35 bức tranh của họa sĩ liệt toàn thân
Để có thể vẽ, anh phải nhờ thiết kế một dụng cụ đặc biệt buộc cọ vào tay; phải dùng một sợi dây treo tay lên trần nhà bởi anh không còn đủ sức nhấc nó lên. Gần 10 năm, anh vẽ được 35 bức tranh- đó là bằng chứng để anh thể hiện mình vẫn đang sống.
Ngày 5/8/2009, họa sĩ Trịnh Long ra mắt triển lãm đầu tiên, giới thiệu những bức tranh đầu tiên của anh. Ít ai biết rằng, họa sĩ 41 tuổi này đã bị liệt toàn thân hơn 10 năm nay.
Kiểu vẽ tranh có một không hai
Họa sỹ Trịnh Long tại nhà.
Khúc quanh lớn của Trịnh Long có lẽ bắt đầu khi anh tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật (Hà Nội) năm 1992 và được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Nội của trường. Chàng giảng viên hào hoa ham chơi cho đến 30 tuổi vẫn chưa có ý định lập gia đình. Long chạy theo những giấc mơ tuổi trẻ của mình không mệt mỏi và sống mạnh mẽ trên con đường tự mình chọn.
Ngày 5/8/2009, tại triển lãm tranh của anh ở Trung tâm Nghệ thuật Việt 42 Yết Kiêu (Hà Nội), 30 năm tuổi đời trẻ trung của chàng trai Trịnh Long được tái hiện lại bằng những đoạn băng hình khiến không ít người rơi nước mắt. Trong đoạn băng, ghi lại những bức ảnh của anh đã chụp khi còn bé và lúc đang là một chàng trai khỏe mạnh. Khi đó, anh có khuôn mặt mực thước, nụ cười hiền nhưng rất rạng rỡ của tuổi trẻ. Nhìn vào quá khứ của anh và tận mắt chứng kiến những gì hiện nay, nhiều người tự đặt câu hỏi không hiểu anh đã phải trải qua những gì khi nằm bất động 10 năm trời. Và nhiều người cũng thầm nghĩ, nếu như không bị tai nạn bất ngờ vào năm 1999 thì có lẽ, đôi chân anh đã đi đến những vùng đất rất xa.
Quả đúng là một tai nạn bất ngờ, bất ngờ với cả chính anh. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại, anh thường nói: “Tai nạn của mình cũng thật buồn cười. Với hậu quả như thế này, nếu bị tai nạn xe máy hay tai nạn gì đó còn “dễ hiểu” hơn. Đằng này mình chỉ bị ngã từ trên xà ngang xuống trong khi đang tập thể dục”. Anh nhớ lại buổi chiều không may mắn khi anh bị tai nạn: “Dù lúc đó chân tay mình đã co quắp và miệng chỉ ú ớ gọi nhưng sau này mấy cậu sinh viên đang có mặt cạnh lúc đó nói không nghĩ mình lại bị liệt cho đến tận bây giờ”.
Anh nằm nghiêng người trên chiếc giường bệnh đặt giữa nhà vì vết hoại tử không cho phép anh nằm ngửa. Chân phải của anh treo gần như lủng lẳng trên không trung bởi một chiếc ròng rọc nối lên tận trần nhà. Đôi lúc, những cơn co giật của thần kinh thực vật khiến người anh co rúm lại. Mọi hoạt động các bộ phận thân thể của anh hiện nay hầu như là do thần kinh thực vật chỉ huy.
Vậy mà chàng trai ấy đã vẽ tranh. Những ngón tay duyên dáng đầy sức sống của chàng trai ngày xưa nay gầy gò, ỉu xìu trên tấm ga trắng. Nó hầu như không tuân theo sự điều khiển của anh nữa.
Để có thể vẽ được, anh phải nhờ người buộc bút vào phía sau của bàn tay, vì anh không co duỗi được khuỷu tay để sử dụng lòng bàn tay như người bình thường. Sức lực còn lại chỉ giúp anh di chuyển bàn tay theo chiều dọc một cách nhẹ nhàng nhưng không thể giúp anh nhấc nó lên. Vì vậy, anh đã phải nhờ người thân dùng một sợi dây buộc vào bàn tay và treo lên trần nhà. Với cách này, nó vừa giúp anh giữ được bàn tay trong không trung để tiếp cận được giá vẽ vừa có thể di chuyển ngang một cách nhẹ nhàng nhờ nguyên tắc con lắc.
