1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

3/4 trẻ dưới 14 tuổi bị người lớn trừng phạt bằng bạo lực

(Dân trí) - Tại Việt Nam, gần 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2-14 đã từng bị cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.

Đó là thông tin được đưa đưa ra tại lễ phát động chiến dịch Chấm dứt bạo lực với trẻ em ở Việt Nam do UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam phát động, vừa diễn ra tại Hòa Bình. Chiến dịch này cũng mở đầu cho tháng Hành động vì trẻ em năm 2014. Theo UNICEF, bóc lột và lạm dụng trẻ em gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, làm ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp xã hội, để lại những hậu quả tai hại trong quá trình trưởng thành của các em.

Theo thống kế, tại Việt Nam gần 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2-14 bị cha mẹ, người chăm sóc và những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Một phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết, chị phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái.
 
Trong khoảng thời gian từ 2006 -2011, có khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được báo cơ quan công an.

UNICEF cũng khẳng định, thực tế cho thấy, bạo lực trẻ emnkhông chỉ diễn ra tại Việt Nam. Hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau vẫn phải chịu bạo lực, bóc lột và lạm dụng. Cùng với đó, hàng triệu trẻ em khác cũng có nguy cơ bị bạo lực.

“Bạo lực là vấn đề không được đề cập đến bởi vì nó thường xảy ra trong gia đình. Nhiều vụ bạo hành bị che giấu trước công luận. Khi mọi người cùng nhau hợp sức lại và tuyên bố rõ ràng rằng bạo lực đối với trẻ em là không thể chấp nhận được, khi mọi người không còn che giấu điều này nữa thì bạo lực đối với trẻ em có thể được ngăn ngừa” -  ông Jesper Moller, Quyền Đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.

3/4 trẻ dưới 14 tuổi bị người lớn trừng phạt bằng bạo lực

Với việc khởi động chiến dịch này, Việt Nam đã tham gia vào phong trào toàn cầu Chấm dứt bạo lực trẻ em do UNICEF khởi xướng, nhằm biến nỗi đau cũng như sự phẫn nộ về bạo lực thành những nỗ lực mang tính tích cực nhằm thay đổi cuộc sống cho trẻ em - phát biển tại lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2014, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi. 

Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định bao quát các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, trong đó có trẻ em. Do đó, hệ thống  pháp luật về trẻ em đang được tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa theo quy định của Hiến pháp. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp 2013 và hài hòa hơn với Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.

Hiện nguồn lực của Nhà nước dành cho trẻ em cũng không ngừng tăng lên theo quan điểm trẻ em được ưu tiên hưởng các thành quả phát triển kinh tế- xã hội.

Nhiều trẻ em đang phải chịu bạo hành trong gia đình

Nhiều trẻ em đang phải chịu bạo hành trong gia đình

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề về trẻ em cần phải tiếp tục được giải quyết một cách đồng bộ. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám và chữa bệnh cho trẻ em, chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ vui chơi,  giải trí cho trẻ em. Đặc biệt tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực và bóc lột vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Những con số báo cáo về xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều trẻ em vẫn đang bị tổn thương trong sự khống chế, sợ hãi, đau khổ và bị cướp mất cả tuổi thơ hiện tại lẫn cơ hội phát triển trong tương lai.

“Mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm đối với trẻ em để lên tiếng, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng mọi nguy cơ, hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em” - nữ Bộ trưởng nhắn gửi.

 Thanh Trầm