1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hưng Yên:

300 công nhân may đình công vì bị ép làm thêm giờ

(Dân trí) - Vào lúc 18h ngày 21/8, khoảng 300 công nhân Công ty may Glorxy (Yên Mỹ, Hưng Yên) đã hùa nhau bỏ làm, đình công, đòi tăng lương giảm giờ làm. Đến 23/8, những đòi hỏi của công nhân vẫn chưa được phía công ty chấp thuận.

Trao đổi với nhà báo, anh Nguyễn Xuân Quảng, tổ trưởng tổ cắt may, bức xúc: “Có lần phải làm việc từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau nhưng không được nghỉ. Trung bình mỗi tháng công nhân chúng tôi phải lao động thêm hơn 200 giờ, cả ngày thứ bảy và chủ nhật cũng phải đi làm”.

 

Toàn bộ chừng 300 công nhân của công ty đều khẳng định, theo hợp đồng ban đầu với công nhân, công ty cam kết không bắt công nhân làm quá 10 tiếng/ngày. Giờ làm thêm sẽ được tính thêm lương.

 

Ông Nguyễn Thành Đô, nguyên quản đốc, vừa bị sa thải không rõ lý do, cho biết: Điều kiện làm việc không đảm bảo, máy móc kê sát nhau, công nhân chỉ cần sơ suất nhỏ là bị mô tơ hay cánh quạt phạt vào người. Ngày nào công nhân cũng bị ép làm việc quá từ 4-5 tiếng. Nhiều công nhân không chịu nổi, ngày nào cũng có người bị ngất nhưng chẳng biết kêu ai.

 

“Công nhân mình thương nhau thì tự đưa nhau đi cấp cứu ở bệnh viện nếu nghiêm trọng, còn không thì cho ngồi nghỉ quạt mát một lúc đỡ rồi lại làm tiếp”, chị Đàm Thị Vân, công nhân tổ may 3, vừa khóc vừa phàn nàn. Chị Chu Thị Phượng ở cùng tổ may với chị xin nghỉ đẻ không được hưởng bất cứ chế độ gì. Lúc đi làm lại thì bị coi như người mới đến thử việc.

 

Ông Đô cũng cho biết, công ty không có nhà ăn; công nhân phải ăn trưa tại xưởng sản xuất.

 

Theo phản ánh của những công nhân ở đây thì từ tháng 3/2007, họ được công ty TNHH may Glorxy nhận vào làm chủ yếu là các công việc may mặc, nhưng không kí hợp đồng lao động. Trong khi đó hàng tháng lãnh đạo của công ty vẫn trích 43.000 đồng tiền lương của họ để “đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội”. Thế nhưng khi công nhân ốm đau lại không hề được hưởng chút ưu đãi nào. Hỏi công ty thì được trả lời là “chưa có thẻ bảo hiểm”.

 

Trao đổi với những cán bộ tổ trưởng của tổ may được biết công ty làm việc không bao giờ theo lịch rõ ràng, cứ hết giờ nghỉ họ lại thông báo phải làm việc tiếp đến tận đêm, thậm chí là tới sáng hôm sau. Công nhân nào mà “kháng lệnh” ngay lập tức bị trừ lương. Anh chị em phản ánh lên lãnh đạo thì bị từ chối giải quyết.

 

Sau khi xảy ra vụ đình công, PV cố gắng liên hệ với Giám đốc Lee Ho Gyooen (người Hàn Quốc) nhưng không được.

 

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm