1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

30.4.1975: Ký ức không phai mờ

33 năm kể từ phút giây lịch sử ấy, khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện, những nhân chứng lịch sử vẫn nhớ mãi hình ảnh ngày chiến thắng với cảm xúc thật đặc biệt.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo: Lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì tôi đang là Phó Tư lệnh Quân khu 5, phụ trách hai sư đoàn bộ binh (968 và 324) dự bị cho đồng chí Lê Trọng Tấn.

Tôi sung sướng đến trào nước mắt. Bên cạnh tôi, Thiếu tướng Lư Giang, Tư lệnh phân khu Nam của Quân khu 5 và Đại tá Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 cũng vậy. Sung sướng như 30 năm trước đó khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tôi đang ở Nha Trang, muốn vào ngay Sài Gòn để xem bà con ta ở đó sống ra sao, rồi sau đó trở về Bắc thăm gia đình.

Giải phóng rồi, đất nước thống nhất theo ý nguyện của Bác Hồ, lúc đó tôi nghĩ Việt Nam sẽ nhanh chóng mạnh lên, sẽ tiến nhanh trên con đường XHCN. Không ngờ sau đó, đất nước ta có một giai đoạn khó khăn đến thế…

Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, nguyên Phó tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Quân khu I: Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn I. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu nguỵ sau khi giải phóng thị xã Thủ Dầu Một, căn cứ Phú Lợi, Tân Yên, Lai Khê và Bến Cát… (tỉnh Bình Dương).

Thời khắc lịch sử 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tôi và đồng chí Nguyễn Chuông, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, cùng thảo luận ở trường Công binh - một căn cứ ta vừa chiếm được và theo dõi tin tức từ đài BBC. Khi nhận được tin ta chiến thắng trên khắp các mặt trận và chiếm dinh Độc Lập, chúng tôi đã nhảy lên vui sướng, ôm nhau và khóc. Niềm xúc động mãnh liệt bởi phút giây này đã được mong chờ quá lâu, sự mất mát lớn lao đã được đền đáp. Chúng tôi đã thức với nhau suốt đêm 30/4 để chuyện trò và tận hưởng niềm vui thắng lợi.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh Quân khu IV: Tôi lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 9 thuộc Lữ đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3), vừa đánh chiếm xong sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu nguỵ. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau hò reo phấn khởi, nước mắt chảy quanh vì vui sướng.

Sau đó, tôi ngồi một mình trên xe tăng suy nghĩ rất trầm tư. Tôi nghĩ về đồng đội đã hy sinh, về bố mẹ, anh chị em ở quê hương. Và thú thực, việc tôi nghĩ nhiều nhất là sau này mình sẽ làm gì: Về quê đi cày, làm công nhân hay xin đi học thể thao, hoặc làm ca sĩ chuyên nghiệp, những nghề tôi có năng khiếu và rất thích từ hồi còn học sinh. Tôi không chút mảy may nghĩ mình sẽ ở lại quân đội. Ước mơ trước mắt của tôi lúc đó là được về thăm bố mẹ với hai gói kẹo làm quà và cặp tóc tặng người yêu.

30.4.1975: Ký ức không phai mờ  - 1

Xe tăng quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập - Sài Gòn 30/4/1975 (Ảnh tư liệu).

 

Thiếu tướng Nguyễn Minh Long, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu: Trong Đại thắng Mùa Xuân 1975, tôi là Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2). Sư đoàn chúng tôi cùng quân đoàn giải phóng thành phố Huế trưa ngày 25/3/1975, sau đó tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam. Đến Bình Thuận, Sư đoàn chuyển sang làm lực lượng dự bị cơ động của Quân đoàn và Bộ.

Thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lực lượng của chúng tôi đóng quân ở Cam Ranh, đề phòng quân tiếp viện của địch đổ bộ vào đất liền. Nhận được tin quân ta chiếm dinh Độc Lập và giải phóng Sài Gòn từ đồng chí Chu Huy Mân, chúng tôi đã khóc, khóc một cách sung sướng vì chúng ta đã chiến thắng, nước nhà đã được độc lập. Tuy nhiên, cũng buồn vì không được trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong lòng mỗi chúng tôi lúc đó luôn khát khao được ra trận để góp sức mình cho chiến thắng của dân tộc.

Giáo sư Phong Lê: Lúc đó tôi là Thư ký toà soạn Tạp chí Văn học của Viện Văn học. Viện chúng tôi đang nghe giáo sư Hans Kotum và Tiến sĩ Dichter Cris (người Đức) báo cáo thì đài Tiếng nói Việt Nam loan tin chiến thắng. Cả hội trường vỗ tay ầm ầm rồi kéo xuống đường Trần Xuân Soạn, ra chợ Hôm, đi dọc phố Huế, rồi lên Bờ Hồ, vừa đi vừa hát vang bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Hai ông khách cùng đi với chúng tôi. Vui lắm, đi dọc phố khi nào đói thì vào nhà hàng ăn, không ai lấy tiền. Chúng tôi đi từ trưa cho đến tối và ở lại Bờ Hồ xem bắn pháo hoa. Trời tối hôm đó đẹp lắm, sáng rực.

Trong ngày vui đó, tôi nhớ lại nạn đói năm 1945 và Cách mạng tháng Tám mà tôi và gia đình được chứng kiến. Cuộc hành trình của dân tộc kéo dài 30 năm nay mới trọn vẹn. Niềm vui hoà bình gắn với độc lập và thống nhất cứ trào dâng trong tôi. Tôi nghĩ công việc của mình rồi sẽ khác khi Bắc Nam sum họp một nhà.

Nhà thơ Anh Ngọc: Ngày 30/4/1975, tôi và Hà Đình Cẩn - hai phóng viên của báo Quân đội Nhân dân từ Phan Thiết trở ra Phan Rang lấy tài liệu viết bài. Đang đi trên đường phố, chợt thấy mấy người dân trong nhà chạy ra kêu t “Chú bộ đội ơi, Sài Gòn giải phóng rồi!”. Thú thực, tôi chỉ hơi ngỡ ngàng một chút thôi, còn không có gì bất ngờ lớn. Trước đà thắng lợi như chẻ tre của quân và dân ta, chúng tôi xác định rằng Sài Gòn sớm muộn gì cũng được giải phóng mà không có thế lực nào ngăn nổi, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Ngày hôm sau (1/5/1975), chúng tôi theo xe vận tải của bộ đội Phòng không đến Xuân Lộc, sau đó theo xe lam vào Sài Gòn. Tối hôm đó, chúng tôi nghỉ tại trụ sở Cơ quan Viện trợ quân sự của Mỹ (USAID). Đêm đầu tiên ngủ giữa chốn thành đô, một cảm giác rất lạ, như thực như mơ, lại vô cùng quen thuộc, gần gũi, nhắm mắt lại vẫn tưởng như ở Hà Nội. Đó là cảm xúc để tôi viết bài: “Mắc võng ở Sài Gòn”: Ru anh như chiếu như giường/ Đệm chăn đầu không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/ Mở mắt quạt trần đang quay…

Theo Sự kiện và Nhân chứng/VOV