1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

32.000 trường hợp xin cấp lại các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước

(Dân trí) - Theo thống kê của Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương, những năm qua, các cơ quan liên quan đã thực hiện cấp đổi, cấp lại bằng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho hàng chục nghìn trường hợp, riêng 5 năm 2012-2016 đã xét cấp lại cho cho gần 32.000 trường hợp.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 85/2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng.

Tờ trình của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho biết, các quy định pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng của Việt Nam được ban hành đến nay đã được 70 năm. Theo quy định, mỗi tập thể, cá nhân khi được khen thưởng được nhận hiện vật kèm theo quyết định như: Huân chương, huy chương, huy hiệu, bằng khen...

Do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, hỏa họa và trong quá trình sử dụng, các hiện vật khen thưởng, đặc biệt là bằng của các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước như huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước... (gọi tắt là Bằng khen) bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng hoặc mất mát. Bằng khen được các tập thể, cá nhân trưng bày, có giá trị về mặt lịch sử, về tinh thần rất lớn nhằm tuyên truyền, giáo dục và nêu gương; đồng thời là căn cứ phục vụ giải quyết các chế độ, chính sách.

“Hiện nay nhu cầu cấp đổi, cấp lại rất lớn. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan liên quan thường xuyên phải cấp đổi, cấp lại Bằng khen để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tập thể, cá nhân”- dự thảo tờ trình gửi Chính phủ của Bộ Nội vụ cho hay.

Trong nhiều năm qua, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội thực hiện cấp đổi, cấp lại bằng các hình thức khen thưởng cấp nhà nước cho hàng chục nghìn trường hợp (riêng 5 năm 2012-2016 đã xét cấp lại cho cho gần 32.000 trường hợp). Việc cấp lại Bằng khen trước đây được thực hiện bằng cách in lại theo mẫu bằng cũ tại thời điểm tập thể, cá nhân được khen thưởng và sử dụng chữ ký, con dấu cũ được lưu giữ tại các cơ quan quản lý (Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội) để đóng dấu.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 99/2016 của Chính phủ có hiệu lực, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7358/VPCP-HC ngày 1/9/2016 về việc dừng sử dụng con dấu hết giá trị nên hiện nay đang tạm dừng cấp đổi, cấp lại Bằng khen.

“Từ thực tế đó, cử tri của các tỉnh, thành phố có kiến nghị được tiếp tục cấp đổi, cấp lại Bằng khen để được lưu giữ và giải quyết các chế độ, chính sách”- Bộ Nội vụ cho hay. Bộ này đề xuất cho phép in sẵn mẫu con dấu, mẫu chữ ký của người có thẩm quyền khen thưởng trước đây lên bằng cấp đổi, cấp lại, thay cho việc sử dụng con dấu và chữ ký cũ đóng trực tiếp lên bằng cấp đổi, cấp lại.

Về việc này cơ quan soạn thảo đã có văn bản xin ý kiến Bộ Công an và Bộ Công an đã có văn bản số 252/BCA-C41 thống nhất việc quy định cho phép in sẵn mẫu con dấu và mẫu chữ ký.

Do quy định cho phép in sẵn mẫu dấu, mẫu chữ ký lên bằng cấp đổi, cấp lại nên việc giải quyết cấp đổi, cấp lại bằng khen chỉ liên quan đến thủ tục hành chính về xác nhận khen thưởng của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương mà không liên quan đến thẩm quyền quyết định khen thưởng, quá trình thẩm định hồ sơ, trình khen thưởng.

Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng nghị định sửa đổi, bổ sung lần này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính. Việc cấp đổi, cấp lại Bằng khen được giải quyết tại cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) - trước đây thêm thủ tục trình các cơ quan quản lý con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền khen thưởng để đóng dấu.

Thế Kha