Với cách vẽ có một không hai như vậy, trong khoảng 8 năm anh đã liên tục làm việc và cho ra đời 35 bức tranh. Một kết quả khiến không ít người giật mình khâm phục cho ý chí của anh.
Vẽ tranh là sống
“Trước khi bị tai nạn, mình đã nuôi ý định vẽ rồi nhưng không kịp”- anh Long kể. “Bác sĩ nói rằng, trong vòng 24 tháng mà mình không hồi phục thì có nghĩa là cả đời mình sẽ liệt. Mình đã đợi chờ 24 tháng và rồi chấp nhận sự thật không bao giờ mình có thể hồi phục nữa. Mình bắt đầu vẽ từ đó”.
Anh kể lại khoảng thời gian chờ đợi của anh, bình thản như kể lại việc mình vừa mắc một cơn mưa đỏng đảnh miền nhiệt đới. “Cả cơ thể mình cử động được mỗi cái đầu, mà cái đầu thì lại không có chân tay, chỉ có mắt để nhìn, mũi để ngửi, tai để nghe, để thấy mình thật bất lực. Cái chết có lẽ là một liều thuốc tiên để giải thoát tất cả”. Đúng là vạn vật đều kết thúc ở cái chết nhưng cái chết lại không phải là giải pháp. Anh không chọn để sống cũng không chọn để chết. Anh chọn công việc. Anh vẽ trong nỗi đau của một tâm hồn trai trẻ bị cầm tù. Nó có những lúc giằng xé nhưng phần lớn màu sắc trong tranh của anh lại ngập đầy những hy vọng.
“Đơn giản là vẽ thôi, ừ đơn giản thôi, cũng muốn nói đôi điều, rằng mình thích thiên nhiên, muốn mọi người sống vui và mình vẽ vì cuộc sống của mình”- anh nói về ý niệm những bức tranh của mình. Trong số 35 tác phẩm của anh phần lớn là chân dung. Đó là những người bạn đến thăm, anh vẽ như cố sống thêm cuộc đời và khuôn mặt của người khác nữa. “Mình hạnh phúc ở chỗ bạn bè rất quan tâm yêu quý mình. Họ còn là nguồn người mẫu miễn phí của mình nữa”.
Họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh nhận xét, mảng tranh chân dung của Long hiền lành, bình dị nhưng mảng “siêu thực” Long lại dữ dội. “Phải chăng anh vẽ chính những thái cực đang giằng xé tâm can anh. Những bức “Vĩnh cửu”, “Sự sống” hay “Tự họa” là không gian bao la của trời và đất, của vũ trụ. Sự dữ dội của thiên nhiên, phảng phất đâu đó phong cách của Salvado Dali (họa sĩ Tây Ban Nha, phong cách siêu thực đầu thế kỷ XX) trong cách nhìn của anh?”.
Long thì không nói thế, anh cười rằng: “Ừ mình cũng muốn nói về mình và sự yêu quý của mình với thiên nhiên...”. Anh có vẻ điềm tĩnh của người đã hiểu rằng giản dị là căn bản, giản dị là đáng yêu. “Họa sỹ Đào Anh Khánh đánh giá cao những bức tranh siêu thực của anh lắm!”- tôi thông tin cho anh về cuộc triển lãm. “Ừ, thế thì tốt quá! Mình không được nghe vì hôm khai mạc triển lãm mình không tới được”.
Trịnh Long không tới được buổi khai mạc triển lãm tranh của mình vì bây giờ anh không ngồi xe lăn được nữa. Đầu năm 2008 anh phải nhập viện để điều trị một vết hoại tử lớn do nằm và ngồi quá nhiều. Nhưng khát vọng được vẽ trong anh vẫn cháy.
Anh nói: “Về mặt con người, đối với mình cái chết sẽ là một sự giải thoát. Nhưng nghệ thuật là công bằng với mọi người và nó có giá trị tự thân. Nếu tranh của mình không đẹp thì bệnh tật không thể bào chữa cho nó được. Tuy nhiên, mình cũng không ham hố danh vọng. Đơn giản là chỉ vẽ thôi, để tâm hồn mình được giải thoát và thực sự cũng là để thời gian trôi đi nhanh hơn”.
Theo Thùy Ninh
Gia đình & Xã hội