có nước mà xanh um quanh năm chứ không chờ mưa nữa.

 

Từ năm 2000, tiếp tục kiên cố hóa kênh mương với gần 400 kênh các loại. Còn điện lưới hóa về đến 21 xã và gần 100% hộ trong toàn huyện đã sử dụng điện. Vấn đề an sinh xã hội cũng cải thiện hơn nhiều. Mỗi xã đều có trạm y tế với đầy đủ bác sĩ phục vụ sức khỏe người dân, đổi mới rất lớn so với 35 năm trước.

 

“Trường học hồi đó chỉ tranh tre, bước lên lợp tôn xi măng và giờ đây đã được xây dựng khang trang.Vừa rồi nghe huyện báo cáo nay đã được 7 trường cấp 3, nghe mà thấy mừng làm sao”, người cựu cán bộ phấn khởi.

 

Càng tự hào hơn với sự phát triển của Củ Chi với hệ thống đường giao thông trải nhựa thẳng tắp suốt nhiều địa bàn. Giờ đây bên cạnh, khu công nghiệp Tây Bắc được xếp vào hàng lớn của thành phố, Củ Chi còn đang mời gọi thêm đầu tư vào khu công nghiệp Đông Nam. Tiếp bước tinh thần kiên cường trong kháng chiến, nhân dân “đất thép thành đồng” bước vào con đường phát triển kinh tế một cách bền vững. 

 

Lê Phương - Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm